Sáng 8/6, Chính phủ trình Quốc hội văn kiện về gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Anh và Bắc Ireland.
Thực tế, các nước CPTPP và Anh đã kết thúc đàm phán từ tháng 3/2023 và ký thỏa thuận đưa Anh trở thành thành viên của khối thương mại 12 nền kinh tế vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, để được công nhận chính thức, các nước thành viên CPTPP cần phê chuẩn các văn kiện liên quan.
Trình bày tờ trình, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho hay, việc Anh gia nhập CPTPP củng cố vai trò, thúc đẩy song phương giữa hai nước. Việc này cũng giúp mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam, bởi đây là một trong số thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới.
Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm khi đàm phán, Việt Nam đã đạt mục tiêu yêu cầu họ cam kết mở cửa thị trường ở mức cao theo tiêu chuẩn của CPTPP, thậm chí "cao hơn so với cam kết với các nước và FTA giữa hai nước".
Theo đó, Anh mở cửa thị trường với Việt Nam trong các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, nhập cảnh tạm thời của doanh nhân, dịch vụ tài chính, mua sắm Chính phủ và doanh nghiệp Nhà nước.
Ngoài ra, hai nước ký cam kết song phương về các lĩnh vực lao động - công đoàn, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ (nội dung bảo hộ dữ liệu thử nghiệm bí mật hoặc dữ liệu bí mật khác với nông hóa phẩm, các biện pháp liên quan tới lưu hành một số dược phẩm) và dịch vụ tài chính.
Anh cũng công nhận quy chế kinh tế thị trường với Việt Nam. Tức, nước này không áp dụng một số quy định phòng vệ thương mại, thuế nhập khẩu hàng Việt có thể thấp hơn.
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, việc này có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở để nước ta vận động các nước khác, trong đó có Mỹ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, sửa các văn bản liên quan để hướng dẫn thực thi cam kết của Việt Nam, gồm lĩnh vực mua sắm Chính phủ, dịch vụ - đầu tư và nhập cảnh tạm thời của doanh nhân.
CPTPP được ký năm 2018, có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Hiệp định gồm 11 nước thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam. Quy mô dân số khu vực này khoảng 500 triệu dân. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính nếu có sự tham gia của Anh, nhóm này sẽ đóng góp 15% GDP toàn cầu.
Anh đã nghiên cứu khả năng gia nhập CPTPP từ 2018, nhằm kích thích xuất khẩu hậu Brexit. Họ nộp đơn xin gia nhập CPTPP từ năm 2021. Chính phủ nước này ước tính hiệp định này sẽ giúp họ giảm thuế nhập khẩu ôtô, rượu và sản phẩm từ sữa. GDP Anh sẽ tăng thêm 1,8 tỷ bảng (2,2 tỷ USD) mỗi năm trong dài hạn.
CPTPP là thỏa thuận bổ sung bên cạnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Anh đang có với hầu hết các nước thành viên. Các doanh nghiệp Anh cũng sẽ có thêm lựa chọn về điều khoản thương mại. Sau Brexit, Anh đã đạt thỏa thuận thương mại mới với Australia, New Zealand và Nhật Bản.
Đến nay, Singapore, Nhật Bản và Chile đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn việc Anh gia nhập CPTPP. Các nước khác như New Zealand, Brunei, Malaysia, Peru dự kiến hoàn tất việc này trong ít tháng tới.
Dự kiến ngày 25/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Anh và Bắc Ireland.