Theo báo cáo ngày 22/5, Chính phủ cho biết, quặng bô xít chỉ có ở một số nước với tổng trữ lượng khoảng 29,3 tỷ tấn. Các nước có tài nguyên bô xít đều phát triển trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước. Việt Nam có nguồn bô xít dự báo khoảng 5,5 tỷ tấn (đứng thứ ba thế giới), tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn, trong đó ĐăkNông khoảng 3,4 tỷ tấn.
Đến nay, Thủ tướng đã thông qua chủ trương thực hiện hai dự án Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông). Dự án Tân Rai đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện. Đối với dự án Nhân Cơ chỉ triển khai thực hiện sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và kết quả tính toán, kiểm tra lại hiệu quả kinh tế cho thấy dự án có hiệu quả.
Dự án bô xít Tây Nguyên đang được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Theo Chính phủ, giá nhôm trên thị trường đang ở mức rất thấp (1.426 USD một tấn), giảm khoảng 70% so với giá nhôm thời kỳ 2006-2007. Giá alumin cũng tương ứng giảm theo làm ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, các dự án alumin Tây Nguyên đều có tuổi đời trên 50 năm, vì vậy, hiệu quả kinh tế được tính toán dựa trên cơ sở dự báo, phân tích và lựa chọn giá bán alumin bình quân cho cả giai đoạn tồn tại của dự án. Ngoài ra, cần lưu ý đến yếu tố mang tính quy luật của thị trường kim loại thế giới - giá cả tăng giảm có tính chu kỳ.
Dự án Tân Rai và Nhân Cơ khi chuyển sang phương thức vận tải đường sắt sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn, thời gian thu hồi vốn khoảng 13 năm, những năm đầu của dự án có một số năm lỗ (lỗ kế hoạch). So với một số dự án alumin đang xây dựng và mới đưa vào vận hành ở một số nước như Trung Quốc và Braxin thì dự án Việt Nam có nhiều lợi thế hơn về điều kiện khai thác, vận chuyển, chi phí vận hành thấp.
Ngoài ra, hiện nay một số nhà sản xuất alumin lớn trên thế giới như Chalco, Alcoa, BHPB, UC-Russal vẫn đang thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư sản xuất alumin tại Việt Nam. Vì vậy có cơ sở để tin cậy và an tâm về hiệu quả kinh tế.
Theo Chính phủ, phương án bố trí nhà máy alumin tại khu vực Tây Nguyên có thể hiệu quả kinh tế thấp hơn so với phương án bố trí tại khu vực ven biển (vận chuyển tinh quặng bằng đường ống), nhưng đảm bảo yếu tố tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương, tạo điều kiện cho việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và các loại hình dịch vụ...
Về các ý kiến lo ngại công nghệ Trung Quốc không còn phù hợp, đối tác Trung Quốc không có công nghệ nguồn, không chuyển giao công nghệ tiên tiến, Chính phủ cho biết, cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều lựa chọn công nghệ Bayer. Đây là loại công nghệ ít phức tạp nhưng có hiệu quả. Hiện nay, trên thế giới, công nghệ này vẫn là công nghệ chính để sản xuất alumin.
Trung Quốc có kinh nghiệm, có công nghệ sản xuất alumin và là một trong các nhà sản xuất alumin - nhôm hàng đầu thế giới hiện nay. Sản phẩm alumin và nhôm đang có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Như vậy, công nghệ Trung Quốc đã được kiểm chứng qua thực tế và có thể áp dụng cho các dự án ở Việt Nam.
Do nhà máy alumin đặt tại Tây Nguyên, cảng biển dự kiến xây dựng tại khu vực Kê Gà (Bình Thuận). Để vận chuyển sản phẩm alumin ra cảng biển chỉ có phương án bằng đường bộ, sử dụng đường ôtô trong giai đoạn đầu (dự kiến đến năm 2014-2015) và chuyển sang vận chuyển đường sắt (giai đoạn sau năm 2015). Các dự án alumin công suất lớn chỉ có thể đưa vào vận hành sau khi xây dựng xong tuyến đường sắt trên.
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu hao điện cho sản xuất alumin không lớn, bình quân khoảng 200-256 kWh/năm (tương đương nhà máy điện công suất 30 MW), Tại các nhà máy alumin sẽ đầu tư các nhà máy nhiệt điện tự dùng với quy mô khoảng 30 MW, chỉ sử dụng nguồn điện lưới trong giai đoạn thi công dự án và là nguồn dự phòng cho sản xuất.
