Thừa ủy quyền Chính phủ trình bày tờ trình trước Quốc hội sáng 16/1, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết 5 lĩnh vực, ngành được đề nghị bổ sung vốn công, gồm quốc phòng an ninh, quản lý Nhà nước, khoa học công nghệ và giao thông. Tổng vốn đề nghị phân bổ cho các dự án đầu tư công là hơn 63.720 tỷ đồng.
Khoảng 91% số này dự kiến phân bổ cho 32 dự án giao thông, tương đương 57.730 tỷ. Việc này nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại và phấn đấu có trên 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Trong số này, theo Bộ trưởng Phớc, 66% dự án, nhiệm vụ đã có thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao và bổ sung kế hoạch vốn, gần 33.160 tỷ đồng. Còn lại, khoảng 30.570 tỷ đồng dự kiến rót cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư.
Trình lần này, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương hơn 2.520 tỷ đồng cho EVN để kéo điện lưới ra Côn Đảo. Hiện điện kéo ra huyện đảo này bằng dầu diesel, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thực tế tại đây và giá cao (điện sản xuất từ dầu khoảng 5.000-6.000 đồng một kWh).
Việc cấp điện từ lưới quốc gia bằng tuyến cáp ngầm 110 kV vượt biển là phương án tối ưu, đảm bảo yêu cầu cấp điện ổn định, an toàn cho lưới điện trên đảo, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 4.950 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách trung ương khoảng 2.526 tỷ, còn lại vốn tự có của EVN, gần 2.424 tỷ đồng.
Thẩm tra các đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho hay đa số ý kiến tại cơ quan này thống nhất trình Quốc hội cho phép dùng hơn 63.720 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương 2021-2025 cho các dự án đầu tư công.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhận thấy, việc xác định vốn, khả năng cân đối của một số trong 33 dự án, nhiệm vụ sẽ được bố trí vốn là "thiếu chắc chắn". Do đó, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm về số liệu trình Quốc hội và giải trình rõ hơn về nguồn vốn, khả năng cân đối tiền cho các dự án này.
Với danh mục dự án chưa đủ thủ tục đầu tư với số vốn dự kiến rót gần 30.570 tỷ đồng, Ủy ban này đề nghị Chính phủ hoàn thiện thủ tục đầu tư. Trường hợp giữa hai kỳ họp Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo tại kỳ họp gần nhất.
Riêng dự án có tổng vốn thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư của dự án theo Luật Đầu tư công.
Với vốn rót cho EVN kéo điện ra Côn Đảo, Ủy ban Tài chính ngân sách đồng ý và đề nghị Thủ tướng điều chỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giao tập đoàn này là cơ quan quyết định đầu tư dự án.
Góp ý tại phiên thảo luận chiều 16/1, bà Tô Ái Vang, Phó trưởng đoàn tỉnh Sóc Trăng lưu ý, quá trình triển khai dự án cần lưu ý tới luồng hàng hải, quy hoạch cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng), dự án cần đánh giá tác động môi trường và có chính sách phát triển Côn Đảo theo hướng kinh tế xanh.
Dự án kéo điện ra Côn Đảo có tổng vốn đầu tư khoảng 4.950 tỷ đồng, trong đó 51% vốn từ ngân sách, còn lại vốn tự có của EVN. Nêu quan điểm ở thảo luận tổ cuối buổi sáng hôm nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế băn khoăn hiệu quả đầu tư dự án này.
"Dự án này làm vì hiệu quả hay an sinh xã hội? Đã có tính toán nào về nguồn thu của dự án ra sao sau khi EVN đầu tư, bao giờ hòa vốn và có lãi trong tương lai hay không?", ông đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, Chính phủ chưa giải thích rõ vì sao lại chọn phương án kéo điện lưới ra Côn Đảo, thay vì phát triển điện gió ngoài khơi, hay điện sinh khối-các loại năng lượng tái tạo đang được khuyến khích phát triển. "Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn ưu nhược điểm từng phương án, giải thích vì sao chọn kéo điện lưới và bổ sung trách nhiệm giám sát của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc này nhằm đảm bảo từng đồng ngân sách được sử dụng hiệu quả", ông Hùng nêu quan điểm.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết phân bổ vốn cho các dự án này vào ngày 18/1.