"Cứ sắm cái thuyền to, bắc ván cho lợn với chó vào, xích ở cửa sổ. Ngan gà nhốt vào bu mà treo lên". Giữa lòng thủ đô, người phụ nữ 83 tuổi ngồi trước hiên nhà phe phẩy quạt nan xua muỗi, nói chuyện như cư dân vùng rốn lũ.
Bà Nguyễn Thị Dua sống cùng gia đình năm con trai trong căn nhà hai tầng quay lưng vào mương Kẻ Khế, nơi thoát nước thải sinh hoạt của hai phường Đội Cấn và Kim Mã, quận Ba Đình. Trong quá khứ, nó là một nhánh sông Tô Lịch, chảy từ làng Ngọc Hà, được người dân gọi là đầm Cây Khế.
Bà Dua nhớ lại những năm cùng phụ nữ trong làng, nửa đêm đi soi đèn dầu, thả thuyền ra sông hái rau, cắp thúng mang bán buôn khắp chợ Đồng Xuân, Hàng Bún, cứ đưa rau trả tiền, không cần mặc cả. Đến giờ, bà vẫn tự hào nhắc lại, rau muống Vạn Phúc xưa "ngon nhất cái Hà Nội này".
Con sông đủ rộng cho ba thuyền tránh nhau, người làng thả hàng mẫu rau muống dọc đôi bờ. Trẻ con ra sông tắm, người lớn úp nơm, đánh cá đánh lươn. "Vơ nắm rễ rau từ sông lên là được đầy một nồi ốc. Tháng ba mưa rào, cá to bằng bắp tay, nhảy tanh tách lên sân". Bà Dua bảo, cả làng mưu sinh nhờ cái đầm. Nhưng đó đã là chuyện của nửa thế kỷ trước.
Sau ngày giải phóng thủ đô, người Hà Nội cắm cọc, đổ đất lấn sông, có đoạn hẹp, trẻ con nhảy qua được. Không ai còn nhận ra đầm Cây Khế.
Diện tích nhánh sông hẹp lại, nhưng áp lực thoát nước của nó tăng lên theo mật độ dân cư. Cũng như phần lớn những nhánh sông nội đô, mương Kẻ Khế chính thức trở thành một cái cống lộ thiên, có nhiệm vụ tiêu thoát cả nước mưa lẫn nước thải sinh hoạt.
Từ cuối thập kỷ 90, các nhà quy hoạch Hà Nội đã nhận thức được hệ lụy môi trường từ hệ thống thoát nước thải chắp vá kiểu này. Nhưng câu hỏi "tiền đâu" không thể trả lời, và những con mương như Kẻ Khế cùng người dân sống quanh đành chấp nhận. "Lúc ấy lấy đâu ra tiền làm? Một ống cống chạy ngầm trong phố đâu phải là chuyện đơn giản" - nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên lý giải.
Mùa mưa về, không còn cá tràn vào gầm giường nhà bà Dua mà chỉ có rác. Những ngôi nhà dọc mương, dù có người ở nhà, cũng ít khi mở cửa. "Sống được dưới mương giờ chỉ có chuột với muỗi", bà nói. Thi thoảng từ một khung cửa sổ, có cánh tay lấy đà ném bõm túi nylon không rõ đựng gì xuống dòng nước sủi bọt đen sánh.
Vài năm trước, bà Dua làm cơm cúng giỗ chồng. Có người khách đã ngồi vào mâm cỗ, lại đứng dậy, chối khéo ra về vì không chịu nổi mùi. "Tôi không hiểu sao nhà ông ăn ngủ quanh năm ở đây được", người bạn của con trai bà Dua lắc đầu ái ngại. Từ đấy, con cháu bà không còn muốn mời bạn bè về chơi.
Một chiều tháng 6 năm 2017, Khánh Chi, đứa cháu 11 tuổi của bà Dua lên cơn sốt 39 độ, toàn thân phát ban đỏ rồi lịm đi. Cô bé bị sốt xuất huyết, điều trị 17 ngày ở Bệnh viện Xanh Pôn. Trung bình mỗi năm trên địa bàn phường Kim Mã, có khoảng 30-40 người mắc sốt xuất huyết, tập trung vào mùa mưa. Đến ngày 14/10 năm nay, đã là 38 trường hợp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND phường Kim Mã, cho rằng nước thải sinh hoạt chưa hẳn là nguồn gốc gây bệnh sốt xuất huyết, "nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sức khỏe người dân". Chính quyền phường phối hợp với Xí nghiệp thoát nước 1 (Hà Nội) dọn rác dưới mương định kỳ 2 lần mỗi năm. "Khối lượng rác mỗi lần lên tới hàng chục mét khối", ông Tuấn ước lượng.
Cũng như mương Kẻ Khế, nước thải sinh hoạt ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì đổ vào dòng nước đen của sông Tô Lịch. Cách bà Dua 10 km, bà Nguyễn Thị Xiêm (62 tuổi, xã Tân Triều) hàng ngày nhặt cỏ cho rau. Hai mẫu rau muống của nhà bà Xiêm nằm giữa những kho thu mua phế liệu và xưởng tái chế nhựa, sản xuất sợi, lông vũ của làng Triều Khúc.
