- Ông quan tâm những vấn đề gì trong dự án bô xít Tây Nguyên - đang gây sự chú ý của nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri?
- Về lợi ích kinh tế của dự án, nếu cho khai thác, sử dụng thì có khả năng sẽ mang về nguồn lợi lớn. Tuy nhiên có mấy vấn đề đặt ra. Thứ nhất là vấn đề môi trường, nhiều tài liệu cho thấy xử lý môi trường không đơn giản, nhất là bùn đỏ. Vừa rồi chúng tôi có đi thăm Cộng hòa Séc, nước có trữ lượng bôxit lớn, một đại biểu Quốc hội nước bạn cho biết là công nghệ mới có thể xử lý được bùn đỏ. Tới đây, Séc có thể tiếp tục khai thác sau một thời gian tạm ngừng. Như vậy, về mặt công nghệ thì có thể xử lý được, vấn đề là chọn công nghệ nào.
Ông Lê Quang Bình: "Chính phủ cần sớm có báo cáo về bô xít gửi các đại biểu". Ảnh: Việt Anh. |
Vấn đề thứ hai là vị trí chiến lược của Tây Nguyên liên quan đến quốc phòng an ninh. Nhiều ý kiến cho rằng, dự án này Việt Nam nên tự tiến hành là tốt nhất, không nên cho nước ngoài tham gia. Tuy nhiên, hiện các cơ quan quốc phòng an ninh có khẳng định là chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để kiểm soát, không lo vấn đề này.
- Dưới góc nhìn của người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội, ông đánh giá dự án bô xít Tây Nguyên thế nào?
- Tây Nguyên có vị trí chiến lược rất quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả với một vùng rộng lớn. Người Pháp từng nói, ai chiếm giữ được Tây Nguyên, người đó có thể làm chủ và khống chế được Đông Dương. Năm 1975, ta giải phóng Tây Nguyên xong thì giải phóng được toàn bộ miền Trung, miền Nam.
Do đó, làm cái gì ở Tây Nguyên cũng phải tính toán. Nhưng nếu chỉ vì lo ngại quốc phòng an ninh mà không cho các dự án có yếu tố nước ngoài vào thì cũng không được.
Hiện nay, các đại biểu chưa nhận được báo cáo của Chính phủ về dự án bô xít nên tôi cũng chưa biết báo cáo bao gồm những phần gì. Nhưng theo tôi cần phải có đánh giá, thậm chí đánh giá sâu về an ninh quốc phòng. Đây là một vấn đề rất quan trọng ngoài hiệu quả kinh tế và môi trường.
- Vậy theo ông, trong báo cáo về khía cạnh an ninh quốc phòng của dự án, Chính phủ cần phải làm rõ những vấn đề gì?
- Khi nghe dự án này, Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội đã cử một đoàn kiểm tra vào Tây Nguyên. Tôi được biết các đại biểu thuộc Ủy ban này đã chuẩn bị các ý kiến phản biện.
Với Ủy ban Quốc phòng An ninh, tôi cũng dự định, nếu có dự án cụ thể thì chúng tôi có thể tham gia và chính thức phát biểu về vấn đề quốc phòng của dự án đối với Tây Nguyên. Tôi được biết trong nghị quyết của Bộ Chính trị có yêu cầu phải xử lý tốt vấn đề lao động nước ngoài. Chỉ trừ lao động kỹ thuật mà người Việt Nam chưa đảm nhận được thì mới sử dụng người nước ngoài.
Khi thảo luận về kinh tế - xã hội, tôi nghĩ đại biểu hoàn toàn có quyền đưa vấn đề liên quan đến dự án bô xít và yêu cầu Chính phủ giải trình rõ. Thậm chí, đại biểu hoàn toàn có thể đặt câu hỏi chất vấn với Bộ chủ quản dự án và Chính phủ. Theo tôi, với dự án bô xít Tây Nguyên thì những tác động về môi trường, quốc phòng an ninh là những câu hỏi cần được đặt ra và giải đáp thoải đáng.
- Có ý kiến cho rằng, trong một số dự án việc thiếu thông tin chính thống từ các bộ, ngành dễ dẫn đến việc phóng đại, thậm chí hiểu sai lệch vấn đề. Quan điểm của ông thế nào?
- Lúc này, tôi rất muốn xem tờ trình dự án bô xít, quy mô ra sao, các đánh giá về môi trường, quốc phòng như thế nào. Thông tin chính thống phải là do Chính phủ hoặc một cơ quan trực thuộc công bố. Nhưng tới bây giờ, tôi vẫn chưa có, trong khi thông tin thiếu kiểm chứng về dự án lại rất nhiều. Cá nhân tôi rất sốt ruột. Chính phủ cần sớm có văn bản báo cáo đầy đủ và rõ ràng về vấn đề này.
Việt Anh - Nguyễn Hưng