Liên minh châu Âu (EU) tuần trước đạt đồng thuận về gói viện trợ khoảng 54 tỷ USD cho Ukraine trong vòng 4 năm, sau nhiều tuần bế tắc vì vấp phải sự phản đối quyết liệt của Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Trong khi ông Orban tuyên bố đạt được mục tiêu chính trị với thỏa thuận này, giới phân tích cho rằng chiến thuật "vừa đấm vừa xoa" mà nhóm ủng hộ Ukraine tại EU áp dụng với Hungary đã giúp họ trở thành bên giành phần thắng.
EU hồi tháng 12 năm ngoái nhất trí về gói viện trợ này cho Ukraine và quyết định cấp tư cách ứng viên cho Kiev, điều mà Thủ tướng Orban miễn cưỡng chấp nhận. Tuy nhiên, ông Orban, người có quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã tức giận trước quyết định từ Ủy ban châu Âu về việc chặn Hungary tiếp cận một số quỹ của khối, do lo ngại những rủi ro tiềm tàng đối với ngân sách EU.
Để phản ứng, Orban đã phủ quyết một số vấn đề tại EU, trong đó có gói viện trợ cho Ukraine. Ông duy trì quan điểm này trong suốt nhiều tháng qua, bất chấp nỗ lực thuyết phục của các nước thành viên EU.
Tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của các lãnh đạo EU ở Brussels, Bỉ hôm 1/2, các nước đã nhượng bộ trước Hungary bằng cách nhất trí bổ sung một số điều khoản vào dự thảo gói viện trợ Ukraine.
Theo đó, Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, có nhiệm vụ trình báo cáo thường niên về triển khai viện trợ cho Ukraine. Thỏa thuận này sẽ được lãnh đạo chính phủ 27 nước thành viên EU xem xét, tranh luận hàng năm trong vòng 4 năm tiếp theo.
Sau hai năm, Hội đồng châu Âu, cơ quan tham gia lập pháp EU, có quyền yêu cầu Ủy ban châu Âu đánh giá và đề xuất điều chỉnh gói viện trợ nếu cảm thấy cần thiết.
Những điều khoản bổ sung này thoạt đầu tạo ấn tượng gói viện trợ của EU dành cho Ukraine chịu nhiều ràng buộc. Song, theo những nguồn tin ngoại giao tiết lộ với DW của Đức, cơ chế kiểm soát bổ sung chỉ là hành động mang tính biểu tượng.
"Các điều khoản nhượng bộ này khiến Hungary không thể đe dọa phủ quyết gói viện trợ cho Ukraine trong các cuộc họp mỗi năm. Thỏa thuận vẫn chừa đường để Budapest thể hiện vai trò của mình trong tương lai, nhưng thực chất đã giảm thiểu nguy cơ gói viện trợ bị xét lại", James Batchik, phó giám đốc Trung tâm châu Âu thuộc tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương tại Mỹ, bình luận.
Batchik cho rằng cuộc giằng co giữa ông Orban và các lãnh đạo châu Âu về viện trợ cho Ukraine đã cho thấy Thủ tướng Hungary đang ngày càng lạc lõng trong tầm nhìn chung của EU. Toàn bộ 26 thành viên còn lại trong khối đã kiên trì lập trường rằng "an ninh của Ukraine là an ninh cho toàn châu Âu" trong suốt quá trình đàm phán để tháo gỡ trở ngại do Hungary dựng lên.
Không chỉ nhượng bộ ông Orban với một số điều khoản mang tính biểu tượng, các lãnh đạo EU còn tìm ra cách gây sức ép với Hungary, bằng cách xoáy sâu vào quỹ hỗ trợ mà khối có thể cấp cho Budapest.
EU từ tháng 12/2020 đã phong tỏa khoảng 21,64 tỷ USD quỹ hỗ trợ phát triển cho Hungary, sau khi bày tỏ lo ngại về thiết chế dân chủ và tình trạng tham nhũng tại nước này.
Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh quốc gia Hungary cuối năm 2023, Thủ tướng Orban thừa nhận ông chỉ ngừng chặn viện trợ cho Ukraine nếu Bussels gỡ phong tỏa các quỹ hỗ trợ nước mình.