Vợ chồng bà Xiêm ra ruộng cắt rau từ 2h đến 6h sáng, đổ buôn cho các chợ quanh khu Nam Từ Liêm, Thanh Trì rồi về làm cỏ, bón phân đến chiều muộn. "Giờ làm rau đỡ cực gấp 10 lần ngày xưa vì có mương rồi", bà Xiêm tháo cái khăn trên đầu, lau mồ hôi, chỉ vào con mương nằm giữa hai khoảng ruộng.
Đến cuối đồng, dòng nước thủy lợi này nhập làm một với đường ống cống xả nước thải sinh hoạt của cả làng. Cống chưa được cứng hóa, cách bờ ruộng một dải đất vừa chân một người đi. Cánh đồng trũng ngày mưa ngập nước đen, không phân biệt được nước thủy lợi, nước mưa, hay nước thải.
"Toàn nước tắm giặt của dân thôi, có gì mà bẩn", người phụ nữ trồng rau muống ở Triều Khúc bình thản hơn người phụ nữ trồng rau một thuở ven đầm Cây Khế. Thực tế, dòng nước thải cạnh ruộng rau của bà Xiêm không chỉ có nước "tắm rửa" của người Triều Khúc. Xã Tân Triều có khoảng 300 hộ làm nghề thu mua, tái chế phế liệu xả thải trực tiếp ra cống.
Cách ruộng rau của bà Xiêm 500 mét là Cụm công nghiệp làng nghề rộng 98.000 m2 với một nhà máy xử lý nước thải được đầu tư 1,3 tỷ đồng, bỏ hoang 14 năm từ ngày xây dựng. Toàn bộ nước thải của làng cụm công nghiệp này xả thẳng ra môi trường. Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì, một trong những lý do trạm xử lý nước thải chưa hoạt động, vì lượng xả thải ở cụm công nghiệp làng nghề "còn ít".
Từ ruộng rau này, nước thải của người Tân Triều hòa vào 150.000 m3 nước thải của người Hà Nội mỗi ngày xả xuống Tô Lịch để đi ra sông Nhuệ - sông thoát nước thải của bốn con sông nội thành Hà Nội: sông Lừ, sông Sét, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu.
Báo cáo hiện trạng ô nhiễm chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi sông Nhuệ của Viện quy hoạch thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2016 cho thấy, sông Nhuệ mỗi ngày đêm hứng 800.000 m3 nước xả thải và 550.000 m3 trong số này là nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 của Bộ Tài nguyên Môi trường cũng kết luận, sông Nhuệ có nhiều đoạn "chất lượng nước ở mức kém và rất kém".
Ngay bên bờ dòng sông ấy, vợ chồng ông Trần Văn Ky, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì sống bằng nghề nuôi tôm cá "từ lúc Hà Nội còn bằng cái bàn tay". Lão ngư 71 tuổi đứng gỡ lưới cùng vợ bên bờ sông, kể về những ngày bé đi lên tận làng Thị Cấm, ở Nam Từ Liêm xem người ta lấy nước sông Nhuệ về thi thổi cơm. Ở Tả Thanh Oai quê ông cũng có hội làng Nhân Hòa, thi bắt vịt trên đoạn sông này. "Nhưng giờ mà bơi, chắc nhiễm trùng da mà chết".
Màu nước sông Nhuệ giờ không khác nhiều sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét trong nội thành. Mùa mưa, vợ chồng già quen với cảnh những bao tải rác trôi trước cửa nhà, quanh năm không ai vớt, trôi thẳng ra sông Đáy để cuối cùng có thể theo dòng nước trôi ra biển.
Mười giờ sáng, lưới ông Ky đặt dưới sông đã thu đầy hai xô cá, nhưng là để nuôi cá trê trong một con đầm khác. Ruộng rau muống trên sông mọc xanh um, người Tả Thanh Oai cũng chỉ cắt về cho lợn. Ông từ chối mọi nguồn thực phẩm từ sông Nhuệ vì không muốn "rước bệnh vào người". Tuy vậy vợ chồng ông Ky vẫn thấy mình may mắn hơn những người sống ở nội thành như bà Dua, vì "ở đây vẫn sạch bằng mấy các khu cạnh sông Tô Lịch".
Từ nhà bà Dua trông sang bên kia mương là trường Tiểu học Vạn Phúc. Giữa những đống rác chất cao mấp mé tường bao trường học, còn cắm một tấm biển đã bong mất chữ: "Công trình cống hóa và xây dựng tuyến đường từ nút rẽ ra phố Núi Trúc đến phố Sơn Tây", được UBND thành phố phê duyệt vốn 180 tỷ đồng. Tấm biển đã cắm ở đó 11 năm, nhưng một km mương nước thải qua nhà bà Dua vẫn chưa hoàn thành.
Gia đình bà Dua chưa từng có ý định chuyển đi nơi khác, vì họ hàng tổ nghiệp đều ở cái "xóm nước đen" này. Bà không mong sống đến trăm tuổi. "Một ngày thôi cũng được. Nhưng sống thêm ngày nào thì phải được sống sạch sẽ ngày đấy".
Thanh Lam