Ngày 8/7, bà Nguyễn Thị Kim Anh, 45 tuổi, cựu phó trưởng Phòng phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng; Nguyễn Thị Kim Liên, 43 tuổi, cựu cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3; Đặng Hải Anh, 39 tuổi, cựu chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2 và Nguyễn Thị Thùy Linh, 26 tuổi, cựu thành viên Đoàn Thanh tra bị VKSND tỉnh Vĩnh Phúc truy tố về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản, theo điều 355 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng, tháng 3/2019, bà Kim Anh được giao là trưởng đoàn thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Khi đến làm việc tại địa phương, bà đã bất chấp pháp luật, thanh tra vượt thẩm quyền khi không gửi quyết định thông qua UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Sở Xây dựng để phối hợp cùng thực hiện. Bà yêu cầu 29 xã, thị trấn cung cấp hồ sơ dự án, công trình để kiểm tra tràn lan, trong đó có cả công trình đã được kiểm tra.
Đoàn do bà Kim Anh dẫn đầu đến hiện trường một số công trình thi công nhưng chỉ nhìn bằng mắt thường mà không kiểm tra thực tế; kết thúc buổi làm việc không lập biên bản. Quá trình làm việc về các dự án, Kim Anh nói với Hải Anh: "Đơn vị nào có quà biếu thì xem xét giảm nhẹ cho họ, người nào nhận trực tiếp được chia 1/3".
Theo quy định nếu phát hiện vi phạm, thành viên đoàn thanh tra chỉ được phép lập biên bản kiểm tra, xác minh ghi nhận. Tuy nhiên vì mục đích đe dọa, ép doanh nghiệp phải nộp tiền, Kim Anh tự ý đưa thêm nội dung "yêu cầu các đơn vị có vi phạm nộp lại toàn bộ tiền đã ký hợp đồng" vào biên bản. "Đây là nội dung áp đặt mang tính chủ quan", cáo trạng nêu.
Nhà chức trách xác định có lần Thuỳ Linh soạn thảo biên bản làm việc không đưa nội dung thu hồi tiền vi phạm nhưng Kim Anh lập tức sửa lại thành "thu hồi tiền". Linh biết rõ trưởng đoàn làm vậy để buộc các doanh nghiệp phải chi tiền song không phản đối.
Với khối lượng, giá trị thanh toán các công trình, Kim Anh cùng cấp dưới không kiểm tra thực tế hiện trường thi công mà chỉ dựa vào hồ sơ để lập biên bản. Đoàn thanh tra sau đó nêu ra các lỗi vi phạm về điều kiện năng lực thi công, vệ sinh lao động... để kiến nghị đình chỉ xây dựng với doanh nghiệp 3-12 tháng và xử phạt vi phạm hành chính.
Do không hiểu biết pháp luật và sợ bị xử lý nặng như thanh tra hù doạ nêu trong dự thảo biên bản làm việc, nhiều doanh nghiệp đã đến gặp để giải trình. Kim Anh và Hải Anh nói "muốn bỏ qua lỗi vi phạm thì phải đưa tiền cho đoàn thanh tra", nếu không "sẽ bắt đến tận trụ sở Thanh tra Bộ Xây dựng ở Hà Nội để giải trình".
Sau khi ép được doanh nghiệp nộp tiền, Kim Anh gặp từng thành viên đoàn thanh tra để thống nhất về việc thu tiền và tỉ lệ ăn chia. Bà giao cho Hải Anh tự quyết định số tiền thu của các nhà thầu, đơn vị thi công song phải nộp dựa theo tỷ lệ % giá trị hợp đồng. Quá trình thanh tra, Hải Anh thường yêu cầu các nhà thầu nộp từ 1 đến 5% giá trị thi công vi phạm.
Đối với Thùy Linh, bà Kim Anh không bàn bạc trước. Tuy nhiên khi các đơn vị do Thùy Linh kiểm tra có vi phạm thì Kim Anh trực tiếp đến làm việc yêu cầu nộp 5% giá trị hợp đồng với nhà thầu tư vấn. Mức 0,15% giá trị hợp đồng áp dụng với nhà thầu thi công.
Trong những lần đưa ra số tiền doanh nghiệp phải nộp, Kim Anh và Hải Anh đều viết ra giấy hoặc đánh số tiền trên máy tính cá nhân sau đó đưa cho họ xem rồi xóa đi. Hai bị can rất ít khi nói ra lời để tránh việc bị ghi âm.
Sau mỗi lần nhận tiền của các doanh nghiệp, Kim Anh chỉ đạo đồng phạm cùng tham gia bóc phong bì, kiểm đếm số tiền và ăn chia ngay tại phòng làm việc đặt tại UBND huyện Vĩnh Tường. Vỏ phong bì được xé nhỏ, phi tang vào bồn cầu.
