Cuối thập niên 1950, Washington và Đài Bắc bắt đầu tiến hành chương trình trinh sát tối mật mang tên "Soft Touch" nhằm theo dõi dự án hạt nhân của Bắc Kinh. Để tiếp cận các địa điểm nằm sâu trong đất liền ở tây bắc Trung Quốc đại lục, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tuyển chọn và đào tạo hàng loạt phi công Đài Loan để lái trinh sát cơ U-2.
"Trinh sát cơ U-2 thường xuyên bay qua không phận Trung Quốc kể từ năm 1957 để do thám những mục tiêu trong lãnh thổ Liên Xô. Trung Quốc trở thành mục tiêu do thám kể từ khi Washington biết Moskva đang hỗ trợ Bắc Kinh phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo", Dino A. Brugioni, sĩ quan cấp cao tại Trung tâm Giải mã Hình ảnh Quốc gia (NIPC) thuộc CIA, cho biết.
Brugioni cho biết máy bay trinh sát và vệ tinh là nguồn cung cấp dữ liệu tình báo chủ đạo về các cơ sở tên lửa và hạt nhân Trung Quốc vì gần như không có thông tin công khai vào thời điểm đó. "Ở mức độ nào đó, Trung Quốc đặt ra thách thức còn lớn hơn cả Liên Xô vì chúng tôi có quá ít thông tin để xác thực về những gì đang diễn ra", ông nói.
Các phi công Đài Loan được đưa đến Mỹ để huấn luyện bay cùng trinh sát cơ U-2 từ tháng 3/1959, trong khi các chuyến bay qua không phận Trung Quốc đại lục vẫn được điều khiển hoàn toàn bởi phi công Mỹ. Điều này thay đổi sau khi Liên Xô bắn rơi máy bay U-2 do phi công Gary Powers lái ngày 1/5/1960. Chỉ 5 ngày sau, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đồng ý bán một phi đội U-2 cho Đài Loan.
Với sự hỗ trợ từ CIA, đơn vị U-2 hỗn hợp Mỹ - Đài được thành lập năm 1959 với tên gọi Phi đoàn số 35 "Hắc Miêu", bắt đầu bay trinh sát lãnh thổ Trung Quốc đại lục từ năm 1962. Trong giai đoạn đầu, các chuyến bay do thám diễn ra rất thuận lợi do quân đội Trung Quốc không đủ khả năng bắn hạ những chiếc U-2.
"Máy bay U-2 thường trinh sát vào ban ngày. Chúng tôi cố gắng tấn công chúng nhưng không thể vươn tới độ cao của trinh sát cơ Mỹ. Tiêm kích MiG-17 chỉ có trần bay tối đa 16.000 m, trong khi U-2 bay ở độ cao trên 20.000 m. Chúng tôi có thể phát hiện chúng xâm nhập không phận nhưng không làm được gì", một phi công Trung Quốc họ Han tiết lộ về những lần đối đầu với U-2 khi đó.
Trung Quốc sau đó từ bỏ nỗ lực điều tiêm kích đánh chặn, bắt đầu triển khai và ngụy trang hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina gần các cơ sở hạt nhân. Chiến thuật này phát huy hiệu quả, khiến phi đoàn Hắc Miêu hứng chịu thiệt hại đầu tiên ngày 9/9/1962.
Phòng không Trung Quốc hôm đó đã khai hỏa tên lửa S-75, bắn hạ một chiếc U-2 gần thành phố Nam Xương, phi công điều khiển Chen Huai thiệt mạng trong một bệnh viện quân đội Trung Quốc vì vết thương quá nặng. Washington bác bỏ cáo buộc liên quan đến chuyến bay, dù trong thực tế những chiếc U-2 của phi đoàn Hắc Miêu đều do Mỹ sản xuất, được nhân viên CIA bảo dưỡng và thay thế nếu cần.
