Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành nghị định 107 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 24 về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành.
Theo đó, nghị định mới giữ nguyên 17 sở được tổ chức thống nhất ở tất cả tỉnh thành, gồm các sở: Nội vụ; Tư pháp; Kế hoạch Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động Thương binh và Xã hội; Văn hóa Thể thao Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND.
Ngày 16/9, giải thích việc chưa sáp nhập một số sở ngành như đề xuất trong dự thảo nghị định trước đây, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc này đã có kết luận của Bộ Chính trị là chờ tổng kết thí điểm. Vì vậy, hiện nay các tỉnh, thành vẫn tổ chức cơ cấu cơ quan chuyên môn như nghị định 24. "Phải có tổng kết thí điểm rồi mới làm tiếp", ông Tân nói.
Ngoài 17 sở được tổ chức thống nhất ở các tỉnh, thành nêu trên, nghị định mới cũng đề cập đến các sở đặc thù như sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, sở Quy hoạch Kiến trúc và sở Du lịch. Trong đó, sở Du lịch được thành lập khi địa phương đáp ứng các tiêu chí: Có di sản văn hóa vật thể được UNESCO ghi danh là di sản thế giới hoặc có tài nguyên, tiềm năng du lịch nổi trội; ngành du lịch được xác định là kinh tế mũi nhọn và có giá trị kinh tế với tỉ trọng từ 10% trở lên trong 5 năm liên tục.
Sở Ngoại vụ được thành lập ở những tỉnh đáp ứng một trong các tiêu chí: Có cửa khẩu quốc tế đường bộ, cửa khẩu quốc tế đường hàng không, cảng biển quốc tế; địa phương có từ 500 dự án đầu tư nước ngoài trở lên hoặc có vốn FDI trên 100.000 tỷ đồng; trên 4.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc trên địa bàn; kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100.000 tỷ đồng trở lên.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc vẫn được thành lập ở TP HCM và Hà Nội. Chức năng quy hoạch kiến trúc của các tỉnh, thành còn lại được quy định trong Sở Xây dựng.
Nghị định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11.
Đầu năm 2017, Bộ Nội vụ lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành; trong đó đề xuất 12 sở "cứng" tổ chức thống nhất ở các địa phương, gồm Sở Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch -Tài chính (sáp nhập Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính), Công Thương, Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị (sáp nhập Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng), Sở Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Thanh tra tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân.
6 sở "mềm" tổ chức sở phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và đặc thù chuyên ngành, gồm các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại vụ, Du lịch, và Ban Dân tộc. Căn cứ điều kiện tự nhiên, văn hoá, xã hội, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định việc thành lập hoặc không thành lập các sở "mềm".
Trong năm 2018, một số tỉnh đã thực hiện thí điểm sáp nhập sở, ngành. Như Hà Giang đã hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh với cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; Lào Cai sáp nhập Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng; Bạc Liêu sáp nhập Sở Văn hóa Thể thao Du lịch với Sở Thông tin Truyền thông; Sở Giáo dục Đào tạo với Sở Khoa học Công nghệ...
Tháng 12/2018, Bộ Nội vụ đề nghị tạm dừng việc sắp xếp sở ngành, phòng ban. Sau đó một năm, tháng 12/2019, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương đăng ký thực hiện thí điểm hợp nhất 8 sở ngành thành 4, gồm sở Tài chính với Kế hoạch Đầu tư; Giao thông Vận tải với Xây dựng; Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy; Thanh tra cấp tỉnh với Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy.
Đến tháng 1/2020, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết 15 trong 63 tỉnh, thành đã gửi văn bản về Bộ Nội vụ đăng ký thí điểm sáp nhập sở, ngành cấp tỉnh và phòng, ban cấp huyện.