Trong một sự kiện do chính phủ Trung Quốc tổ chức hôm qua, Zhang Yansheng - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc cho rằng, trong vài năm tới, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục kiểm nghiệm các dự định chiến lược của nhau và sẽ dễ có đánh giá sai lầm, khiến việc đàm phán khó khăn.
Giai đoạn khó khăn nhất sẽ là 2021-2025, với nguy cơ xung đột trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ và tài chính. Từ 2026 đến 2035, Trung Quốc và Mỹ có thể chuyển hướng từ "đối đầu vô lý" sang "chấp nhận hợp tác".
Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển kinh tế theo các kế hoạch 5 năm. 2035 là mốc họ muốn gia nhập các nước sáng tạo nhất thế giới, theo kế hoạch đặt ra bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2017. Dù vậy, viễn cảnh nhanh chóng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ đã mờ dần khi đàm phán đầu tháng này chững lại và Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa hạn chế việc kinh doanh của các hãng công nghệ Trung Quốc.
Zhang cho biết, cuộc đàm phán bế tắc vì Mỹ muốn Trung Quốc thay đổi ngay lập tức về cán cân thương mại, cải tổ cấu trúc và sửa đổi pháp lý. "Không cái nào có thể thực hiện trong ngắn hạn", ông nhận định. Zhang cho rằng hệ thống giám sát thực thi mà Mỹ yêu cầu nằm ngoài khả năng của Trung Quốc. Các đòi hỏi về thay đổi luật pháp là "quá cao" và Trung Quốc cần thời gian để nâng cao năng lực trên toàn quốc gia.
Cũng trong sự kiện, Li Yong - một nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Ngoại thương Trung Quốc cho biết hai nước đang "thiếu sự tin tưởng". Việc này sẽ khiến quan hệ kinh tế song phương xuống cấp.
Li cũng nhận định việc Mỹ đang làm với Trung Quốc hiện tại tương tự với Nhật Bản thập niên 80. Mỹ đang tạo ra "một bầu không khí chống lại Trung Quốc", như trong đàm phán thương mại với Nhật Bản khi đó, nhằm buộc nước này nhượng bộ.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD.
Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Căng thẳng hiện tiếp tục lên cao khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ.
Hà Thu (theo Bloomberg)