Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đang được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày 14/6.
VnExpress có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) về quá trình xây dựng dự án Luật này.
- Đại biểu Quốc hội vừa biểu quyết về 3 nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bà suy nghĩ như thế nào với kết quả biểu quyết?
- Tôi hơi tiếc khi 2 nội dung quy định người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới không được có nồng độ cồn trong máu, khí thở và quy định không bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ sau 22 giờ (để hạn chế lượng tiêu thụ) đã không nhận được số phiếu đồng tình quá bán.
Mặc dù vậy, tôi rất cảm ơn các vị đại biểu đã biểu quyết đồng ý với quy định "không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18h đến 21h hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em". Quy định này rất tốt để hạn chế trẻ em, thanh thiếu niên tiếp cận sớm với rượu, bia.
Ngoài các phương án nói trên, đại biểu còn có thể ghi phương án khác trong phiếu xin ý kiến. Chúng tôi đang chờ đoàn thư ký tổng hợp ý kiến cụ thể của đại biểu nếu có. Hi vọng, đại biểu sẽ có những góp ý cụ thể khác để đưa ra phương án tốt và lộ trình thực hiện khả thi.
Tôi đọc báo thấy nhiều người mong muốn Quốc hội lựa chọn chế tài mạnh trong bối cảnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do tài xế uống rượu, bia gây ra. Tuy nhiên, tôi nghĩ đại biểu khi quyết định một nội dung nào đó sẽ có lý do của mình. Ví dụ, có đại biểu đề nghị giải pháp tăng chế tài xử phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn, tước vĩnh viễn hoặc có thời hạn 5 năm bằng lái xe; có đại biểu đề nghị thay vì nghiêm cấm người điều khiển xe máy mà trong máu có nồng độ cồn từ 50 mmg/100ml máu giảm xuống còn 30 mg/100ml...
Vì vậy, sau khi đoàn thư ký tổng hợp phiếu ý kiến của đại biểu, chúng tôi cùng các uỷ ban của Quốc hội sẽ tiếp thu rồi tiếp tục báo cáo Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.
- Tại phiên thảo luận vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị đưa trở lại dự thảo Luật quy định cấm bán rượu bia trên internet, vì sao nội dung này không được đưa ra xin ý kiến?
- Khi Uỷ ban về các vấn đề xã hội, Bộ Y tế và một số bộ ngành trong Ban soạn thảo họp để lựa chọn các vấn đề xin ý kiến, thì đã có 5 vấn đề được đề xuất lựa chọn, trong đó có nội dung cấm bán rượu bia trên internet. Tôi nghĩ có thể số lượng nội dung xin ý kiến đã được cân nhắc liều lượng cho phù hợp và nội dung cấm bán rượu, bia trên internet có thể cần được tiếp tục nghiên cứu thêm và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
- Nhiều quy định có trong dự thảo Luật đầu tiên trình Quốc hội cuối năm 2018 đã không còn trong dự thảo Luật mới nhất. Trong quá trình đó, Bộ Y tế đã bảo vệ các quy định do mình đề xuất như thế nào?
- Trong các dự thảo đưa ra lấy ý kiến, nếu có nội dung nào sau khi tiếp thu khác quan điểm của Chính phủ thì Bộ Y tế, các Bộ ngành liên quan đều báo cáo Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo. Những lần đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, Ban soạn thảo, Chính phủ cơ bản thống nhất mong muốn được giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình đối với đa số nội dung, vì đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, có đánh giá tác động, có số liệu bằng chứng khoa học và thực tiễn.
Tuy nhiên, dự thảo Luật không phải của riêng của một bộ ngành hay của Chính phủ mà còn có sự đóng góp của các cơ quan khác và sự chỉ đạo, tiếp thu giữa các kỳ họp của Thường vụ Quốc hội. Doanh nghiệp cũng gửi ý kiến góp ý, với hầu hết quy định của dự thảo Luật, doanh nghiệp đều kiến nghị phương án nhẹ hơn hoặc không muốn quy định theo hướng đó, nên quá trình tiếp thu rất khó khăn để chọn được phương án.