Để quản lý việc nộp tiền, Kim Anh, Hải Anh, Thuỳ Linh lập các thư mục trên máy tính cá nhân. Khi doanh nghiệp nộp tiền xong, Hải Anh sẽ xoá gần hết các mã công việc, số tiền cắt giảm trên phụ lục sau đó chuyển cho Kim Anh đưa vào biên bản làm việc để hợp thức cho việc kiểm tra. Kim Anh sau đó yêu cầu thu lại biên bản dự thảo ban đầu và ghi vào đó nội dung "bảo quản theo tài liệu mật". Tuy nhiên khi vừa thu lại, Kim Anh liền xé bỏ vứt vào thùng rác, không lưu trong hồ sơ thanh tra.
Theo VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, tiền chiếm đoạt được, Kim Anh lấy 2/3 để hưởng lợi cá nhân và dùng làm chi phí cho đoàn thanh tra. Hải Anh, Thuỳ Linh hưởng 1/3.
Hành vi "lộng quyền" của nhóm cán bộ đoàn thanh tra xây dựng bị lộ tẩy từ lần vòi tiền ở UBND xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường. Khi kiểm tra hồ sơ bốn dự án do xã này quản lý, Kim Anh lập dự thảo biên bản làm việc, chỉ ra hàng loạt lỗi vi phạm về điều kiện năng lực của các nhà thầu và việc xử lý vi phạm.
Sau khi được xem dự thảo, nhiều nhà thầu đến gặp Kim Anh giải trình song không được chấp nhận. Khi ông Trần Hanh, kế toán xã Tân Tiến nộp báo cáo giải trình, Kim Anh không đọc mà đề nghị "phải nộp tiền theo tỉ lệ % hợp đồng để bỏ qua vi phạm". Nữ trưởng đoàn thanh tra sau đó tính số tiền mà các doanh nghiệp phải nộp đưa cho ông Hanh và nói: "Cứ thế mà làm".
Bức xúc vì cách làm việc của đoàn thanh tra, ông Hanh về làm đơn tố cáo gửi đến Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
Chiều 12/6, ông Hanh mang bốn phong bì đựng 68 triệu đồng của bốn đơn vị đến phòng làm việc của Kim Anh ở UBND huyện Vĩnh Tường theo lời đề nghị trước đó. Nhận tiền xong, Kim Anh nói: "Tân Tiến của các anh xong rồi, về đi". Ông Hanh vừa ra đến cửa thì bà Kim Anh bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc ập vào bắt quả tang. Lúc này, kế toán của UBND thị trấn Thổ Tang đang ngồi chờ đến lượt vào nộp tiền.
Cùng thời điểm, một tổ công tác khác bắt quả tang Hải Anh đang nhận 90 triệu đồng của một phó giám đốc doanh nghiệp tại Ban quản lý dự án huyện Vĩnh Tường. Khám xét khẩn cấp nơi làm việc của Kim Anh ở huyện Vĩnh Tường, cảnh sát thu thêm hơn 480 triệu đồng.
Theo cáo trạng, từ cuối tháng 5/2019 đến 12/6/2019, đoàn thanh tra đã thu của các doanh nghiệp 2,1 tỷ đồng. Trong số này, cơ quan điều tra đã chứng minh các bị can chiếm đoạt của 54 doanh nghiệp 1,3 tỷ đồng và hơn 800 triệu đồng thu lợi bất chính nhưng không xác định được người đưa tiền. Kim Anh chia cho Hải Anh hơn 180 triệu đồng, Thùy Linh hơn 116 triệu đồng.
Với bị can Nguyễn Thị Kim Liên (em gái Kim Anh), VKS xác định đã giúp sức tích cực với vai trò đồng phạm khi biết rõ chị gái chiếm đoạt tiền của các doanh nghiệp. Bị can này phải chịu trách nhiệm về 552 triệu đồng đã chiếm đoạt.
Đầu tháng 5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông cáo nêu Kim Anh, Kim Liên, Hải Anh đã "vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường".
Những người liên quan khác trong vụ án như Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, trưởng phòng giám sát sau thanh tra, thanh tra viên, lái xe cho đoàn thanh tra... cơ quan điều tra xác định không cấu thành tội phạm nên không đề nghị xử lý.
Ngày 11/5, sau gần một năm khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc thay đổi quyết định khởi tố bị can với Kim Anh, Hải Anh và Thùy Linh từ tội Nhận hối lộ sang tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Theo Bộ luật hình sự 2015, hành vi nhận hối lộ từ một tỷ đồng trở lên sẽ đối mặt mức án cao nhất tới tử hình nhưng với tội Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản tối đa là tù chung thân.
Giải thích về vấn đề này tại một cuộc họp báo trong tháng 6, trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết quá trình điều tra xác định hành vi các bị can không cấu thành tội Đưa hối lộ nên Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định thay đổi tội danh.