Người viết cùng con gái nhỏ tại Đức. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Đúng vào tuần này cả phân xưởng đua nhau ốm, có lẽ các bạn Đức của mình vì mải ăn chơi một thời gian dài nghỉ lễ Noel và Tết Tây nên bây giờ ốm hết một loạt, báo hại cho tớ muốn xin một ngày nghỉ phép cũng không xong thật là thảm.
Trời ơi, anh hai Audi lái xe kiểu gì thế, đường làng cho phép chạy 70km/h mà anh cứ gí đều 50km/h khác nào chơi khó người ta, không biết sắp giao thừa đến nơi rồi à, nhanh nhanh lên chứ, sao anh giai còn đủng đỉnh thế kia, không lo về còn dọn nhà dọn cửa đi chứ! Ơ mà mình lẩm cẩm thật Tết của Việt Nam mình chứ có phải Tết của người Đức đâu mà.
Giờ này chắc mẹ mình ở Việt Nam cũng phải len qua dòng người đông đúc đang hối hả mua mua sắm sắm những thứ chợt nhớ ra là còn thiếu cho những ngày Tết. Thế nào rồi ra đến cổng chợ anh Toàn cũng cằn nhằn cho mà xem: "Mẹ cứ phải khiêng cả cái chợ về nhà mình thì mới yên tâm cơ, khéo lại kẹt xe".
Đấy rõ chán, vừa nghĩ đến kẹt xe là có ngay nhé (phải mà nhắc tiền nhắc bạc như vậy có phải hay không) cũng đúng thôi giờ tan tầm mà, lại chạy đường làng nữa, không kẹt xe mới là chuyện lạ.
Bánh chưng thì hai vợ chồng đã gói và luộc bằng nồi áp suất xong từ hôm qua rồi, tí nữa về chỉ cần bóc lớp giấy bạc bọc ở bên ngoài là sẽ hiện ra lớp lá dong bên trong với mầu xanh đặc chưng của bánh. Chà, cũng hấp dẫn quá, nhưng mà kiểu gì thì cũng không thể bằng bánh chưng của mẹ gói ở nhà rồi.
Hồi đó cứ đến ngày 29 Tết hàng năm là mẹ đã chuẩn bị mọi thứ để gói bánh chưng. Suốt cả buổi chiều mẹ hì hục vo vo chắt chắt chậu lớn chậu bé nào đỗ xanh vàng óng ả bên chậu gạo nếp trắng phau, đám lá dong xanh mướt chất đầy trên mặt bàn.
Anh Tuấn và anh Toàn thì ngồi rãi ranh rãi thẻ ra để lau lá dong, chỉ có mình và anh Toản vì còn bé cho nên được phân công chân lon ton, nghĩa là ai sai gì làm nấy. Lâu lâu lại chạy đi lấy cho mẹ ly nước, lấy thêm tí lạt hoặc lại bị hai ông anh lớn lại "bắt nạt" cách: "Này, nhóc gãi cho anh cái lưng một tí" hoặc "Bé con, kéo cho anh sợi tóc vướng ở mắt đi nào. .."
Ôi trời đúng là "Pó tay chấm com rồi", kẹt xe quá, cả một dãy xe dài nối đuôi nhau, nhích từng tí một thế này chừng nào mới về đến nhà. Ủa, ai gọi di động giờ này ta, chắc là người Đức thôi chứ người Việt Nam giờ nay đang cuống quýt để chuẩn bị cúng giao thừa có ai rảnh rỗi mà gọi điện.
"Alo, em hả, hồi sáng đi làm ngang qua cửa hàng EDEKA anh nhìn thấy có bán hoa mai đó, lát về em nhớ tranh thủ ghé mua nhé". Được lắm, anh chồng yêu quý ạ, sao lúc đi qua nhìn thấy không chịu mua luôn, giờ làm gì có thời gian mà bảo ghé vào mua. Ờ nhưng mà nếu mua rồi không lẽ chồng lại phải cầm luôn đến hãng chờ đến 10 giờ đêm tan ca mới đem về nhà chưng Tết thì lúc đấy đã là mồng một rồi còn gì.
Oke, tạm tha thứ vậy, Tết nhất mà phải dễ chịu một tí chứ không lại "giông" cả năm. Hồi còn ở Việt nam mẹ cứ nhắc mãi là mấy ngày Tết không ai được quét nhà nếu không tiền bạc sẽ ra đi hết (vậy mà bố vẫn cứ lăm le cây chổi chực để quét đống xác pháo rơi đỏ rực cả sân nhà), còn mấy anh em thì không được cãi nhau để tránh bị "giông"cả năm. Chẳng hiểu có đúng hay không nhưng vì còn bé nên mình tin lắm, không dám ho he gì với mấy anh dù có bị dụ bớt ít tiền lì xì.
