Chiều 11/12, Ủy ban Thường vụ thảo luận dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết hiện thu hút đầu tư của Việt Nam dựa trên chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo lĩnh vực, địa bàn khuyến khích rót vốn. Mức ưu đãi cụ thể áp dụng theo quy định về thuế, kế toán và đất đai.
Bà Ngọc cho rằng chính sách như vậy có tính cạnh tranh trong khu vực. Nhưng chính sách còn dàn trải, chưa bắt kịp với thông lệ quốc tế, đặc biệt không còn tác dụng trong thu hút dự án lớn, tập đoàn đa quốc gia khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Tức là, Việt Nam cần chính sách hỗ trợ đầu tư mới hướng đến các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa trong lĩnh vực công nghệ cao thông qua Quỹ hỗ trợ đầu tư, để tạo đột phá, đảm bảo vị thế cạnh tranh, cũng như giữ chân và thu hút các tập đoàn lớn khi áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu.
Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu 2024. Mức thuế suất là 15% cho các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài phải nộp thuế này ở Việt Nam, theo rà soát của cơ quan thuế.
Theo đề xuất của Chính phủ, Quỹ Hỗ trợ đầu tư do Chính phủ lập, giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư quản lý và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Quỹ này sử dụng ngân sách và các nguồn ngoài ngân sách (tài trợ, viện trợ, dư quỹ hàng năm...). Với nguồn từ ngân sách, quỹ lấy từ số thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, khoảng 14.600 tỷ đồng tính tới cuối 2022, để chi hỗ trợ trực tiếp cho một số đối tượng ưu tiên.
Hàng năm ngân sách sẽ bố trí phân bổ khoản chi cho quỹ từ nguồn thu thực tế thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung này. Chẳng hạn, dự toán chi ngân sách của quỹ này từ năm 2027 sẽ được xây dựng trên số thực tế thu năm 2025.
Trường hợp quỹ không đủ tài chính, các bộ sẽ báo cáo Thủ tướng, Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền bổ sung dự toán năm hoặc quyết định bổ sung ngân sách theo quy định.
Quỹ Hỗ trợ đầu tư được tổ chức theo mô hình mới, tương tự một đơn vị sự nghiệp công lập nhưng có khác biệt. Cụ thể, quỹ này sẽ không cung cấp dịch vụ công, không có bộ máy riêng để quản lý và thực hiện các nhiệm vụ đặc thù trong chi hỗ trợ đầu tư. Hội đồng quản lý quỹ do Thủ tướng quyết định thành lập, nhiệm kỳ 5 năm và được xem xét bổ nhiệm lại. Cơ cấu, tổ chức của Hội đồng quản lý Quỹ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng.
Liên quan tới chính sách hỗ trợ, theo Thứ trưởng Bích Ngọc, Quỹ Hỗ trợ đầu tư sẽ dành nguồn lực cho doanh nghiệp công nghệ cao (bán dẫn, AI...), đơn vị có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hoặc ứng dụng công nghệ cao; dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Để được hỗ trợ, doanh nghiệp cần có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, với vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc doanh thu ít nhất 20.000 tỷ đồng một năm.
Doanh nghiệp có dự án trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu AI cần có vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc doanh thu 10.000 tỷ đồng một năm.
Tiêu chí về vốn, doanh thu tối thiểu mỗi năm sẽ không áp dụng với doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ, sản phẩm đột phá được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và đơn vị có dự án thiết kế vi mạch.
Khoản hỗ trợ từ quỹ này sẽ được chi trực tiếp bằng tiền và qua các hạng mục hỗ trợ:
Hạng mục chi phí hỗ trợ | Tỷ lệ hỗ trợ |
Đào tạo, phát triển nhân lực | 50% mức chi thực tế dự án |
Đầu tư tạo tài sản cố định | tối đa 10%; không quá 0,5% tổng vốn đầu tư mỗi năm |
Sản xuất sản phẩm công nghệ cao | tối đa 3% giá trị sản xuất gia tăng sản phẩm |
Đầu tư công trình hạ tầng xã hội | tối đa 25% các loại chi phí đầu tư |
Riêng với nhà đầu tư mới có dự án trung tâm R&D trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI có thể được hỗ trợ chi phí ban đầu cao nhất 50%.
Thẩm tra nội dung này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ cân nhắc việc hỗ trợ này dành cho cả doanh nghiệp trong nước, thay vì chỉ riêng công ty nước ngoài.
Dự thảo nghị định đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ với các tỷ lệ khác nhau và một số khoản hỗ trợ theo mức tối đa. Theo Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, các hạng mục hỗ trợ chi phí là rất rộng, song chưa rõ nguyên tắc, tiêu chí nào phân chia như vậy. Do đó, để hạn chế rủi ro cơ quan này đề nghị Chính phủ nên có một mức trần hỗ trợ tối đa với từng loại doanh nghiệp và cân đối với tổng nguồn lực của quỹ.
Việc này nhằm tránh rơi vào tình trạng tổng số tiền hỗ trợ quá cao, vượt khả năng đáp ứng của Quỹ và không tương xứng với đóng góp thực tế của từng doanh nghiệp. Với các nhà đầu tư mới được hỗ trợ chi phí ban đầu, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị làm rõ nội hàm của chi phí ban đầu là gì, tính trong thời gian bao lâu.
"Một số khoản hỗ trợ được quy định trong dự thảo theo mức tối đa sẽ dễ tạo ra cơ chế thực hiện không chuẩn mực", ông Mạnh nói, thêm rằng Chính phủ cũng cần bổ sung quy định về trách nhiệm, cách xử lý khi tổ chức, cá nhân xét duyệt hỗ trợ sai, vi phạm trong quản lý, sử dụng Quỹ.
Anh Minh