Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo tờ trình Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành.
Theo đó, đối với 17 sở đang tổ chức thống nhất trong cả nước hiện nay, Bộ Nội vụ đề xuất chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là 4 sở được đề xuất giữ nguyên nhằm bảo đảm ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc sở tham mưu quản lý chuyên ngành, chuyên sâu có tính ổn định cao. Đó là các sở: Tư pháp; Tài nguyên Môi trường; Lao động - Thương binh Xã hội; Y tế.
Nhóm thứ hai là 10 sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp giữ ổn định hoặc hợp nhất, gồm các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông.
Nhóm thứ ba là các cơ quan cũng được đề xuất giao cho cấp tỉnh chủ động giữ ổn định hoặc thí điểm hợp nhất, cụ thể: Sở nội vụ với Ban tổ chức; Thanh tra tỉnh với Ủy ban kiểm tra; Văn phòng UBND tỉnh với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND cấp tỉnh.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất quy định đối với 4 sở đặc thù, chuyên ngành không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương, trong đó có Sở Quy hoạch – Kiến trúc thuộc UBND TP Hà Nội và TP HCM; 3 sở khác do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch (căn cứ vào tiêu chí, các tỉnh chủ động thành lập hoặc không).
Lý do đề xuất hợp nhất một số sở ngành
Trong nhóm 10 sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp giữ ổn định hoặc hợp nhất, Bộ Nội vụ cho rằng có những sở mà chức năng, nhiệm vụ quan hệ liên thông với nhau.
Cụ thể, khi hợp nhất Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính sẽ tạo điều kiện cho việc tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và một số lĩnh vực liên quan được hiệu quả hơn. Nếu hợp nhất hai cơ quan này, sở mới sẽ có tên gọi là Sở Tài chính - Kế hoạch.
Sở Giao thông Vận tải được đề xuất hợp nhất với Sở Xây dựng (thành Sở Giao thông vận tải - xây dựng), vì việc hình thành, phát triển các không gian đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch hạ tầng giao thông, nhất là khi Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai các dự án theo các hình thức đầu tư công - tư (BOT, BT, PPP...) luôn đòi hỏi có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển giao thông với đô thị.
Cũng theo Bộ Nội vụ, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn có thể được hợp nhất với Sở Công thương. Lý do của đề xuất này là quá trình đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nhiều tỉnh, thành sẽ khiến yêu cầu quản lý nhà nước về nông nghiệp so với các ngành, lĩnh vực khác là không lớn nên không cần thiết thành lập một sở chuyên trách; nếu được hợp nhất, cơ quan mới sẽ là Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại.
Sở Thông tin Truyền thông được đề xuất hợp nhất với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch. Bộ Nội vụ cho rằng, tại một số tỉnh có địa bàn nhỏ, dân số ít thì yêu cầu quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, in và phát hành, bưu chính, viễn thông… không lớn, không cần thiết duy trì một sở tham mưu chuyên trách về các lĩnh vực nêu trên.
Do các lĩnh vực khoa học, công nghệ có liên quan mật thiết với ứng dụng, tương đồng với lĩnh vực giáo dục, Bộ Nội vụ đề xuất hợp nhất Sở Khoa học và Công nghệ với Sở Giáo dục Đào tạo. Tên gọi sở mới sau khi hợp nhất sẽ là Sở Giáo dục và Khoa học, Công nghệ.
Hà Nội và TP HCM có không quá 20 sở, ngành
Bộ Nội vụ đề xuất ba phương án quy định khung số lượng các sở. Phương án đầu tiên là tổng số lượng sở sau khi thành lập mới, hợp nhất, sáp nhập không vượt quá số sở hiện có. Cụ thể, không được quá 20 sở, ngành đối với Hà Nội và TP HCM. Các tỉnh còn lại từ 17- 19 sở, ngành tùy theo loại đơn vị hành chính. Thực hiện phương án này sẽ giảm tối thiểu được 46 sở trên toàn quốc.
Ở phương án hai, độ tinh gọn được đề xuất cao hơn, khi các tỉnh, thành (ngoại trừ Hà Nội và TP HCM) không quá 17- 18 sở, qua đó giúp giảm tối thiểu 88 sở, ngành trên toàn quốc.
Trong phương án cuối cùng, Bộ Nội vụ đề xuất quy định tổng số lượng sở, ngành không vượt quá số lượng hiện có. Tuy nhiên, Bộ cũng nêu rõ, nếu chỉ quy định như vậy, khi địa phương không chủ động thực hiện quyết liệt thì sẽ không tinh giản được đầu mối.
"Để đảm bảo thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy có lộ trình, tránh xáo trộn lớn, Bộ Nội vụ đề xuất chọn phương án đầu tiên", tờ trình nêu.