Ngoài Nghị quyết 01 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Mục tiêu năm nay tập trung vào các nhóm chỉ số, chỉ tiêu cụ thể, gồm cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản, chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát tham nhũng...
Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ đưa ra để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, Nghị quyết 02 yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân (như các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội); Đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin....
Nghị quyết cũng yêu cầu khắc phục ngay các bất cập, chồng chéo trong quản lý đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường. Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành xây dựng lộ trình cho các chỉ tiêu mang tính chất bền vững nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường, giảm nghèo đa chiều...
Là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp (thứ 127), nhưng Việt Nam vẫn đạt vị trí 70 về môi trường kinh doanh năm 2019, tăng 20 bậc so với năm 2015 và thứ 67 về năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0, tăng 10 bậc so với năm 2018.
Trong 5 năm qua, năng lực cạnh tranh du lịch tăng 12 bậc, xếp thứ 63; hiệu quả logistics tăng 25 bậc, xếp thứ 39; đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 17 bậc, xếp hạng 42. Đặc biệt, xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc, từ vị trí 88 năm 2016 lên 49 năm 2020.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong nhiệm kỳ 5 năm, Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa 3.893 trên 6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776 trên 9.926 danh mục hàng phải kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công chi phí xã hội mỗi năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng. Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn một năm đi vào hoạt động cung cấp hơn 2.700 dịch vụ công trực tuyến; hơn 100,5 triệu lượt truy cập; hơn 27,5 triệu hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ lên cổng và hơn 744.800 hồ sơ được thực hiện trực tuyến.
Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối giữa toàn bộ cơ quan trung ương, địa phương với hơn 3,8 triệu văn bản điện tử, tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Hệ thống thông tin phục vụ họp và phục vụ xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã phục vụ 24 phiên họp Chính phủ, thay thế hơn 225.000 hồ sơ, phiếu lấy ý kiến, giúp tiết kiệm mỗi năm khoảng 169 tỷ đồng.
Ngoài ra, số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay.
Minh Sơn