Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thông tin trên tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, sáng 11/12. Năm 2020 cả nước dự kiến chỉ còn 2,75% hộ nghèo.
Tuy nhiên, ông Dung cũng thừa nhận kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo con cao, nhất là khu vực miền núi, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Ông dẫn chứng, tỉ lệ tái nghèo trong 4 năm qua là 4% so với tổng số hộ thoát nghèo.
Đồng thời, chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Thiên tai, dịch bệnh, quá trình đô thị hóa và di dân tự do làm nảy sinh nhiều thách thức với người nghèo, người dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong những trách nhiệm với nhân dân, thì giảm nghèo có ý nghĩa nhất và mang nặng tình người nhất.
Ông gửi lời cám ơn tới những người đang ngày đêm làm việc để người dân nghèo có thể chữa bệnh, cải thiện thu nhập, để em bé có thể tới trường, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
Giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam trải qua nhiều thiên tai, dịch bệnh. Dù đất nước còn khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Thủ tướng khẳng định, tỉ lệ 21% ngân sách dành cho phúc lợi xã hội là mức cao nhất trong khối ASEAN. Khi xảy ra dịch Covid-19, khoảng 13 triệu người được nhận trợ cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước. "Đây là cố gắng rất lớn", Thủ tướng nói.
Dẫn các số liệu về giảm nghèo trong giai đoạn gần đây, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp Quốc về giảm nghèo.
Hơn 30 năm qua, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo, là câu chuyện thành công truyền cảm hứng cho các nước.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, thời gian tới cần tiếp tục xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, an sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, vì một Việt Nam không có đói nghèo. Người nghèo sẽ được tiếp tục hỗ trợ vươn lên, trong đó ưu tiên trẻ em, người dân tộc thiểu số, người bảo trợ xã hội... Nguồn lực được huy động cho các chương trình giảm nghèo được ưu tiên từ ngân sách, xã hội hó, tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin ở các vùng nông thôn, miền núi để giúp người dân nâng cao tri thức, tiếp cận các dịch vụ mới.
"Giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ, mà phải bằng trái tim. Để thực hiện trách nhiệm với người nghèo, tôi đề nghị cả nước triển khai phong trào mới, trong đó mỗi xã, phường, thị trấn, thôn, bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu, với cách làm sáng tạo hơn nữa", Thủ tướng nói.
Các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 gồm thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng.
10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Hộ nghèo khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người từ 1 triệu đồng trở xuống; khu vực thành thị từ 1,3 triệu đồng trở xuống; tiêu chí khác là thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường trở lên.