"Khi chúng tôi bắt đầu nã đạn chùm, lính Nga biến mất dưới những nơi trú ẩn chắc chắn. Họ không dám ra ngoài", Stanislav, một sĩ quan Ukraine tại vị trí cách tiền tuyến vài km, kể lại.
Đơn vị pháo binh của Stanislav nhận đạn chùm do Mỹ viện trợ vài tuần trước, sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo viện trợ loại đạn gây tranh cãi này.
Một số tổ chức quốc tế nhận định quyết định viện trợ đạn chùm cho Ukraine của Mỹ là "rất đáng lo ngại". Đức, Pháp, Hà Lan, Canada và một số thành viên NATO khác công khai phản đối động thái trên với lý do đạn chùm có thể gây thương vong cho dân thường.
Trong khi đó, Ukraine bày tỏ thái độ tích cực. "Loại đạn này giúp chúng tôi tăng đáng kể thiệt hại về thiết bị và nhân lực của Nga", Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, tuyên bố.
Các binh sĩ Ukraine nhận định những quả đạn con trong đạn chùm khó gây thương tích cho lính Nga ẩn nấp trong công sự, song trở thành mối đe dọa khi họ tiến vào vị trí đối phương trên khu vực trống trải. "Lợi thế lớn nhất là đối phương giờ rất sợ tiến công", Stanislav nói.
Khi phát hiện đối phương sử dụng đạn chùm, các đơn vị Nga trong đợt tiến công với thiết giáp dừng lại để quân nhân tìm chỗ ẩn nấp. "Họ thậm chí nhận ra đạn chùm bằng tiếng rít của chúng", Stanislav cho biết.
Đạn chùm được đánh giá đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Nga đẩy mạnh tiến công theo hướng Lyman, tỉnh Donetsk và Kupyansk, tỉnh Kharkov. Nga mở mũi tiến công này để kéo căng lực lượng Ukraine, buộc họ dồn quân về bảo vệ các đô thị ở miền đông trong lúc Ukraine cần lực lượng cho đợt phản công ở miền nam.
Thành viên một đơn vị pháo binh Ukraine tại khu vực đông bắc kể lại trận tập kích hồi cuối tháng 7 nhằm vào một đoàn xe của Nga, gồm hai thiết giáp và một xe cơ giới thông thường, sau khi máy bay không người lái (UAV) phát hiện chúng.
Một binh sĩ Ukraine cho biết những quả đạn con đập vào thiết giáp Nga rồi văng ra mà không gây thiệt hại, song xuyên thủng chiếc xe cơ giới không có giáp. Điều này khiến lính Nga "hoảng sợ rồi rút lui theo các hướng khác nhau".
Ở các khu vực khác tại miền nam và miền đông, gần các thành phố như Ugledar thuộc tỉnh Donetsk, các đơn vị pháo binh Ukraine sử dụng lựu pháo M777 để khai hỏa đạn chùm.
Trong chiến dịch phản công, lực lượng Ukraine dùng đạn chùm tập kích những khu rừng rậm rạp, nơi họ không thể xác định chính xác vị trí của lực lượng Nga. Chiến thuật này nhằm tấn công các loại phương tiện cơ giới không bọc thép, đồng thời buộc lính Nga phải ẩn nấp trong công sự và không thể bắn trả.
Các binh sĩ Ukraine cho biết đạn chùm giúp họ áp sát công sự của Nga do đối phương vẫn ẩn nấp trong công sự. "Họ không dám ra ngoài khi khu vực bị nã đạn chùm", một binh sĩ Ukraine khẳng định.
Lực lượng Ukraine còn áp dụng chiến thuật khác nhằm đẩy bộ binh Nga ra khỏi công sự. Pháo binh Ukraine ban đầu dùng loại đạn với sức công phá mạnh hơn, sau đó chuyển sang nã đạn chùm khi lính Nga ra ngoài. "Điều này phụ thuộc vào mục tiêu", một binh sĩ Ukraine cho biết.
Đạn chùm mang lại một số lợi thế về mặt quân sự, cũng như giúp ích cho lực lượng Ukraine trong thời điểm họ cần thêm đạn để mở rộng phạm vi chiến dịch phản công. Các chuyên gia quân sự phương Tây cho biết từ khi bắt đầu chiến dịch phản công vào tháng 6, pháo binh Ukraine tăng lượng đạn tiêu thụ từ 3.000-5.000 lên 8.000 viên mỗi ngày.
Nếu không có đạn chùm từ Mỹ, Ukraine khó có thể duy trì cuộc phản công đủ lâu để giành lại những khu vực quan trọng, các chuyên gia phương Tây nhận định.
Robert Lee, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết "Ukraine đang nã nhiều đạn hơn bình thường, đặt ra câu hỏi lớn là liệu họ có thể làm được điều này bao lâu trước khi cạn đạn và phải thu hẹp quy mô chiến dịch?".
Các chuyên gia quân sự phương Tây còn đặt ra câu hỏi liệu sử dụng đạn chùm ở những khu vực mà lực lượng Ukraine định tiến công có phải quyết định khôn ngoan hay không, do những quả đạn con chưa nổ có thể là mối đe dọa đối với chính họ.
Tuy nhiên, các quan chức và binh sĩ Ukraine hạ thấp mối đe dọa này. Họ cho biết quân đội Ukraine đang nhích từng bước qua các bãi mìn và bẫy mìn của lực lượng Nga, do đó đạn con chưa nổ chỉ gây thêm rủi ro nhỏ.
"Tiến trình rà phá bom mìn chưa nổ sẽ đòi hỏi nỗ lực rất lớn, không phải do đạn chùm của Mỹ mà vì số lượng mìn khổng lồ mà đối phương cài", Andriy Besedin, lãnh đạo cơ quan quân sự của Ukraine tại thành phố Kupyansk thuộc tỉnh Kharkov, nhận định.
Nguyễn Tiến (Theo WP)