May quá xe chạy đến chỗ rẽ rồi vậy là thóat ra khỏi đoạn kẹt xe. Nào, về số 2, chạy chậm chậm lại ghé vào đón cô con gái út đang còn ở mẫu giáo. Không biết đã mặc áo khoác, khăn mũ sẵn sàng chưa, ngoài trời tuyết trắng xóa là lạnh lắm, lề mề thì muộn không kịp về làm cơm cúng giao thừa nữa.
Sáng trước khi đi làm đã để con gà ra cho tan đá rồi bây giờ về luộc chắc cũng nhanh thôi, nhưng mà cũng phiền quá vì gà không đầu thành ra chẳng thể nào để nguyên con đành phải chặt ra xếp vào đĩa để cúng (tại sao khi xuất gà ra bán người ta không nghĩ đến nhu cầu cúng bái như thế nhỉ? Ôi mình lại lan man rồi, đây là châu Âu mà).
Hồi còn ở Việt Nam mình thấy mẹ làm cơm cúng giao thừa lúc nào cũng luộc một con gà vàng óng để lên đĩa, cái đầu gà ngậm một quả ớt được tỉa hoa đỏ chóe, anh Toản vì còn bé nên tinh nghịch, trèo lên dúi ngay một hòn bi vào giữa quả ớt bị mình phát hiện mách với bố và nhận ngay một cái lừ mắt rất "điển hình" của bố.
"Mẹ ơi hôm nay con được ăn bánh sinh nhật của Alberina". Chẳng trách mà cô con gái hớn hở thế kia! À lại có cô bé nào mà sinh đúng vào ngày cuối năm thế nhỉ, vậy là vừa mới lên 5 tuổi vài giờ đồng hồ sau lại trở thành 6 tuổi rồi vui thật. Ơ nhưng có phải người Việt Nam đâu, mà Tết của người Đức thì đã qua cả tháng nay rồi!
- Mẹ ơi sao mình lại đi đường khác
- Mình ghé cửa hàng mua hoa mai chuẩn bị đón Tết
- Hoa mai như thế nào và Tết là gì hả mẹ?
Rất hay con gái yêu, một câu hỏi không khó cho một câu trả lời chẳng dễ chút nào! Với đôi mắt to tròn ngây thơ kia, cái miệng lưa thưa vài cái răng sún mới mọc ngộ nghĩnh kia thì mình sẽ phải giải thích như thế nào đây.
Chẳng lẽ lại nói Tết là thời khắc đặc biệt nhất của một năm, là giai đoạn chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là lúc mà những người việt xa xứ như mẹ con mình chợt cảm thấy chạnh lòng, thèm lắm không khí ấm cúng đoàn tụ cùng gia đình ở quê hương với nắng xuân ấm áp. Hay đấy cũng là những thời khắc mà mỗi con người lại thấy mình cần phải mạnh mẽ hơn, nhiều trách nhiệm hơn với những hoài bão và mong ước mới.
- Hoa mai màu vàng con ạ, còn Tết là lúc con được tiền lì xì của ba và mẹ đó!
- À con hiểu rồi.
Ừ thì cứ cho là con hiểu đi, từ từ rồi với những cái Tết xa xứ dù không được đầy đủ như ở quê nhà, mẹ cũng sẽ cố gắng để con biết được phần nào về những phong tục tập quán trong những ngày lễ Tết. Đó là điều mọi đứa trẻ việt nam dù được sinh ra ở đâu chăng nữa cũng nên biết vì đó là quê hương của mình con ạ...
Mải suy nghĩ tí nữa thì chạy qua chỗ rẽ để vào cửa hàng mua hoa mai. Cầu trời tìm được chỗ đậu xe. Kia rồi! Có một bạn BMW đang chuẩn bị ra, cám ơn bạn mình nhé, rất lịch sự, đêm cuối năm có khác!
"A mẹ ơi con nhìn thấy hoa mai rồi, màu vàng mẹ ạ, mẹ nhìn kìa". Và theo hướng tay con chỉ, mẹ đã nhìn thấy "hoa mai"của con. Đó là một cây hoa cúc dại bé tí của mùa thu còn sót lại đang run rẩy nhú cánh hoa vàng óng trên nền tuyết trắng xóa...
Thế là cuối cùng mình cũng kịp làm mâm cơm cúng giao thừa với đầy đủ bánh chưng, gà luộc, bát măng hầm, cùng với mâm ngũ quả với cầu, dừa, đủ, xoài theo phong tục. Còn có cả cành mai vàng khoe sắc trên bàn.