"S-75 là tên lửa có tầm bắn hạn chế. Để bắn trúng chiếc U-2 ở độ cao hành trình, quả đạn phải được phóng gần như ngay dưới đường bay của nó. Trung Quốc khi đó chỉ có 4 tiểu đoàn tên lửa đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu, lại không có sự chi viện từ Liên Xô", Han tiết lộ.
Sự thiếu thốn buộc Trung Quốc áp dụng chiến thuật du kích để đánh chặn máy bay U-2. Các bệ phóng tên lửa được gắn cố định trên xe tải nhằm tăng khả năng cơ động. Do nắm được các mục tiêu ưu tiên của đối phương, Trung Quốc bố trí tên lửa phòng không quanh khu vực đó và chỉ khai hỏa khi chiếc U-2 tiến vào phạm vi 15 km.
Các kíp phòng không Trung Quốc cũng áp dụng nhiều biện pháp để ẩn mình như ngụy trang trận địa, không bật radar điều khiển hỏa lực cho tới khi mục tiêu vào tầm bắn. "U-2 có khả năng cơ động rất kém. Khi nó vào tầm bắn, chúng tôi sẽ bất ngờ bật radar và khai hỏa. Phi công U-2 gần như không thể phản ứng kịp", Han nói thêm.
Yêu cầu thăm dò chương trình hạt nhân của Trung Quốc đòi hỏi Washington và đảo Đài Loan tăng cường hoạt động do thám, trong bối cảnh Bắc Kinh triển khai thêm hàng loạt trận địa S-75 và đe dọa những chuyến bay U-2. Thêm hai phi cơ bị bắn hạ ngày 1/11/1963 và 7/7/1964, khiến Đài Loan yêu cầu Mỹ lắp hệ thống tác chiến điện tử mạnh hơn cho máy bay U-2 của Hắc Miêu.
Những chiếc U-2 thời điểm đó có hệ thống cảnh báo radar chiếu xạ System XII, nhưng không mang bộ gây nhiễu hiện đại System XIII do Mỹ lo ngại chúng rơi vào tay Trung Quốc. Nhu cầu do thám tăng cao khiến Bộ quốc phòng Mỹ sau đó đồng ý lắp System XIII, nhưng yêu cầu phi công Đài Loan không khởi động chúng cho đến khi phát hiện mình bị radar tổ hợp S-75 bám bắt.
Thêm một chiếc U-2 bị rơi trong tình huống được giữ bí mật hơn 50 năm, khiến Đài Loan từ chối tiến hành do thám Trung Quốc đại lục trừ khi phi công được kích hoạt System XIII trong toàn bộ chuyến bay. Tuy nhiên, biện pháp này cũng không thực sự hiệu quả trước chiến thuật tắt radar ẩn mình của lực lượng phòng không Trung Quốc.
Mỹ quyết định dừng hoạt động do thám trên bầu trời Trung Quốc từ năm 1968, nhưng trinh sát cơ U-2 Đài Loan vẫn tiếp tục hoạt động do thám những khu vực cách đại lục trên 40 km cho đến năm 1974, thời điểm quan hệ Bắc Kinh - Washington được cải thiện rõ rệt và Phi đoàn Hắc Miêu bị giải thể.
Trong 15 năm hoạt động, Phi đoàn Hắc Miêu được biên chế tổng cộng 19 chiếc U-2 và thực hiện 220 nhiệm vụ, một nửa trong số này là trên bầu trời Trung Quốc đại lục.
Phi đoàn này hứng chịu nhiều thiệt hại với 5 máy bay bị bắn rơi, khiến 3 phi công thiệt mạng và hai người bị bắt. Một máy bay cũng bị phá hủy khi làm nhiệm vụ ngoài khơi bờ biển đại lục khiến phi công thiệt mạng. 7 chiếc bị rơi khi huấn luyện, làm 6 phi công thiệt mạng.
Ngày 29/7/1974, hai phi cơ U-2 cuối cùng trong biên chế lực lượng phòng vệ Đài Loan cất cánh từ căn cứ Đào Viên đến sân bay quân sự Edwards ở bang California để bàn giao lại cho không quân Mỹ.
Duy Sơn (Theo UPI)