Trong công điện ngày 20/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu gói tín dụng trên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao rà soát chương trình giáo dục các cấp, xác định nội dung cốt lõi để hướng dẫn địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh, xây dựng bài giảng chất lượng để dạy học trực tuyến, qua truyền hình khi học sinh không thể đến trường do giãn cách xã hội.
"Cần chú trọng hơn nữa trong bảo đảm công bằng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi có dịch và không có dịch, trong đó đặc biệt lưu ý học sinh nghèo vùng dịch", Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành rà soát danh sách học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để xây dựng phương án hỗ trợ, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia. Các nhà trường xây dựng bài giảng để phát sóng trên các kênh truyền hình địa phương, nhất là đối với lớp 1-2.
Các địa phương cần tăng cường giám sát y tế trong trường học, không để dịch bệnh lây lan. "Địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày cần chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học; có phương án đặc cách kết thúc năm học, thi cuối cấp, tuyển sinh nếu cần thiết", công điện nêu rõ.
Trước đó, Thủ tướng nhiều lần nhắc đến việc đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận giáo dục của học sinh. Ông trực tiếp chỉ đạo phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ thiết bị học tập, giảm cước truy cập Internet, giúp mọi học sinh ở vùng có dịch được học trực tuyến, qua truyền hình.
Hiện cả nước có 25 tỉnh, thành cho toàn bộ học sinh đến trường học trực tiếp. Số còn lại vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến và qua truyền hình, hoặc dạy trực tuyến và qua truyền hình do tình hình Covid-19 vẫn căng thẳng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản chương trình từ lớp 1 đến 12 cho phù hợp với bối cảnh dịch bệnh; hướng dẫn dạy học online cho học sinh tiểu học, đặc biệt là các bé lớp 1, 2; kết hợp với VTV7 sản xuất, phát sóng các bài giảng. Tuy nhiên, việc học qua truyền hình thiếu tương tác, học trực tuyến lại thiếu máy tính. Thống kê sơ bộ, hơn 1,5 triệu học sinh đang thiếu thiết bị học.