Mâm ngũ quả "cầu vừa đủ sài". Ảnh minh họa: bbqt |
Chà, vẫn còn gần nửa tiếng nữa mới đến giờ giao thừa. Nhớ hồi đó ở Việt Nam, mỗi khi chuẩn bị xong và chờ đến giờ đón giao thừa con và mẹ lại cùng nhau ra ngoài đường lớn, nơi có các gian hàng bán hoa chưng Tết.
Mẹ bảo con những chậu hoa và quất đẹp mình đã mua từ trước rồi, giờ này chắc chỉ còn những chậu hoa không còn đẹp nữa, vả lại người bán hàng cũng mong bán cho hết còn về đón Tết cùng người thân vì thế họ bán rẻ để đỡ phải mang về. Sân nhà mình cũng rộng mình ra mua về để đầy ngoài sân nhìn như khu vườn xuân.
Con hóm hỉnh hưởng ứng, "vậy là mẹ con mình đi "hốt hụi chót" phải không mẹ". Mới đây mà đã 20 năm trôi qua rồi mẹ nhỉ, cũng ngần đấy thời gian con không được đón Tết cùng gia đình. Ai đã thay con cùng mẹ đi "hốt hụi chót" đêm cuối năm như thế, anh nào hay đi với mẹ, cháu nào thường đi với bà, vả lại sân nhà mình cũng đâu còn đủ rộng để cho mẹ có chỗ đặt nhiều chậu hoa Tết nữa.
Đứa con gái duy nhất đã xa bố mẹ lâu quá rồi, mẹ bảo "con gái tuổi ngựa là hay bay nhảy lắm đây", và cuộc đời con đã ứng vào đúng như thế. Ngần đấy năm xa nhà con đều ao ước có một mùa xuân được về đón Tết cùng cha mẹ, có những điều tưởng là đơn giản mà lại khó để thực hiện như thế, công việc, hoàn cảnh đã làm cho những mong ước của con không thành hiện thực.
Chiếc điện thoại đã làm rất tốt chức năng của mình là xóa đi những khoảng cách về địa lý (hay có thể cũng bởi vì nó mà mọi người lại vô tình bỏ qua những cơ hội để được gần nhau...). Lần nào cũng thế, cứ sau khi làm cơm cúng giao thừa xong là con gọi điện về chúc Tết gia đình.
Và suốt 19 năm qua mỗi lần con gọi điện về để chúc Tết bố mẹ, con đều khóc khi vừa nghe tiếng nói đầu dây bên kia của mẹ, mặc dù cứ vài tuần con vẫn đều đặn gọi điện thoại về thăm hỏi chuyện gia đình, hai mẹ con vẫn nói chuyện tíu tít vui vẻ.
Đây là đoạn hội thoại của 19 lần giao thừa giống nhau đã qua:
- Alo, mẹ ạ, con đây!
- Mẹ đây con ơi? (đầu dây bên Đức im lặng, không trả lời được vì nước mắt đã dâng trào).
- Ông ơi, con nó lại khóc rồi, khổ thân con bé, năm nào giao thừa gọi điện cho mẹ cũng khóc
- (Bắt đầu bình tĩnh lại) Bố mẹ có khỏe không?
- (Đầu dây bên Việt Nam im lặng, đến lượt mẹ bắt đầu khóc sau khi con đã ngưng khóc)
Tiếng gõ cửa dồn dập của cậu con trai năm nay vừa tròn 12 tuổi thò đầu vào phòng nhắc mẹ đã gần đến giao thừa, và năm nay tôi tự nhủ phải cố nói liên tục để ngăn dòng nước mắt chỉ trực trào ra.
"Alo mẹ hả, con đây! Bố mẹ có khỏe không? Các anh chị và các cháu có khỏe không? Các cô các chú ở dưới quê năm nay có lên nhà mình đón Tết không? Nhà mình ăn Tết có lớn không? Mẹ có gói bánh chưng không, năm nay nhà mình trưng hoa đào hay hoa mai? Mồng một bố mẹ có đi đâu chơi không..." Nghe đến đây, mẹ sẽ quay sang hỏi bố, "Ông ơi, năm nay con bé làm sao thế nhỉ?"
Mẹ ơi con không sao cả, giao thừa năm nay con sẽ không khóc nữa dù tình cảm của con với gia đình, quê hương vẫn luôn đầy ắp trong tim, nhưng con sẽ không khóc, con sẽ thay những giọt nước mắt nhớ nhung bằng những nụ cười tươi tắn, đó là cách báo hiếu hữu hiệu nhất của con dành cho bố mẹ.
Bích Hường
Đêm cuối năm Tân Mão