Sáng 27/3, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, các thành viên Chính phủ cho rằng có đủ cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn để trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông.
Một trong các chính sách được đề xuất là không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong hạn mức tỷ lệ tham gia của nhà nước với dự án hợp tác công tư (PPP). Theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50%, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Chính phủ cũng đề xuất giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương đầu tư các dự án giao thông, có hỗ trợ từ ngân sách Trung ương khi cần thiết. Với dự án liên kết vùng đi qua địa bàn hai tỉnh, một địa phương sẽ được giao quyết định chủ trương đầu tư, hỗ trợ vốn cho địa phương khác, cùng với vốn ngân sách Trung ương.
Các chính sách này nhằm huy động tối đa nguồn lực gồm vốn nhà nước, tư nhân, trung ương, địa phương; vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; vốn tiết kiệm chi, tăng thu để xây dựng công trình giao thông. Mục tiêu của Chính phủ là tạo đột phá chiến lược về hạ tầng, trong đó xây dựng 5.000 km cao tốc đến năm 2030.
Mới đây, trước nguy cơ 27 dự án giao thông dự kiến khởi công năm 2023 chậm tiến độ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã yêu cầu các địa phương sớm hoàn thành phê duyệt đầu tư và khởi công các dự án do địa phương là đơn vị chủ quản. Các tỉnh, thành được đề nghị quyết liệt bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong đó ưu tiên các vị trí cần có mặt bằng để thi công như đường công vụ, các đoạn cần xử lý đất yếu, cầu, hầm.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành, tháng 3/2023. Ảnh: Thanh Tùng
Trong cuộc họp hôm nay, các thành viên Chính phủ cũng nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 3 tháng, giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn tạm trú với người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày.
Chính phủ đề xuất các chính sách này sẽ được đưa vào nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 (tháng 5/2023) để thực hiện ngay, giải quyết một số vấn đề cấp bách, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm việc tại Việt Nam, góp phần phục hồi ngành du lịch.
Về dự án Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014, thành viên Chính phủ thảo luận về nội dung mới như cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi; cho người gốc Việt ở nước ngoài; tích hợp thông tin trên cơ sở dữ liệu. Các thành viên thống nhất nội dung này cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chọn lọc phù hợp với điều kiện Việt Nam và chuẩn bị tốt nguồn lực để thực hiện.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn. Nhiều văn bản từ lâu hoặc mới xây dựng nhưng thực tiễn đã vượt qua, cần điều chỉnh. Ông nhắc lại quan điểm những gì đã chín, đã rõ, ổn định thì luật hóa. Những gì chưa có hoặc vượt quy định thì mạnh dạn nghiên cứu thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần.
"Làm đến đâu chắc đến đó để luật pháp đi thẳng vào cuộc sống, không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu", Thủ tướng nhấn mạnh.