Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng 22/5, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình nêu, tăng trưởng cả năm 2016 thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%) nhưng cao hơn mức của các năm từ 2008-2014. Những tháng đầu năm 2017, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phục hồi tốt hơn cùng kỳ năm trước. Riêng kim ngạch xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt 10,76 tỷ USD, tăng 9,1%.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ đã tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân 40 nước, đến nay đã cấp gần 18 nghìn thị thực điện tử; khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,3 triệu lượt, tăng hơn 30%.
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 5,1%, chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, trong đó dầu thô giảm đến 14,2%; ngành chế biến chế tạo, linh kiện điện tử tăng thấp hơn cùng kỳ. Việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm.
"Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra", Phó thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành "chủ động, linh hoạt, hiệu quả".
![chinh-phu-quyet-dat-tang-truong-6-7-du-co-nhieu-kho-khan](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/05/22/ky-hop-9520-1495428721.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=t3aYFq_Ktd2WjCC7ps13XQ)
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 14 sẽ kéo dài đến 21/6.
Kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém
Theo báo cáo của Chính phủ, việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã đạt kết quả bước đầu, tuy nhiên còn nhiều khó khăn; năng lực quản trị điều hành của một số tổ chức tín dụng còn yếu, năng lực cạnh tranh thấp.
Cụ thể, giai đoạn 2012 - 2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 610 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm trên 56%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm gần 44%. Tính đến 31/3, tổng nợ xấu nội bảng hệ thống các tổ chức tín dụng trên 160 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,56% tổng dư nợ tín dụng.
Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và đang chỉ đạo kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện các phương án xử lý theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường, trên nguyên tắc khẩn trương, quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả kinh tế, an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền. Củng cố, chấn chỉnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân; xử lý dứt điểm các quỹ yếu kém.
Công bố số liệu về 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn
Đề cập đến 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình thông tin, lãnh đạo Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo để xác định, đánh giá, kiểm tra thực địa; đề ra nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể. Đến nay, một số dự án bước đầu đã có chuyển biến như các nhà máy sản xuất phân bón và Nhà máy thép tại Lào Cai.
Được biết, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43,6 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 22,56%; vốn vay chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.
Chính phủ cũng cho biết, tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy (trong số 12 dự án trên) đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16,1 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là gần 4 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 dự án là 57,7 nghìn tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8,6 nghìn tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13 nghìn tỷ đồng.
Theo Phó thủ tướng, hiện Chính phủ đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo tinh thần Hội nghị Trung ương 5, khóa XII.
Đối với những dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng. Cụ thể là tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài.
![chinh-phu-quyet-dat-tang-truong-6-7-du-co-nhieu-kho-khan-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/05/22/18697544-10203215989116870-175-7269-8899-1495428722.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Zoi4Jk4XvQPzeX9HGmR1JA)
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình.
Kỷ luật cả người đã nghỉ hưu
Báo cáo trước Quốc hội, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình thẳng thắn nêu rõ, kỷ luật, kỷ cương trong nhiều cơ quan, đơn vị và trong xã hội còn chưa tốt. Công tác cán bộ vẫn còn những yếu kém; một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận.
Cụ thể như, 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp bổ nhiệm cán bộ là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm; hiện tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng và đang được kiểm tra, làm rõ.
Sở Nông nghiệp Thanh Hóa có 8 phó giám đốc; Sở Tài nguyên Bình Định có 6 Phó giám đốc. Sở Lao động Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức; Sở Nông nghiệp Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo.
Phó thủ tướng khẳng định, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục những yếu kém, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác cán bộ. "Hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác cán bộ, nhất là về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, công chức, kể cả người đã nghỉ hưu", ông nói.
Môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung trở lại bình thường
Phó thủ tướng cho biết môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã trở lại bình thường, sản xuất kinh doanh, khai thác thủy sản phục hồi, đã thu hút được lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp. Xử lý vi phạm về môi trường còn bất cập; chế tài chưa nghiêm. Tình trạng chặt phá rừng, khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép còn diễn ra tại nhiều địa bàn. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Phó thủ tướng khẳng định Chính phủ kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông; thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật Biển 1982, chủ động, tích cực cùng ASEAN và các bên liên quan thực hiện đầy đủ DOC, phấn đấu sớm hoàn tất COC.
Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày các nội dung thẩm tra báo cáo nêu trên của Chính phủ; nghe Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đọc báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Chiều cùng ngày, Quốc hội làm việc về ngân sách và xử lý nợ xấu.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hoạt động lập pháp tiếp tục là nội dung trọng tâm của kỳ họp. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; tăng thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lên ba ngày. |