Ngày 26/9, ông Trần Thắng, Chủ tịch Hội Văn hóa - Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE), cho biết từ ngày 3 đến 18/10, IVCE sẽ phối hợp với Hội sinh viên Việt Nam tổ chức đợt chiếu phim tài liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại 10 trường đại học của Mỹ.
Các bộ phim liên quan đến chủ quyền biển đảo được trình chiếu gồm: "Những câu chuyện nhỏ trên biển lớn" của đạo diễn Phan Huyền Thư, "Chạm tới biển" của hai anh em đạo diễn Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải, "Hải thương Việt Nam thế kỷ 17-18" do TS Trần Đức Anh Sơn thuyết trình. Và đặc biệt là bộ phim "Tướng Giáp" của đạo diễn Trần Thùy Dương.
Theo đạo diễn Trần Thùy Dương, bộ phim tài liệu "Tướng Giáp" được xây dựng trên cơ sở những bức ảnh của Catherine Karnow (phóng viên Mỹ) và mối quan hệ thân tình với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như gia đình ông nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Catherine là con gái của nhà báo kiêm nhà sử học Stanley, người nổi tiếng với những bài viết về cuộc chiến tranh Việt Nam và bài phỏng vấn tướng Giáp được đăng trên tờ New York Times năm 1990.
Năm 1994, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mời Catherine thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ xưa. Từ chuyến đi đặc biệt này, bà đã chụp được rất nhiều bức ảnh tư liệu quý giá về Tướng Giáp và trở nên thân thiết với gia đình ông. Trong phim, bà chia sẻ những ký ức suốt quá trình thực hiện những tấm ảnh về Tướng Giáp, cũng như tình cảm của mình với đất nước và con người Việt Nam.
Tướng Giáp là bộ phim đầu tiên về cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng nhân dân, được trình chiếu tại Mỹ. Bộ phim có ý nghĩa đặc biệt hơn khi chiếu trong dịp giỗ đầu vị Đại tướng được cả dân tộc Việt Nam và nhiều người trên thế giới tôn kính, như một sự tưởng nhớ về Người.
Ông Trần Thắng - vốn được mệnh danh 'người Hoàng Sa' trên đất Mỹ - nói, linh cữu của tướng Giáp hướng về biển Đông như thể nhắc nhở các thế hệ trẻ Việt Nam sau này gìn giữ biển. Từ ý niệm này, anh lấy chủ đề của chương trình chiếu phim là "Đối diện biển cả" và phần cuối của chương trình là phim về tướng Giáp.
"Mục đích của chương trình chiếu phim là tăng sự hiểu biết của sinh viên Việt kiều, người Mỹ và truyền thông Mỹ về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Riêng cá nhân tôi cảm thấy an ninh quốc gia Việt Nam bị nguy hại và tôi mong muốn làm một việc thiết thực góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia Việt Nam", ông Thắng nói.
Năm 2012, ông Thắng thu thập 150 tài liệu bản đồ cổ Việt Nam và Trung Quốc gửi về Việt Nam. Những tài liệu này đang được trưng bày rộng rãi tại nhiều địa phương để người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế tìm hiểu thêm về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nguyễn Đông