Mô hình SVĐ trung tâm của nhà thầu PH. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan thẩm định và Bộ Xây dựng, cơ quan phúc tra kết quả đấu thầu gói Sân vận động trung tâm, cho biết: "13h ngày 17/3, Ủy ban TDTT và Ban quản lý dự án tiến hành mở thầu giai đoạn II, kết quả như sau: Giá dự thầu của PH (chưa giảm giá 2,2%) là 57.308.000 USD, tiến độ thi công là 24 tháng, cộng 6 tháng vận hành thử; nhà thầu HISG là 52.983.000 USD, thi công 24 tháng; nhà thầu Bouygues (Pháp) là 56.356.000 USD (nếu sử dụng mái vải và giảm chiều sâu cọc móng sẽ là 54.963.000 USD), thi công 24 tháng; nhà thầu Lema là 68.798.000 USD, thi công 24 tháng, cộng 4 tháng chuyển giao công nghệ. Công ty Tư vấn VNCC tiến hành xem xét, đánh giá chấm thầu các hồ sơ dự thầu giai đoạn II; việc làm này đã vi phạm quy chế đấu thầu, đối với các gói thầu đã được tổ chức sơ tuyển thì giai đoạn II không chấm điểm lại về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu. Chỉ cập nhật thông tin về năng lực, kinh nghiệm...".
Chính vì VNCC tự chấm điểm lại, nên kết quả đấu thầu giai đoạn II đã bị sai lệch, không đánh giá chính xác về năng lực của các nhà thầu.
Khi đánh giá về năng lực của nhà thầu Philipp, giá dự thầu sau khi giảm giá là 56.047.000 USD. Sau khi hiệu chỉnh sai lệch một số thiết bị..., giá đánh giá là 56.866.000 USD, nhưng VNCC lại đề nghị giá trúng thầu là 56.047.000 USD (loại bỏ ngay hiệu chỉnh sai lệch để "đưa" giá nhà thầu Philipp xuống).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lưu ý Ủy ban TDTT: "Chi phí thiết kế của Philipp là 7,1 triệu USD, quá cao so với các nhà thầu khác và so với chi phí xây lắp và cung cấp thiết bị". Đồng thời, Philipp cũng phải cung cấp đầy đủ thiết bị như đã đề xuất, sửa đổi một số thiết kế mặt đứng kiến trúc phía đông nhưng giá không vượt quá 56.866.000 USD. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: "Giá đó phải kể tới yếu tố chỉnh sai lệch". Như vậy rõ ràng Philipp đã không tuân thủ phương án kiến trúc trong báo cáo khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hơn nữa, giá thực tế quá cao so với các nhà thầu khác.
Lo ngại chính đáng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cảnh báo: "Điều băn khoăn nhất hiện nay đối với nhà thầu PH là vấn đề tài chính. Theo tài liệu sơ tuyển, trong năm 1999, PH đã kinh doanh thua lỗ tới 129 triệu USD…".
Nhưng hiện nay, Ủy ban TDTT vẫn chưa có ý kiến đánh giá chính thức về vấn đề này. Hiện chỉ có thư của Ngân hàng Deutsche (Đức) xác nhận PH có một khoản tín dụng chưa sử dụng là 15 triệu USD. Tuy nhiên, đây là bản sao không có công chứng và không rõ trọng trách của người ký. Mặt khác, khoản vốn trên quá bé so với giá trị gói thầu, nên về mặt pháp lý và thực tiễn chưa đủ tin cậy. Nếu Ủy ban TDTT không xác minh được các thông tin về khả năng tài chính của PH thì không có cơ sở tạo ra hợp đồng một khi nhà thầu này được chọn trúng thầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết luận: "Đáng lẽ nhà thầu này phải bị loại ngay từ vòng sơ tuyển, việc Ủy ban TDTT đề nghị trúng thầu gây thắc mắc đối với công luận và tạo một sự nghi ngờ về khả năng thực thi của một nhà thầu, một khi không vượt qua được sơ tuyển…".
Với chức năng phúc tra, Bộ Xây dựng đã nêu: "Phần chỉ dẫn về tài chính trong hồ sơ mời thầu đã ghi rõ phương thức thanh toán gồm thanh toán cho các nhà thầu thực hiện bằng đồng USD; việc thanh toán sẽ thông qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Nhà thầu phải mở tài khoản tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tại Hà Nội để chủ đầu tư thực hiện". Nhưng nhà thầu PH đã không đồng ý thực hiện những điều này.
Các chuyên gia nhận định, nếu PH được lựa chọn để thương thảo hợp đồng thì rất có thể những gì xảy ra với HISG sẽ được lặp lại. Trong khi đó, thời gian chúng ta phải bàn giao công trình cho hội đồng Thể thao Đông Nam Á chỉ còn đúng 22 tháng.
(Theo Lao Động, 3/7)