Ban soạn thảo luôn mong muốn giữ quan điểm đã trình, cố gắng bảo vệ đối với các phương án đã đề xuất, cũng có một số góp ý hợp lý, xác đáng thì Ban soạn thảo đã tiếp thu. Tuy nhiên, đến giai đoạn này thì không phải là giai đoạn Chính phủ có thể quyết định việc tiếp thu. Theo quy trình xây dựng luật, sau khi Chính phủ trình sang Quốc hội thì việc chủ trì tiếp thu là của các cơ quan của Quốc hội chứ không phải Bộ Y tế chủ trì giúp Chính phủ tiếp thu nữa.
Công việc chỉnh lý dự án Luật đã chuyển sang các cơ quan của Quốc hội nên nếu nội dung nào Ban soạn thảo, Chính phủ muốn giữ thì phải gửi báo cáo, công văn xin giữ quan điểm của mình.
- Đến nay, Chính phủ đã gửi bao nhiêu văn bản xin giữ các quy định như lúc trình ban đầu?
- Chính phủ có hai lần gửi báo cáo sang Thường vụ Quốc hội và Bộ Y tế đã có thêm một lần gửi văn bản đến Ủy ban các vấn đề xã hội để xin giữ một số nội dung của dự luật. Lần thứ nhất, Chính phủ xin giữ tên Luật và trích tỷ lệ phần trăm từ thuế tiêu thụ đặc biệt chi cho phòng, chống tác hại của rượu bia (dự thảo Luật mới nhất không có quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt). Lần thứ hai là xin giữ tên luật và giữ quy định về quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ đối với cả rượu và bia.
Thời gian tới, dự kiến sẽ có thêm báo cáo của Chính phủ gửi Thường vụ Quốc hội về một số nội dung tiếp thu, giải trình. Tất nhiên trước đó, Bộ Y tế phải báo cáo Chính phủ để nêu ý kiến về một số nội dung tiếp thu. Những điều này đều theo quy trình làm luật đã được quy định cụ thể.
- Ở trên bà nói với hầu hết quy định của dự thảo Luật, doanh nghiệp đều kiến nghị phương án nhẹ hơn. Bà suy nghĩ thế nào về việc này?
- Về chuyên môn, đây là một dự án Luật có sự xung đột giữa lợi ích, nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh với lợi ích về sức khỏe, xã hội. Doanh nghiệp đương nhiên bao giờ cũng mong muốn dự luật ít tác động nhất đến sự tăng trưởng, nguồn thu của họ nên mong muốn có những quy định nhẹ hơn. Điều này có thể hiểu được.
Nhưng tôi vẫn luôn có niềm tin rằng lợi ích mà ban soạn thảo đang theo đuổi là lợi ích chung, là những cố gắng để giảm được tác hại của rượu, bia đối với người dân, giảm được các vấn đề xã hội. Và rõ ràng lợi ích này được đại biểu Quốc hội, người dân đồng tình, ủng hộ.
- Trước nhiều ý kiến khác nhau, có đại biểu đề xuất nên lùi thời gian thông qua dự án Luật này để chuẩn bị tốt hơn. Bà thấy sao?
- Ở góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo, chúng tôi cho rằng thời điểm này đã chín muồi và luật cần ban hành ngay. Nếu để muộn thêm thì hậu quả sẽ càng trầm trọng hơn, khó khắc phục hơn, bởi vì hiện nay tỷ lệ tiêu thụ rượu, bia đang gia tăng quá nhanh. Từ 2010 đến nay, mức tiêu thụ rượu bia trên đầu người từ 15 tuổi của Việt Nam tăng tới 90,3%, trong khi các nước khác tăng ít. Mỹ, Pháp là đất nước xuất khẩu rượu nổi tiếng nhưng kiểm soát chặt nên chỉ tăng 5,4%, Pháp tăng 0,2%.