Tuy nhiên, việc luyện nhôm lại yêu cầu một sản lượng điện rất lớn, khoảng từ 13.500 - 14.00 kWh/tấn nhôm. Chính phủ nhất trí với ý kiến góp ý là trong bối cảnh còn thiếu điện như hiện nay thì việc xây dựng Nhà máy điện phân nhôm ở Việt Nam giai đoạn 2007- 2015 phải được cân nhắc thận trọng.
Về tác động môi trường của các dự án - vấn đề có nhiều ý kiến góp ý bày tỏ sự lo ngại và quan tâm lớn. Chính phủ cho biết, kết quả phân tích bùn đỏ của bô xít Tây Nguyên đã có kết luận tin cậy về thành phần bùn đỏ không có chất gây độc hại cho môi trường, không có chất phóng xạ và không thuộc loại rác thải nguy hiểm. Phương pháp thải ướt bùn đỏ dự kiến áp dụng cho dự án alumin Tân Rai và Nhân Cơ đã được áp dụng thành công ở một số nước.
Theo quan điểm của Chính phủ, khai thác và chế biến bô xít Tây Nguyên không thể tránh khỏi gây ra những tác động môi trường nhất định. Tuy nhiên kinh nghiệm của thế giới cho thấy, những tác động môi trường này hoàn toàn có thể kiểm soát và không chế tới mức an toàn cần thiết. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thẩm định thiết kế kỹ thuật của hồ bùn đỏ của dự án Tân Rai và Nhân Cơ, đảm bảo an toàn lâu dài đối với môi trường.
Theo báo cáo của Tập đoàn Than Khoáng sản, giai đoạn xây dựng dự án, phần xây dựng mỏ và khai thác quặng bô xít, nhà máy tuyển quặng bô xít sẽ do lao động Việt Nam thực hiện. Phần xây dựng nhà máy luyện alumin (gói thầu EPC): chủ yếu do lao động của nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) thực hiện. Số lượng lao động Trung Quốc tại công trường nhà máy alumin hiện nay (tháng 5) khoảng 600 người, lao động Việt Nam khoảng 350 người.
Trong giai đoạn dự án đi vào vận hành, toàn bộ lao động là người Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, thời gian đầu vận hành của nhà máy alumin có thể thuê thêm chuyên gia nước ngoài hướng dẫn (người Trung Quốc hoặc nước khác).
Trước những băn khoăn về vấn đề an ninh - quốc phòng. Chính phủ khẳng định, đối với dự án Nhà máy alumin Tân Rai, Công ty Chalieco (Trung Quốc) chỉ là đơn vị trúng thầu với thời hạn thi công 24 tháng. Sau khi hoàn thành xây dựng (kèm theo việc đào tạo, chuyển giao công nghệ), nhà thầu Chalieco sẽ bàn giao cho phía Việt Nam tiếp nhận để quản lý, vận hành và rút toàn bộ lao động, trang thiết bị thi công về nước. Dự kiến nhà máy alumin Tân Rai sẽ đưa vào sản xuất cuối năm 2010 hoặc đầu 2011.
Đối với dự án bôxít Tân Rai và Nhân Cơ (cũng như các dự án khai khoáng khác ở Tây Nguyên), chủ đầu tư đều xin ý kiến thỏa thuận của các bộ và địa phương (trong đó có cơ quan quốc phòng) về việc dự án không thuộc phạm vi diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa và không ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ quốc phòng...
Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư thời gian tới phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc quản lý, giám sát hoạt động của nhà thầu cũng như việc quản lý lao động nước ngoài, phù hợp với các quy định của hợp đồng EPC và luật pháp Việt Nam.
Giai đoạn 2008 - 2010: dự kiến triển khai 3 dự án alumin, gồm Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đăk Nông 1) và Kon Hà Nừng (Gia Lai); 1 dự án hydroxit nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Các dự án này đều do Việt Nam tự đầu tư. Giai đoạn 2011-2015: Quy hoạch dự kiến triển khai đầu tư tiếp 3 dự án là Đăk Nông 2, Đăk Nông 3 và Đăk Nông 4. Cả 3 dự án này đều đã có đối tác nước ngoài mong muốn hợp tác đầu tư, bao gồm Chalco (Trung Quốc), Alcoa (Mỹ) và BHPM (Anh) với tổng công suất dự kiến 4,5-6 triệu tấn alumin/năm. Giai đoạn 2016-2025: dự kiến duy trì và mở rộng 6 dự án alumin của giai đoạn 2008-2015; tùy theo khả năng thị trường, dự kiến mở rộng nâng công suất các dự án này lên gấp đôi. Đầu tư thêm một dự án alumin Bình Phước với công suất 1-1,5 triệu tấn/năm. Dự kiến tổng công suất của giai đoạn này đạt khoảng 13-18 triệu tấn alumin/năm. |
Việt Anh