Hôm qua, khi mặt trời khuất dạng đằng sau những bức tường đỏ của Tử Cấm Thành, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania lúc này đang cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện xem kinh kịch tại cung điện mà các đời hoàng đế Trung Quốc từng sống suốt gần 6 thế kỷ. Buổi thưởng thức âm nhạc diễn ra sau khi vợ chồng Tổng thống Mỹ vừa có nửa ngày tham quan Tử Cấm Thành và được đích thân Chủ tịch Tập và phu nhân dẫn.
Đây là khởi đầu cho cái mà đại sứ Trung Quốc tại Mỹ gọi bằng cụm từ "chuyến thăm cấp nhà nước cộng" nhằm đề cao mối quan hệ nồng ấm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập, theo NPR.
Trải thảm đỏ
"Trung Quốc đang đón tiếp ông Trump gần giống như cách Quốc vương Arab Saudi đã làm", nhà quan sát Shi Yinhong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận xét.
Tổng thống Trump xem kinh kịch ở Tử Cấm Thành.
"Trải thảm đỏ" đón tiếp Tổng thống Mỹ, tạo cơ hội để ông Trump làm khăng khít hơn mối quan hệ với lãnh đạo Trung Quốc dường như chỉ là một trong nhiều chiến lược mà Bắc Kinh đề ra nhằm "quyến rũ" người đứng đầu nước Mỹ, đồng thời bảo vệ mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất thế giới, giới phân tích nhận định.
"Tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng phương pháp của ta đã thành công tương đối", nhà bình luận Wu Xinbo từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, nói. Ông nhấn mạnh ít nhất lãnh đạo hai nước "đã thiết lập được một mối quan hệ công việc tốt đẹp".
Tuy nhiên, khởi đầu mối quan hệ Trump - Tập không hề suôn sẻ. Ông Trump từng cảnh báo sẽ từ bỏ chính sách "Một Trung Quốc" nếu không thể thỏa thuận với Bắc Kinh trước một số vấn đề, bao gồm cả thương mại. Tổng thống Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ và đe dọa trừng phạt Bắc Kinh vì hành động này. Dù vậy, đến nay, chưa lời đe dọa nào từ Tổng thống Mỹ trở thành hiện thực.
Cui Liru từ Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc đánh giá Bắc Kinh đang xử lý hợp lý các thách thức.
"Trung Quốc phải hiểu rằng ông Trump cần hiểu thêm về Trung Quốc", Cui nói. "Trong quá trình ấy, chúng ta phải giữ bình tĩnh và kiên nhẫn".
Theo ông Cui, các lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra rằng ông Trump thực sự không hứng thú với việc thay đổi hiện trạng mối quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan. Ông chủ Nhà Trắng có lẽ chỉ muốn thông qua Đài Loan để giành lợi thế trước Trung Quốc trên bàn đàm phán thương mại.
Về vấn đề thao túng tiền tệ, Cui cho rằng đây giống như cách Tổng thống Trump thừa nhận đồng tiền của Trung Quốc đang gia tăng giá trị.
Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ đến nay đã có hai lần gặp mặt trực tiếp và 9 lần nói chuyện qua điện thoại. Ông Trump thậm chí còn ca ngợi ông Tập là "một người rất tốt".
Chủ tịch Trung Quốc và phu nhân đưa vợ chồng Tổng thống Mỹ tham quan Tử Cấm Thành.
Nhưng theo nhà bình luận Wu từ Đại học Phục Đán, dù mối quan hệ có chiều hướng tốt đẹp dần lên, Bắc Kinh vẫn không chắc chắn họ sẽ phải đối diện với một Tổng thống Trump như thế nào. Vì vậy, "trải thảm đỏ" đón tiếp ông chủ Nhà Trắng tới thăm là lựa chọn an toàn hơn cả đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh bên cạnh đó đã đưa ra một số thỏa hiệp với ông Trump về thương mại, chẳng hạn như tăng nhập khẩu từ Mỹ. Song giáo sư Chu Shulong từ Đại học Thanh Hoa đánh giá việc làm trên cũng là điều mà Trung Quốc mong muốn.
"Trung Quốc cần nhập những mặt hàng nông nghiệp, máy bay và các sản phẩm khác từ Mỹ", ông Chu nói. "Trung Quốc còn muốn nhập cả những thiết bị công nghệ cao nhưng Mỹ không muốn bán".
Chu cho biết hiện tại ông lạc quan về mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập. "Nhưng nó hoàn toàn có thể thay đổi", ông lưu ý. "Các nhà lãnh đạo cần đặt lợi ích quốc gia và chương trình nghị sự của họ lên hàng đầu, không phải các mối quan hệ cá nhân".
Nhà quan sát Shi Yinhong lại tỏ ra bi quan hơn. Ông dự đoán không khí nồng ấm có thể biến mất chỉ trong khoảng hai đến ba tháng.
Vũ Hoàng