Ngày 27/4, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, cho biết đây là một trong những chiêu thức của kẻ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản xảy ra ở TP Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành thời gian gần đây.
Riêng tháng 4, cả chục người dân trình báo bị người tự xưng là cảnh sát, gọi điện đến từ tổng đài thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội, TP HCM thông báo về việc họ vi phạm giao thông, bị hệ thống camera giám sát ghi lại, nay quá thời hạn xử lý, yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản.

Tài xế vi phạm sẽ nhận được giấy báo lên trụ sở đơn vị cảnh sát giao thông làm việc, được xem lại hình ảnh vi phạm qua màn hình máy tính. Ảnh: Bá Đô
Kẻ lừa đảo thường hỏi: Anh/chị đã nhận được biên bản xử phạt chưa? Anh/chị gây tai nạn giao thông... đến nay đã quá thời hạn xử lý, đề nghị cung cấp số biên bản?
Trường hợp nạn nhân trả lời chưa nhận được biên bản, chúng yêu cầu cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng... để cung cấp biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt, nộp tiền theo hướng dẫn của chúng để xác minh, xử phạt nguội.
Cuối cuộc hội thoại, những người tự xưng là cảnh sát giao thông yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền.
Ngoài hình thức này, đầu tháng 4, một số người dân ở Lạng Sơn nhận được thư điện tử mạo cơ quan chức năng, đề nghị truy cập vào trang thông tin giả mạo điền thông tin vi phạm giao thông, thông tin cá nhân. Từ đó kẻ lừa đảo đánh cắp tài khoản, thông tin cá nhân của nạn nhân.

Nội dung mail lừa đảo.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định việc xử lý phạt "nguội" vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát trên toàn quốc chỉ được gửi bằng văn bản, thông báo tới chủ phương tiện theo địa chỉ trên đăng ký xe, hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm để tới trụ sở cảnh sát xử lý.
Khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển mang đầy đủ giấy tờ cần thiết lên trụ sở đơn vị cảnh sát giao thông ra thông báo để làm việc và hoàn tất thủ tục nộp phạt.
"Cảnh sát giao thông không gọi điện thoại thông báo vi phạm qua điện thoại, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào", đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định, khuyến cáo người dân không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, địa chỉ email) cho những người lạ, những người phải cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Khoảng một năm trở lại đây các trường hợp vi phạm giao thông bị camera giám sát trên toàn quốc ghi lại được Cục Cảnh sát giao thông tích hợp vào trang http://www.csgt.vn/ để người dân tra cứu.
Từ tháng 4/2020 đến nay, hệ thống camera giám sát trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã phát hiện 28.000 trường hợp vi phạm, trong đó cảnh sát giao thông dừng tại chỗ xử phạt 3.600 trường hợp, gửi thông báo bằng văn bản trên 24.000 chủ phương tiện, ra quyết định xử phạt trên 6.400 tài xế, nộp kho bạc nhà nước trên 19 tỷ đồng.
Riêng tại Hà Nội, việc xử phạt nguội áp dụng từ năm 2019 đến nay có gần 20.000 trường hợp vi phạm bị phát hiện, xử phạt.