-
"Đã uống rượu, bia thì không lái xe"
Trả lời đại biểu về quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình nói, "tôi tin rằng mọi người dân đều thấy nguy hiểm của việc uống rượu bia tham gia giao thông, gây tai nạn ảnh hưởng đến xã hội và chính bản thân tài xế".
Theo ông, nhiều vụ hết sức đau thương đã xảy ra "chỉ một cuộc vui, một chút quá chén"
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh "tất cả chúng ta đều thấy rằng đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông". Với pháp luật, hiện có nhiều quy định để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, đơn cử như Luật Giao thông đường bộ, Luật xử lý vi phạm hành chính và Chính phủ có nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.
"Tới đây Chính phủ sẽ sửa nghị định 36 theo hướng tăng mức phạt tối đa đối với vi phạm giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn", ông Trương Hoà Bình nói.
-
Phiên chất vấn Bộ trưởng Công an kết thúc với 47 đại biểu nêu câu hỏi, 11 đại biểu tranh luận.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cùng giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan.
-
Xử lý nghiêm gian lận thi THPT quốc gia
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, nhanh và dứt điểm của Bộ Công an trong việc giải quyết vụ gian lận thi cử năm 2018 vì đây là một loại tội phạm mới, phức tạp, tinh vi, đông người tham gia. "Giải pháp căn cơ để Chính phủ ngăn chặn gian lận trong thi cử là gì?", ông Trí nêu câu hỏi.
Về vấn đề này, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, ngay khi phát hiện vụ việc, Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu Bộ Công an khẩn trương xác minh; nếu có vi phạm thì phải khởi tố. Hiện nay Bộ Công an đang làm rõ theo quy định pháp luật. Trong phiên họp gần đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức kỳ thi 2019 trung thực, khách quan, tạo niềm tin cho xã hội và đề ra các giải pháp chấn chỉnh.
Theo Phó thủ tướng, trong gian lận thi cử có nguyên nhân từ phụ huynh, từ cán bộ, công chức và việc quản lý nhà nước chưa chặt chẽ... Vì vậy, theo ông, để ngăn chặn gian lận trong thi cử, trước hết phải nâng cao ý thức, trách nhiệm chung của xã hội, mọi công dân, công chức nhà nước; củng cố nền tảng xã hội, sống trung thực, tôn trọng giá trị đạo đức, không làm mất đi cơ hội của người khác.
"Bên cạnh đó, cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm công vụ, củng cố quy chế thi cử chặt chẽ, tổ chức kỳ thi nghiêm minh, có sự giám sát của cộng đồng xã hội", ông nói và khẳng định, nếu phát hiện vi phạm ở mức nào thì xử lý theo mức đó, kể cả xử lý hình sự, không để làm oan và không có vùng cấm.
-
Gia tăng tội phạm kinh tế, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng
Cuối phiên chất vấn buổi sáng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Đại học Y Hà Nội đề nghị Bộ trưởng Công an cho biết về hiện tượng tội phạm kinh tế "đang tăng hay giảm?".
Bộ trưởng Công an đánh giá, tội phạm kinh tế là "vấn đề đáng quan ngại". Ông thông tin, 5 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 8.240 vụ, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm 2018. Tội phạm kinh tế xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, như ngân hàng, đất đai... gây thiệt hại nhiều nghìn tỷ đồng. Nhưng đáng lo hơn, theo ông Lâm, là tội phạm kinh tế có yếu tố nước ngoài cũng đang gia tăng.
-
Đưa ra khỏi ngành cán bộ bảo kê băng nhóm tội phạm
Trước giờ nghỉ buổi sáng, 10 đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Đại biểu Mai Sỹ Diến quan tâm đến việc xã hội đen cấu kết với một số cán bộ trong ngành công an.
Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thực tế đã có trường hợp cán bộ bị xử lý. "Chúng tôi kiên quyết xử lý sai phạm trong nội bộ, không có vùng cấm và đưa ra khỏi ngành cán bộ vi phạm", ông Lâm nhấn mạnh.