Cuối tháng 3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố 15 bị can liên quan vụ nâng khống giá cây trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị đề nghị về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Danh sách 15 người bị đề nghị truy tố trong vụ án
Ông Chung khai ngay khi nhận chức Chủ tịch UBND Hà Nội vào cuối năm 2015 thấy tổng thể chi phí cho các dịch vụ công ích, trong đó có công tác trồng cây xanh, tăng cao. Bởi thế, ông yêu cầu tạm dừng toàn bộ việc đấu thầu cây xanh trên địa bàn để đặt hàng theo từng quý. Ông cho phép vừa khảo sát, thực hiện vừa hoàn thiện thủ tục.
Một mặt yêu cầu Sở Xây dựng làm tiêu chí đấu thầu, mặt khác ông Chung chỉ đạo "miệng" áp đặt Sở này phải đặt hàng trực tiếp. Đó là khởi nguồn của chiến dịch "trồng một triệu cây xanh, đưa hệ thống cây xanh thành phần quan trọng trong cảnh quan đô thị" được đồng loạt triển khai ở Hà Nội.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm giữa năm 2016, ông Chung cho hay ông coi trọng vấn đề cây xanh từ khi chuẩn bị nhậm chức và mỗi ngày đều dành thời gian để cập nhật thông tin về trồng cây của thành phố từ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (Công ty Cây xanh).
Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng được giao là đầu mối, còn Công ty Cây xanh và Công ty Sinh Thái Xanh là hai doanh nghiệp được lựa chọn để đặt hàng. Lúc này, các đơn vị lập tức thay đổi cách thức từ đấu thầu sang đặt hàng, khác với cách thức thực hiện từ năm 2016 về trước.
Theo cáo buộc, khi thực hiện việc này, Tổng giám đốc Công ty Cây xanh Nguyễn Xuân Hanh đã thông đồng với Nguyễn Tuấn Nghĩa, chủ doanh nghiệp cung cấp cây, nhằm rút ruột ngân sách nhà nước. Bị can Nghĩa được coi là mắt xích quan trọng trong đường dây khi được giao chuẩn bị một số loại cây như chà là, bàng lá nhỏ để cung ứng theo hợp đồng, song phải nâng giá cao gấp nhiều lần.
Nghĩa liên hệ với Hoàng Đình Văn, Giám đốc doanh nghiệp chuyên mua bán cây bóng mát, để mua cây chà là, bàng Đài Loan, thoả thuận nhận tại vườn ươm ở huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Thời điểm này, công ty chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép kinh doanh cây có bầu đất nhưng giám đốc Văn vẫn nhận lời với Nghĩa. Để có nguồn cây, Văn liên hệ với một người đàn ông Trung Quốc, mua chà là với giá 2,5-3,5 triệu đồng/cây, bàng Đài Loan giá 800.000-1,6 triệu đồng/cây...
Văn yêu cầu bên bán dùng tàu, đò vận chuyển "chui" từ thành phố Đông Hưng, Trung Quốc về bờ sông Ka Long, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Nhận cây xong, Văn thuê xe tải, cẩu chuyển lên Hà Nội bán cho Nghĩa.
Để theo dõi mua cây từ Trung Quốc, Văn yêu cầu kế toán nhập liệu vào phần mềm nội bộ của công ty, ghi là "bảng theo dõi tàu Li Tài". Việc mua bán với thương lái Trung Quốc không có hợp đồng, không khai báo hải quan.
C03 xác định, cây mua của Văn là loại trôi nổi trên thị trường, không thể bán lại cho Công ty Cây xanh vì thiếu chứng từ, Nghĩa tìm cách có được hóa đơn khống để hợp thức hóa.
Cụ thể, từ 2017 đến 2018, Nghĩa chỉ đạo cấp dưới móc nối với 24 hộ kinh doanh cá thể, xuất hơn 326 hóa đơn bán cây khống với số tiền hơn 200 tỷ đồng. Nghĩa còn lấy 15 hóa đơn vận chuyển khống của một công ty khác trị giá hơn 12 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, do Văn yêu cầu kế toán xoá một phần dữ liệu trong máy tính công ty để tránh sự phát hiện của cảnh sát nên chưa xác định được đầy đủ. Tuy nhiên, dựa vào một số dữ liệu trích xuất được xác định, Văn được cho là đã bán gần 10.000 cây xanh nhập lậu từ Trung Quốc bán cho Nghĩa, tổng giá trị hơn 24 tỷ đồng và hưởng lợi bất chính 1,6 tỷ.
Hành vi buôn lậu cây xanh do Văn "đạo diễn", Nghĩa không biết việc này. Bởi thế, C03 cho rằng không đủ cơ sở kết tội Nghĩa về hành vi buôn lậu với vai trò đồng phạm. Tuy nhiên với việc mua bán hoá đơn khống, Nghĩa đã hưởng lợi 10 tỷ đồng.
Cây về đến Hà Nội, Nghĩa bán cho Công ty Cây xanh theo hợp đồng đặt sẵn. Công ty Cây xanh sử dụng để trồng mới hoặc thay thế cây cũ trên các tuyến đường ở thủ đô theo hợp đồng với Ban Duy tu.
Tại vụ án này, C03 kiến nghị cấp có thẩm quyền cần tăng cường giám sát với lĩnh vực dịch vụ công ích, trong đó có dự án trồng cây xanh. Nhà chức trách nên bổ sung quy định kiểm soát lượng cây nhập về, ươm trồng của các hộ kinh doanh để đối chiếu với số cây bán ra, tránh trường hợp không có cây nhưng vẫn xuất hoá đơn. "Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành định mức, đơn giá cây xanh theo quy định", kết luận điều tra nêu.
Ngoài những người bị khởi tố, C03 cho rằng còn một số lãnh đạo, cá nhân tại UBND Hà Nội và các sở ban ngành có hành vi sai phạm liên quan nhưng chưa đủ căn cứ xử lý hình sự. Vì vậy, C03 đề nghị Hà Nội xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và chính quyền.
Cuối năm 2018, Hà Nội công bố hoàn thành trồng mới một triệu cây xanh, và đặt mục tiêu trồng thêm 600.000 cây đến năm 2020. Tính chung giai đoạn 2016-2020, Hà Nội báo cáo đã trồng mới được trên 1,6 triệu cây xanh, gồm cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ các loại. Trong đó, thành phố trồng hơn một triệu cây, các quận huyện trồng trên 539.000 cây và hơn 73.000 cây trồng theo diện xã hội hóa.
UBND thành phố đánh giá việc trồng mới tăng gấp 40-50 lần các giai đoạn trước đây và tạo thành các dải xanh, không gian xanh, hành lang xanh giúp điều hòa không khí, tăng độ ẩm, hạn chế tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm không khí.
Thành phố cũng khẳng định chất lượng cây trồng được đảm bảo, thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa đúng quy trình. Tuy nhiên, chính quyền cũng cho rằng chương trình tồn tại một số hạn chế như: Chủng loại cây chưa phong phú; một số cây trồng chưa được thử nghiệm kỹ nên chưa phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng...