Gói tín dụng này nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, chẳng hạn những em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, có bố hoặc mẹ mất do dịch bệnh và chưa có máy tính để học tập.
Dự kiến, tổng nguồn vốn bố trí để cho vay là khoảng 3.500 tỷ đồng, nằm trong gói tín dụng 7.500 tỷ đồng từ nguồn vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị quyết số 68 năm 2021 của Chính phủ để cho vay trả lương người lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về việc bổ sung chính sách với gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên này trong quá trình sửa đổi Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 30/9, Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng về gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến. Mức cho vay được đề xuất tối đa là 7 triệu đồng trên một học sinh, sinh viên. Thời hạn cho vay dưới một năm, lãi suất cho vay là 0% một năm, lãi suất nợ quá hạn là 6,6%, bằng với mức cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay.
Bộ Tài chính dự kiến thời gian giải ngân là từ ngày quyết định của Thủ tướng có hiệu lực đến hết 31/3/2022.
Hôm 20/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu xây dựng gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên gia đình khó khăn mua máy tính phục vụ học trực tuyến. Thủ tướng cũng nhiều lần nhắc đến việc đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận giáo dục của học sinh. Ông trực tiếp chỉ đạo phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ thiết bị học tập, giảm cước truy cập Internet, giúp mọi học sinh ở vùng có dịch được học trực tuyến, qua truyền hình.
Hai năm học qua, khoảng 22 triệu học sinh cả nước đã trải qua nhiều lần gián đoạn học tập, phải chuyển sang học online do ảnh hưởng của Covid-19. Năm học 2021-2022, dịch bùng phát mạnh mẽ hơn với gần 804.000 ca nhiễm tính từ cuối tháng 4. Đến cuối tháng 9, 38 tỉnh, thành vẫn đang dạy trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp, chưa thể cho học sinh trở lại trường.