Dự án Luật này đã được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, tham vấn ý kiến nhiều lần, học tập kinh nghiệm từ 166 quốc gia. Hơn nữa, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau hiện nay đều là các vấn đề về mặt quan điểm hoặc xung đột lợi ích, nên dù có lùi lại một thậm chí vài kỳ họp thì khi đưa ra thảo luận vẫn cứ phát sinh những vấn đề như thế.
Không chỉ ở Việt Nam, một số nước khi làm luật này cũng thường xuyên có những tranh luận như vậy. Tôi cho rằng bằng chứng về thực tiễn, khoa học và kinh nghiệm quốc tế đã có, chỉ còn là vấn đề quan điểm lựa chọn. Giữa lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp và lợi ích sức khoẻ người dân, theo tôi, phải lựa chọn ưu tiên sức khoẻ người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Một chính sách tốt sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc tăng trưởng sản lượng rượu, bia, nhưng chi phí giải quyết hậu quả xã hội mà rượu bia gây ra lại cũng tăng tỷ lệ thuận. Chúng ta xây thêm bao nhiêu bệnh viện, đào tạo bao nhiêu thầy thuốc cho đủ nếu không phòng các yếu tố nguy cơ như rượu bia, thuốc lá...? Văn hoá đạo đức xã hội đang xói mòn vì thói quen tiêu dùng rượu bia không được kiểm soát. Nếu chỉ hô hào "uống rượu bia phải có trách nhiệm" cũng chỉ dừng ở khẩu hiệu và sau đợt tuyên truyền lại đâu vào đấy, hậu quả về tội phạm, bạo lực, các vấn đề khác về mặt xã hội vẫn gia tăng.
Những thực trạng ấy buộc chúng ta phải có giải pháp kiểm soát. Trong thời gian ngắn ngủi còn lại, chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa để góp phần chỉnh lý dự Luật đạt hiệu quả cao nhất, để các đại biểu có thể ấn nút thông qua ngày 14/6 tới.
- Với dự thảo Luật hiện nay, tức góc độ cơ quan soạn thảo, mức độ hài lòng của bà như thế nào?
- Tên của Luật, các vấn đề liên quan đến địa điểm cấm sử dụng rượu bia, vấn đề kiểm soát quảng cáo... đã được Quốc hội đồng thuận theo phương án trình của Ban soạn thảo. Dù không được hết như mong muốn, nhưng với từng đó cũng là kết quả đáng khích lệ. Chỉ có một số nội dung chưa được mạnh, hơi đáng tiếc như vấn đề liên quan đến khuyến mại, tài trợ; quy định cấm bán rượu bia trên mạng internet; một số quy định về nguồn lực cho công tác phòng chống tác hại của rượu bia...
Mặc dù vậy, về tổng thể, đây là dự án luật vô cùng khó. Từ chỗ chưa có luật đến có luật với một số giải pháp khá tốt thì tôi cảm thấy tạm hài lòng. Trong cuộc sống không phải bao giờ cũng đạt được mọi điều như ý nguyện.
Lúc này Ban soạn thảo cùng các cơ quan của Quốc hội còn tiếp tục chỉnh lý, báo cáo Thường vụ, lãnh đạo Quốc hội thì tôi tin sẽ có những sự ủng hộ hơn nữa cho dự án Luật.
Sau khi luật được Quốc hội thông qua, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức thực thi, tuyên truyền, nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn để luật có hiệu quả nhất trong khả năng có thể. Tôi cũng nghĩ rằng các Bộ ngành liên quan, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, tích luỹ bằng chứng, tổng kết việc thi hành luật và thuyết phục thêm để sau 5-10 năm thực hiện thì lại báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi luật để có được những quy định tốt hơn nữa.