- Quan tâm đến lịch sử, sưu tầm 150 bản đồ cổ chứng minh Trung Quốc không có Hoàng Sa, quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam, ông nhận định gì về việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981?
- Việc Trung Quốc đơn phương kéo giàn khoan đến vùng biển Việt Nam rồi rút đi nằm trong kế hoạch của họ. Mưu đồ của Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ vùng biển Ðông (thế giới gọi là South China Sea), gồm các đảo trong khu vực này đã quá lộ liễu.
Trung Quốc dùng vũ khí hiện đại và kinh tế như "sức mạnh cứng" thì Việt Nam nên sử dụng luật pháp quốc tế và ngoại giao như "sức mạnh mềm" để đối kháng lại, nhằm thoát ra ngoài thế bị động.
![I-2301-1406017549.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/07/22/I-2301-1406017549.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jFpNDWl_ncL6y44u3t2xgA)
Tàu chấp pháp Trung Quốc cản trở tàu cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực quanh giàn khoan 981 đặt trái phép trong thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), nhận xét: "Anh Trần Thắng là Việt kiều nhiệt huyết với công cuộc đòi lại chủ quyền Hoàng Sa. Với những đóng góp thiết thực, anh Thắng xứng đáng được gọi là người Hoàng Sa trên đất Mỹ". |
Chính sách ngoại giao và luật pháp quốc tế là hai phương án hữu hiệu nhất để ngăn cản tham vọng của Trung Quốc lấn chiếm vùng biển đảo Việt Nam. Việc sử dụng luật quốc tế nay đã trở thành tiền lệ cho các quốc gia để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ và di sản thiên nhiên.
Chúng ta có nhiều tài liệu lịch sử quý giá về chủ quyền biển đảo Việt Nam và địa lý Trung Quốc. Chúng ta cần giới thiệu nguồn tài liệu này ra nước ngoài thông qua các chương trình chiếu phim và triển lãm, tặng CD cho các thư viện đại học trên thế giới, xây dựng website thông tin với một số ngôn ngữ khác nhau; tích cực mời phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp mỗi khi có xung đột trên biển Đông.
Thế giới còn mù mờ về vùng biển đảo Việt Nam, một khi họ được hiểu biết thì họ sẽ góp phần cho tiếng nói khách quan về chủ quyền biển đảo.
- Việt Nam cần chú trọng vấn đề gì để phát triển đất nước hùng cường?
- Việt Nam ngày càng nhiều rủi ro, đối diện với vấn đề an ninh quốc gia và phát triển kinh tế. Do đó ngay lúc này, Việt Nam cần đầu tư phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học công nghệ. Chúng ta có thể nhìn vào Israel là một đất nước phát triển dựa trên nền tảng giáo dục và khoa học, phát triển kinh tế mạnh mẽ ra thế giới.
Tôi tin rằng, phát triển khoa học và giáo dục là nền tảng để bảo vệ và phát triển đất nước trường tồn. Chính sách và ngân sách nhà nước cho giáo dục và nghiên cứu khoa học công nghệ phải được ưu tiên hàng đầu và làm mạnh mẽ, xem như là quốc sách.
![thang.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/07/22/thang-6008-1406017549.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yixvMBoUmgrZxH20a2csNw)
Ông Trần Thắng chụp ảnh bên động cơ máy bay Pratt & Whitney 1935. Ảnh: NVCC.
- Để phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học công nghệ, theo ông, cần những thay đổi gì?
- Tôi thấy việc chọn ngành học của sinh viên Việt Nam hiện đa phần theo trào lưu của thị trường, mọi người thường học Quản trị kinh doanh hay Công nghệ thông tin… Học vì thu nhập cũng tốt nhưng không có động lực mạnh để đi xa hơn, nên mọi người trông làng nhàng như nhau.
Do đó, tại phổ thông trung học chúng ta cần hướng cho học sinh đến với sự yêu thích khoa học công nghệ qua chương trình giảng dạy phong phú. Tại đại học, sinh viên được học chương trình học như cấp độ quốc tế và có những thực nghiệm sát với thực tế.
Chương trình thực tập cũng cần liên kết với công ty lớn của nước ngoài để sinh viên có dịp làm việc trong môi trường chuyên môn và nắm bắt được khoa học công nghệ, đây cũng là cơ hội để sinh viên tiếp cận những công ty nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm khi ra trường.
Trường đại học cũng thành lập những viện nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ. Viện nghiên cứu hợp tác với công ty lớn trong và ngoài nước để phát triển ứng dụng. Số sinh viên học xuất sắc và có đam mê nghiên cứu khoa học thì khi tốt nghiệp cần tiếp tục học lên tiến sĩ ở nước ngoài.
- Với tâm huyết của mình, ông sẽ làm gì để góp sức cho quê hương trong việc phát triển giáo dục và khoa học công nghệ?
- Tôi mong muốn xây dựng bảo tàng khoa học kỹ thuật nhằm giới thiệu lịch sử phát triển các công nghệ kỹ thuật trong lĩnh vực như máy bay, xe hơi, tàu thủy, xe lửa… đến với học sinh, sinh viên để từ đó gợi niềm đam mê với khoa học kỹ thuật và định hướng nghề nghiệp tương lai.
Bản thân tôi đang ấp ủ chương trình thực tập cho sinh viên kỹ sư Việt Nam tại các nhà máy bảo dưỡng động cơ máy bay, hỗ trợ sinh viên Việt Nam tiếp cận với ngành công nghiệp hàng không. Việc lo liệu tài chính cho chương trình thực tập với các đại học Việt Nam nằm ngoài khả năng nên tôi hy vọng có một hãng hàng không tài trợ cho chương trình này.
Hàng ngày đi qua dây chuyền lắp ráp động cơ máy bay, tôi mơ ước có một thế hệ kỹ sư người Việt sản xuất được máy bay. Với tôi, đó là "Giấc mơ Việt Nam".
Ông Trần Thắng xuất cảnh đi Mỹ năm 1991 khi là sinh viên cơ khí năm thứ 2 tại ÐH Bách khoa TP HCM và sau đó tiếp tục theo đuổi ngành học này tại University of Connecticut. Từ năm 1999 đến nay, ông làm kỹ sư tại công ty động cơ máy bay Pratt & Whitney - động cơ máy bay hàng đầu thế giới cho các máy bay dân sự Boeing, Airbus và quân sự như Lockheed F22, F35. Trần Thắng còn là chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ. Ông xây dựng chương trình văn hóa và giáo dục Việt Nam từ năm 2000 đến nay. IVCE đã thực hiện 50 hội thảo du học Mỹ tại Việt Nam và phục vụ trên 7.000 học sinh, sinh viên và cán bộ giảng dạy; đưa 100 sinh viên Việt kiều về dạy tình nguyện môn tiếng Anh và môn thi vào ÐH ở Mỹ tại các trường ÐH Việt Nam... Từ 2012 đến 2013, ông Trần Thắng sưu tầm 150 bản đồ và 4 sách bản đồ atlas cổ liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, thể hiện lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng ở đảo Hải Nam, và Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Ông đã tặng những tư liệu này cho Viện phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, UBND huyện đảo Hoàng Sa và một số cơ quan khác; đồng thời dự định hoàn thiện tài liệu chú thích bản đồ, làm CD bản đồ tặng các thư viện đại học ở Mỹ. |
Nguyễn Đông thực hiện