Một năm sau khi Quy hoạch điện VIII ban hành, kế hoạch thực hiện quy hoạch này - cơ sở để đầu tư, xây dựng các dự án nguồn, lưới điện - vẫn chưa có. Tại thông báo hôm 29/2, Thường trực Chính phủ đánh giá việc này là "quá chậm", ảnh hưởng tới triển khai các dự án, cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng.
"Hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII là yêu cầu cấp bách, không chậm trễ thêm", Chính phủ nêu quan điểm, và yêu cầu Bộ Công Thương trình trước ngày 2/3.
Thực tế, kế hoạch này từng được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền từ giữa năm ngoái, nhưng không đạt yêu cầu và phải hoàn thiện lại nhiều lần. Vướng mắc chính là danh mục dự án điện tái tạo được các địa phương đề xuất vượt quy hoạch. Chẳng hạn, điện tái tạo gấp 3,7 lần, điện sinh khối 4,4 lần, hay điện rác 1,7 lần.
Vì thế, lần này Chính phủ lưu ý, Bộ Công Thương làm rõ căn cứ pháp lý danh mục các dự án dự phòng, cơ chế điều hành phát triển điện linh hoạt. Kế hoạch cũng cần xác định tiến độ dự án đưa vào vận hành hàng năm và bổ sung chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo... để đảm bảo cung ứng điện.
"Chỉ đưa vào kế hoạch các dự án đủ căn cứ pháp lý, tránh tùy tiện, xin - cho", Thường trực Chính phủ yêu cầu.
Các địa phương, cơ quan tư vấn và Bộ Công Thương cần làm rõ trách nhiệm trong chậm trễ lập, thực hiện kế hoạch.
Quy hoạch điện VIII xác định phát triển tới 2030 công suất điện gió trên bờ khoảng 21.880 MW; điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm 2.600 MW. Điện sinh khối, rác là 2.270 MW và thủy điện 29.346 MW.
Theo dự thảo kế hoạch trình cuối năm ngoái, quy mô vốn ước tính để phát triển các loại nguồn điện được Bộ Công Thương tính toán gần 120 tỷ USD. Trong đó, gần 76% là vốn tư nhân (gần 91 tỷ USD), Nhà nước chỉ chiếm 24%. Vốn đầu tư công, khoảng 50 tỷ USD, ưu tiên hoàn thiện chính sách, tăng năng lực ngành điện. Vốn cho chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo gần 29.800 tỷ đồng, hiện cân đối được 30%.