Chính phủ vừa ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, giai đoạn 2021 - 2025, quy định hộ nghèo khu vực thành thị có thu nhập 2 triệu đồng mỗi tháng trở xuống và thiếu hụt 3 chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
So với giai đoạn 2016 - 2020, mức thu nhập dùng để tính chuẩn nghèo được nâng thêm 800.000 đồng với khu vực nông thôn; 1,1 triệu đồng với khu vực thành thị.
Hộ cận nghèo khu vực nông thôn thu nhập 1,5 triệu đồng mỗi tháng; thiếu hụt dưới 3 chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản; khu vực thành thị thu nhập 2 triệu đồng trở xuống; thiếu hụt dưới 3 dịch vụ xã hội cơ bản.
Hộ có mức sống trung bình khu vực nông thôn từ 1,5 đến 2,25 triệu đồng mỗi tháng; khu vực thành thị từ 2 đến 3 triệu đồng mỗi tháng.
Các dịch vụ xã hội cơ bản dùng để đo lường chuẩn nghèo đa chiều gồm: việc làm; người phụ thuộc trong gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin. Nghị định có hiệu lực từ 15/3.
Giai đoạn 2016-2020, các tiêu chí để đo lường chuẩn nghèo đa chiều gồm thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Hộ cận nghèo khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người từ 1 triệu đồng trở xuống; khu vực thành thị từ 1,3 triệu đồng trở xuống.
10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.