Ngày 24/7, tại TP HCM, Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bộ sách kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam (7/1/1979). Ba tác giả bộ sách gồm Đoàn Tuấn, Nguyễn Thành Nhân và Nguyễn Vũ Điền đều là những cựu binh.
Tiểu thuyết Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân) nói về chặng đường của Huy và Quân từ chàng sinh viên thành phố gầy gò trở thành người lính trầm lặng, trải đời. Trong hồi ký Rừng khộp mùa thay lá, tác giả Nguyễn Vũ Điền kể lại một đoạn đời của ông, khi là nam sinh đại học Tổng hợp Hà Nội đến nhập ngũ vào chiến trường K, chứng kiến nhiều đau thương, thiếu thốn lẫn sự phản bội. Bộ đôi tác phẩm Mùa linh cảm và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn là tập hợp những ghi chép về thói ăn, nếp ở, hoạt động tác chiến của người lính lẫn phong tục tập quán lạ lẫm trên nước bạn.
Các cây bút xúc động khi nhắc hồi ức tham chiến và nỗi ám ảnh trở về từ chiến tranh biên giới Tây Nam. Có ba năm chiến đấu tại Campuchia, thượng sĩ Nguyễn Thành Nhân kể ông và nhiều đồng đội từng sống hơn nửa năm trong rừng. "Lúc đó, ai cũng như người rừng, tóc dài như thổ phỉ, quần áo có khi cả tuần không giặt vì liên tục tốc chiến. Vào mùa khô, cả đại đội khổ sở vì Campuchia thiếu nước, những con suối cạn quạch. Cuộc sống khắc nghiệt quá nên tính tình ai cũng thay đổi. Từ những học sinh, sinh viên non nớt - qua năm tháng chiến đấu - họ trở nên sắt thép hơn sau bao phen thấy đồng đội ngã xuống", tác giả kể.
Với thiếu úy Đoàn Tuấn, dư âm ngày về sau chiến tranh là sự lạc lõng, chênh vênh vì cố hòa nhập cuộc sống cộng đồng. 5 năm đi bộ trong rừng biên giới, về nhà, ông và nhiều đồng đội quên cách đi xe đạp. Sống trong rừng, ngủ bằng võng, lều đã quen, ông lạ lẫm với giường và ngôi nhà chật chội. Đi trên đường, ông luống cuống vì nỗi ám ảnh giẫm bom mìn cứ thường trực. Trong giấc ngủ, tâm trí người lính vẫn văng vẳng tiếng súng bắn, bom rơi.
Có lần, một đồng đội cũ của ông ngủ mơ thấy lựu đạn ném xuống, liền giơ chân đạp theo quán tính và gãy ống xương chân. Có người đang ngủ, nghe tiếng pháo đám cưới trước nhà mà tưởng địch ném bom, vội chui xuống gầm giường. "Nỗi ám ảnh thật khủng khiếp. Đến nhà bố mẹ đồng đội, ông bà ôm chúng tôi, khóc: 'Sao cháu giống đứa con đã hy sinh của hai bác thế'. Rồi có người mẹ trước khi chết chỉ mong mang được hài cốt của con từ chiến trường trở về", Đoàn Tuấn cho biết.
Trong ba tác giả, thiếu tá Nguyễn Vũ Điền có thời gian tham chiến ngắn nhất - gần hai năm. Với ông, đó là hai năm "đáng sống nhất trong đời". Tác giả cho biết ngày đó, ông đang chiến đấu thì nhận được lệnh đi học tại trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp. Trở về cuộc sống sinh viên, ông khổ sở vì cảm giác gò bó. Ông học cách đi ngủ phải đặt giày vuông góc, phơi cái khăn, cái áo chỉnh tề như thế nào, tới giờ ăn phải xếp hàng ra sao... "Sống trong chiến trường, chúng tôi chỉ biết đến sự sống - cái chết, học cách sinh tồn và chiến đấu từ tiếng súng, phát đạn của địch", ông cho biết.
Các tác phẩm đều ca ngợi điều vô giá nhất của cuộc đời quân ngũ - tình đồng đội. Họ chia nhau ngụm nước, điếu thuốc và cả di nguyện của người nằm xuống. Sau chiến tranh, họ không quên trở lại chiến trường tìm hài cốt đồng đội để làm yên lòng người đã khuất. "Chiến tranh dẫu nhiều đau thương, nhưng cũng giúp chúng tôi học được những điều tốt đẹp. Trở về từ chiến trường, chúng tôi học được cách vô nhiễm với những điều xấu xí, sống sao cho xứng đáng với người nằm xuống", Đoàn Tuấn cho biết.
Ngoài bộ sách, đơn vị phát hành còn giới thiệu các tên sách cùng chủ đề nhân 40 năm chiến thắng bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979): Những mùa xuân con không về (Nhiều tác giả), Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến), Mình và Họ (Nguyễn Bình Phương)...
Mai Nhật