Thông thường với một vỏ bình đúng tiêu chuẩn thì có chữ khắc nổi của thương hiệu trên vỏ, bên trong có chữ xác nhận, thân bình gas được dập bằng khuôn thép. Sau đó vỏ được đem đi kiểm định cũng như thử áp lực... rồi mới có thể chứa gas bán ra thị trường, giá mỗi chiếc bình loại 12 kg khoảng 600 nghìn đồng. Chính vì chi phí cao nên việc làm giả vỏ bình vẫn xảy ra lâu nay.
Cận cảnh vỏ bình gas giả |
![]() |
Mẫu vỏ bình gas của Công ty Ánh Ngọc Gas được sản xuất bởi Công ty Đông Phương. Ảnh: Kiên Cường |
Bức xúc trước tình trạng này, trong tháng 2, một số công ty kinh doanh gas tại TP HCM đã gửi kiến nghị lên Chi hội gas miền Nam. Chi hội kiểm tra thực tế bằng cách cắt đôi vỏ bình gas của Công ty Ánh Ngọc (được sản xuất bởi Công ty Đông Phương, huyện Hóc Môn, TP HCM), thì thấy bên trong là các dấu hiệu nhận biết của các thương hiệu uy tín như Sài Gòn Petro, Vinagas, Total...
Vào cuối tháng 2, Chi cục quản lý thị trường TP HCM phối hợp với Công an huyện Hóc Môn kiểm tra Công ty sản xuất vỏ bình gas Đông Phương. Kết quả cho thấy trong kho hàng công ty này có gần 2.000 vỏ bình các thương hiệu như Total, Sài Gòn Gas, Vinagas... cùng với nhiều vỏ bình bị mài mòn chữ nổi. Trong kho cũng có nhiều vỏ của Sài Gòn Gas bị đốt, bị tháo van...
"Ví dụ như chữ nổi phía trên vỏ bình gas của Sài Gòn Gas sẽ được dập cho mất đi, thậm chí đốt, tháo van, thay đế, rồi hàn lại... để xóa mọi dấu vết là vỏ bình Sài Gòn Gas, thay vào đó là tên của đơn vị khác", bà Lê Thị Anh Mẫn, Chủ tịch Chi hội gas miền Nam cho biết.
![]() |
Phía trong là chữ nhận biết của Sài Gòn Gas. Chi hội Gas miền Nam cho biết đây là mẫu vỏ bình bị hoán cải. Ảnh: Kiên Cường |
Theo bà Mẫn, việc hoán cải này là cực kỳ nguy hiểm, vì khi thay tay xách, thay chân đế, thay chỏm bằng các biện pháp như cắt rồi hàn, dập, sẽ khiến bình bị biến dạng, áp lực không dàn đều dẫn đến bình gas có thể nổ bất cứ lúc nào.
Vỏ bình gas giả không chỉ như một quả bom nổ chậm trong nhà người tiêu dùng mà đứng về góc độ kinh doanh, đây là hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty khác. Hiện nay, người tiêu dùng phải trả khoảng hơn 200.000 đồng tiền thế chân vỏ bình, trong khi chi phí làm một vỏ loại 12 kg là 600.000 đồng.
"Vỏ bình gas là tài sản của công ty gas, đây là hành động phá hoại tài sản, xâm hại tài sản, bên đối tác chúng tôi họ không tưởng tượng được lại có chuyện như thế này", ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Công ty khí hóa lỏng Cội Nguồn, doanh nghiệp liên doanh với Australia bức xúc nói.
Theo ông Lê Phúc Đại, Tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng Đại Việt Vinagas, hiện doanh nghiệp có 900.000 vỏ bình nhưng khoảng 30 đến 40% số lượng này bị thất lạc và không thu hồi về được. "Điều này được giải thích là do thói quen của người tiêu dùng và chính các đại lý, họ cứ tưởng thế chân khoảng từ 200 đến 270.000 đồng là đã mua luôn rồi nên khi trao đổi rất dễ mất", anh Đại phân tích.
![]() |
Nhìn bề ngoài không thể biết được đây là vỏ bình gas giả. Ảnh: Kiên Cường |
Làm giả vỏ bình, chiết gas lậu còn dẫn đến thị trường gas đang rối loạn. Giới kinh doanh gas cho rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng vì độ an toàn không cao, nhất là rất dễ gây ra cháy nổ. "Trước tình trạng trên, lời khuyên dành cho người mua gas là nên đến các đại lý uy tín", anh Đại nói.
Để ngăn chặn sự việc tái diễn, Chi hội gas miền Nam đề nghị cơ quan chức năng truy tố các đơn vị, cá nhân có hành vi làm giả vỏ bình nhằm răn đe, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty gas, đảm bảo an toàn của người tiêu dùng, lành mạnh hóa thị trường nhiên liệu đốt này.
Về trường hợp của Công ty Đông Dương, Chi hội gas miền Nam cho biết Chi cục quản lý thị trường TP HCM vẫn đang trong quá trình tiếp tục điều tra để có kết luận cuối cùng.
Kiên Cường