Trung Quốc cho biết vẫn sẵn sàng nối lại đàm phán để chấm dứt chiến tranh thương mại, và từ chối quan điểm hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần chia tách nhau. Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, các động thái gần đây của Washington sẽ buộc Trung Quốc tính toán lại toàn diện quan hệ kinh tế song phương với Mỹ, nhằm bảo vệ chính mình.
Các cố vấn chính phủ Trung Quốc đã nhấn mạnh rủi ro từ việc nhập khẩu nguồn cung thiết yếu từ Mỹ, đặc biệt sau quyết định tuần trước với Huawei. Vì thế, họ đang tìm mọi cách giảm liên quan đến quốc gia này.
Mua bán khí đốt thiên nhiên từng được Bắc Kinh coi là lĩnh vực có thể giúp cải thiện dễ dàng quan hệ hai nước do Mỹ có dự trữ dồi dào và nhu cầu năng lượng sạch của Trung Quốc cũng đang tăng vọt. Năm 2017, trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một trong những thương vụ lớn nhất được ký kết là Trung Quốc cấp vốn cho dự án khí đốt trị giá 43 triệu USD tại Alaska.
Tuy nhiên, theo Wang Yongzhong - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ý tưởng này đang được xem xét lại. "Trung Quốc có thể hạn chế lượng mua từ Mỹ chỉ vào khoảng 10-15% tổng lượng nhập khẩu, để đảm bảo an toàn về chuỗi cung ứng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nguồn cung nhiên liệu đột ngột bị cắt đứt, như trong trường hợp của Huawei?", ông nói.
Trung Quốc không phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm năng lượng từ Mỹ. Năm 2017, họ chỉ mua 6,3 tỷ USD khí thiên nhiên hóa lỏng và dầu thô Mỹ, tương đương 3,6% tổng nhập khẩu năng lượng. Với riêng khí đốt, tỷ lệ này là 4%.
Việc Mỹ nâng thuế với hàng Trung Quốc và đưa Huawei vào danh sách đen, hạn chế tiếp cận công nghệ Mỹ càng củng cố quan điểm lâu nay của Bắc Kinh, rằng họ phải dựa vào chính mình để phát triển công nghệ chủ chốt và khai thác tài nguyên.
Huawei đang làm việc với các nhà cung cấp ngoài Mỹ, để xác nhận liệu họ có thể tiếp tục bán hàng cho công ty mà không vi phạm lệnh cấm hay không. Mảng chip tự thiết kế của Huawei cũng đang kích hoạt kế hoạch dự phòng để đảm bảo không làm gián đoạn nguồn cung. Huawei còn phát triển hệ điều hành riêng cho smartphone và máy tính, sau khi Google thông báo ngừng cung cấp một số dịch vụ cho công ty này, theo lệnh cấm của Mỹ.
Nhiều học giả, nhà hoạch định chính sách và cả người dân Trung Quốc ngày càng tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đối đầu. Trong một bài phát biểu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến việc họ "bước vào một cuộc Vạn lý Trường chinh mới". Giới phân tích cho rằng đây là thông điệp Trung Quốc phải chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn về quan hệ ngoại giao.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Guancha.cn, Jin Canrong - Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng mục tiêu của Washington là "buộc Trung Quốc từ bỏ quá trình phát triển", chứ không phải là cân bằng thương mại song phương. Mei Xinyu - nhà nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc thì nhận xét bế tắc trong cuộc đàm phán hiện tại cũng tương tự diễn biến trong chiến tranh Triều Tiên thập niên 50. "Kể cả có đạt được thỏa thuận, ông Trump cũng có thể dễ dàng phá vỡ nó bất kỳ lúc nào", ông nói.
Mei cho rằng Bắc Kinh nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, để bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình tiến lên trên chuỗi giá trị thông qua phát triển công nghệ. "Nhìn từ tình hình hiện tại, chiến tranh thương mại sẽ là vấn đề trong dài hạn", Zhang Yongjun - nhà kinh tế học cấp cao tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc cho biết, "Để chiến đấu, Trung Quốc phải đẩy mạnh nhu cầu nội địa".
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD.
Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Căng thẳng hiện tiếp tục lên cao khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ.
Hà Thu (theo SCMP)