Trả lời câu hỏi của VnExpress.net tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5 của Chính phủ chiều 1/6, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết chủ trương chung của Chính phủ khi xem xét dự án đường sắt cao tốc là “làm dự án phải có hiệu quả và phải lo được nguồn vốn thực hiện”.
Theo Bộ trưởng Phúc, một trong những yếu tố quan trọng nhất được tính tới là công nghệ mang tính lâu dài và được rút kinh nghiệm từ hệ thống tương tự tại các quốc gia tiên tiến. Chính phủ cũng đang yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo đầy đủ hơn về dự án trong buổi làm việc dự kiến diễn ra vào sáng 2/6.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: N.M. |
Riêng với con số 56 tỷ đôla dự kiến được chi cho dự án, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây mới là kinh phí dự trù tổng thể với đơn giá dự kiện. Nếu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ tiến hành xem xét các dự án thành phần và đưa ra con số cụ thể.
Về đối tác triển khai, đại diện Chính phủ cho biết đã nhận được cam kết từ phía Nhật Bản về việc hỗ trợ vốn, công nghệ nếu dự án được Quốc hội và Chính phủ thông qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phúc cũng nhấn mạnh, Chính phủ vẫn để ngỏ nhiều phương án trước khi đưa ra quyết định chính thức.
Xung quanh một số ý kiến lo ngại về việc triển khai đường sắt cao tốc, với chi phi lớn, có thể làm nợ quốc gia vượt ngưỡng an toàn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân phúc khẳng định với mức nợ hiện nay và tốc độ phát triển kinh tế (dự kiến GDP đạt 200 tỷ USD vào năm 2020), nợ công của Việt Nam là an toàn và trong tầm kiểm soát: “Nguy cơ vỡ nợ không thể xảy ra, cả trong ngắn hạn lẫn lâu dài”, Bộ trưởng Phúc khẳng định.
Một nội dung khác cũng được báo chi đặt ra với đại diện Chính phủ trong buổi họp báo chiều nay là tình hình cung ứng điện khó khăn trong thời gian qua. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, nguyên nhân của hiện tượng này là do sự sụt giảm nguồn cung từ các nhà máy thủy điện do điều kiện thời tiết trong khi nhu cầu về điện trong tháng 5 vừa qua đã cao hơn 22,77% so với cùng kỳ 2009.
Do không đáp ứng được tất cả nhu cầu, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tiếp có 3 văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các Sở Công Thương… về việc tiết giảm điện tiêu thụ.
Bộ Công Thương thừa nhận đã để xảy ra một trường hợp cắt điện kéo dài đến 23 giờ liên tục tại TP HCM do sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên, Thứ trưởng Biên cam kết sẽ cố gắng để không để tình trạng nêu trên tái diễn trong thời gian tới.
Đánh giá về việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội tháng 5, đại diện Chính phủ đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế vĩ mỗ ổn định: CPI chỉ tăng 0,27%, xuất nhập khẩu tăng 12,6% so với cùng kỳ 2009 trong khi nhập siêu giảm, sản xuất công - nông nghiệp tăng khá. Tuy vậy, Chính phủ vẫn chỉ ra một số tồn tại, cần khắc phục trong thời gian tới như lãi suất ngân hàng còn cao, thị trường bất động sản còn nhiều biểu hiện không tốt, thiếu điện gây cản trở sản xuất… |
Nhật Minh