Bẫy lãi suất khủng
Giăng bẫy siêu lãi suất là chiêu trò cơ bản nhưng hiệu quả nhất mà nhiều người nguyên là nhân viên, cán bộ ngân hàng áp dụng để hút vốn. Huỳnh Thị Huyền Như - nữ cán bộ ngân hàng đang bị xét xử vụ lừa đảo 4.000 tỷ đồng là một trong số đó.
Trả lời trước tòa án, người phụ nữ sinh năm 1978 này cũng nói thẳng, sở dĩ nhiều người, trong đó có cả ngân hàng bị lừa là vì cô đã đưa ra lãi suất hấp dẫn. Có trường hợp được cựu nhân viên Vietinbank này chào vay với lãi suất trong hợp đồng chỉ 10,49% một năm, nhưng chi trả thực tế có lúc đội lên 30-100%. Cuối năm 2008, khi trào lưu chơi chứng khoán rầm rộ, người phụ nữ này còn sẵn sàng huy động tiền nhàn rỗi của một vài cá nhân với lãi suất 0,4-1% một ngày (hơn 300% một năm). Trong khi đó, lãi suất huy động ngân hàng cao nhất tại thời điểm sự việc xảy ra (cuối năm 2009) chỉ trên dưới 10%.
Cái mác cán bộ ngân hàng lớn, rất uy tín cũng khiến không ít người dễ dàng dốc hết tiền nhàn rỗi gửi cho Huyền Như. Các nạn nhân cũng không quá nghi ngờ lãi suất cao bởi thời gian đó tình trạng vượt trần lãi suất, ngân hàng đi đêm huy động lãi cao hơn sổ sách diễn ra khá phổ biến.
Trả lãi cao đúng hẹn vài tháng đầu
Sau khi thả bẫy lãi suất khủng, Huyền Như cũng như nhiều cán bộ ngân hàng bị khởi tố lừa đảo khác hầu hết đều tiến hành mô-típ khá giống nhau: Luôn trả lãi đúng hẹn thời gian đầu.
Ngọc Anh, cán bộ phòng giao dịch của một ngân hàng lớn chi nhánh chợ Hôm (Hà Nội) cũng từng bị khởi tố vì vay hơn 2 tỷ đồng của tiểu thương trong chợ theo cách thức này. Tin tưởng mác cán bộ này, nữ tiểu thương đã cho vay với thỏa thuận từ 5 đến 10 ngày trả cả gốc lẫn lãi. Từ tháng 6 đến tháng 7, chị cho mượn hàng trăm triệu đồng và đều được thanh toán đầy đủ với lãi suất cao nên rất tin tưởng. Sau vài tháng tiếp tục cho vay hàng tỷ đồng thì nạn nhân mới vỡ lẽ mình bị lừa vì nữ cán bộ trên đã bỏ việc và trốn khỏi nơi cư trú.
Giữa năm 2012, tại Đồng Tháp cũng xảy ra nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mà thủ phạm là cán bộ ngân hàng. Theo đó, lợi dụng danh nghĩa là cán bộ nhà băng, nhiều người đã huy động tiền của người dân với số lượng lớn rồi cho người khác vay lại hưởng phần chênh lệch. Tuy nhiên, do lãi suất quá cao, thường vài chục phần trăm một năm nên phần lớn họ chỉ trả lãi được thời gian đầu.
Lấy cớ vay tiền để đáo hạn khoản vay cho khách
Phần lớn các lý do được những cán bộ ngân hàng đưa ra khi vay mượn tiền của là để làm dịch vụ đáo hạn khoản vay cho khách hàng. Trên thực tế, nhiều ngân hàng để giữ khách, sẵn sàng làm dịch vụ ứng tiền đáo hạn khoản vay cũ để tiếp tục giải ngân chu kỳ mới.
Mới đây nhất, nữ giám đốc chi nhánh một ngân hàng cổ phần lớn ở Hội An, Quảng Nam bị "tố" vay mượn của người dân hơn 13 tỷ đồng nhưng không chịu trả cũng với lý do này. Nữ giám đốc này trực tiếp đến từng nhà của các nạn nhân hỏi vay, lãi suất bà hứa hẹn trả là 6% một tháng (trong khi lãi suất huy động hiện nay cao nhất chỉ 8-9% một năm).
Tuy nhiên, cũng có những nhân viên ngân hàng không liên quan gì tới nghiệp vụ tín dụng nhưng vẫn mượn cớ này để huy động tiền. Nga, một nhân viên chỉ ở bộ phận phát hành thẻ của một ngân hàng quy mô lớn tại Hà Nội nhưng vẫn lân la làm quen nhiều người dân để vay hàng tỷ đồng để "đáo hạn cho khách hàng". Chỉ đến khi cô bị vướng vòng lao lý, các nạn nhân mới biết nhân viên này thực sự vay tiền không phải để "đáo hạn".
Ngược lại, cũng có trường hợp cán bộ ngân hàng chỉ để ăn chơi, tiêu xài. Khi làm việc chi nhánh Long An của một ngân hàng cổ phần, Bùi Văn Vũ đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với một số người có hoạt động cho vay đáo hạn ngân hàng để lừa đảo hơn 8 tỷ đồng, chỉ trong vòng 3 tháng. Toàn bộ số tiền này Vũ dùng để ăn chơi, lấy nợ mới trả nợ cũ và đánh bạc.
* Đồ họa: Huyền Như đã làm giả 4.000 tỷ đồng như thế nào
Bình luận về những chiêu trò này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM cho rằng trách nhiệm trước hết là do sự lỏng lẻo trong quy trình quản lý và giám sát cán bộ của chính các ngân hàng. Theo ông Hậu, các cơ quan quản lý cần nhìn nhận rõ lại hệ thống quản lý, cán bộ quản lý của mình để từ đó có mục tiêu và chế tài phù hợp hơn.
Chia sẻ tại một hội nghị gần đây tại TP HCM, một lãnh đạo cấp cao của Vietcombank cho rằng, vấn đề rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trở nên đáng báo động. Bà cho rằng thời gian gần đây, các ngân hàng Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh nhưng kết quả đem lại vẫn chưa nhiều.
Cũng theo Luật sư Hậu, về phía người dân, không nên quá tin vào cái mác cán bộ ngân hàng để rồi mù quáng trao tiền cho họ. "Lãi suất cao thì ai cũng thích nhưng không vì thế mà bất chấp rủi ro. Nên cân nhắc cẩn thận về tính an toàn nguồn vốn của mình hơn là nhắm mắt làm ngơ vì lãi suất cao", ông nói.
Thanh Lan - Lệ Chi