Ông cũng lập luận rằng gói viện trợ cho Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và tài chính Hungary, nhấn mạnh rằng những thành viên EU kiên quyết hỗ trợ Ukraine nên "tự bỏ tiền túi", thay vì buộc người Hungary san sẻ gánh nặng.
"Đây là cơ hội tốt cho Hungary giành lấy những gì chúng ta xứng đáng được nhận. Chúng ta muốn được đối xử công bằng và đây là cơ hội tốt để khẳng định điều đó", ông nói.
Trước quan điểm đó của ông Orban, hội nghị thượng đỉnh EU đã nhấn mạnh Ủy ban châu Âu "cần khách quan, công bằng, không thiên vị và đánh giá dựa trên thực tế tình hình", đồng thời cam kết "không phân biệt đối xử" khi kích hoạt cơ chế chặn viện trợ cho các nước thành viên.
Thông điệp này "như rót mật vào tai" ông Orban, vì nó có thể nới lỏng cơ chế kiểm soát hàng chục tỷ USD viện trợ cho nước này, theo các bình luận viên của Politico.
Theo Gergely Rajnai, chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích Chính trị Công bình tại Budapest, nỗ lực cản trở gói viện trợ EU cho Ukraine của ông Orban thực chất là chiến thuật gây sức ép đàm phán với khối.
Hungary duy trì lập trường trung lập về chiến sự tại Ukraine, đồng thời không muốn chọn phe giữa phương Tây và Moskva. Do đó, Budapest giằng co với Brussels những tháng qua, thậm chí đe dọa dùng quyền phủ quyết gói viện trợ Ukraine, chủ yếu để đòi thêm quyền lợi cho chính mình.
Rajnai lưu ý rằng Thủ tướng Orban gần như luôn dùng đến chiến thuật này mỗi khi EU cần đưa ra quyết định đòi hỏi đồng thuận giữa 27 nước thành viên.
"Chính phủ Hungary nhân cơ hội này muốn thuyết phục EU chấp nhận đánh giá lại quyết định phong tỏa viện trợ trước đây và đưa ra kết luận có lợi hơn", chuyên gia tại Budapest bình luận. "Chiến thuật này đã mang về một số kết quả thực tế".
Đây là lý do Thủ tướng Orban xem thỏa thuận tại Brussels là thắng lợi chính trị của mình. Ông viết trên mạng xã hội X rằng đã "hoàn thành nhiệm vụ" khi "đạt được một cơ chế kiểm soát" gói viện trợ trong hai năm đầu, đồng thời tuyên bố Hungary đã "đấu tranh thành công" và tiếp tục giữ lập trường hòa bình khi không gửi tiền hay vũ khí cho Ukraine.
Dù vậy, các nhà ngoại giao EU tin rằng những nhượng bộ mà Brussels đưa ra với Hungary là không đáng kể. Tuyên bố của các lãnh đạo EU cũng không lập tức tái khởi động chương trình viện trợ cho Hungary.
Ông Orban vẫn hài lòng với lời hứa hẹn từ các lãnh đạo châu Âu vì không muốn đẩy căng thẳng đi quá xa, đặc biệt khi nhiều thành viên EU đã công khai cảnh cáo họ sẽ không tiếp tục làm ngơ trước sự thiếu hợp tác từ Hungary.
"Chúng ta không cảm thấy mệt mỏi vì Ukraine, nhưng chúng ta lúc này đã rất mệt mỏi với ông Orban. Châu Âu cần đoàn kết ủng hộ Ukraine", Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cảnh báo người đồng cấp Hungary trong bài phát biểu trước thềm cuộc họp tuần trước.
Theo một số nhà ngoại giao EU, các nước thành viên thậm chí sẵn sàng tăng sức ép với Hungary bằng cách đe dọa tước một số quyền bỏ phiếu của Budapest, hoặc gạt nước này ra rìa, thông qua một tuyên bố đặc biệt viện trợ cho Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng liên tục họp riêng với ông Orban để vừa gây sức ép, vừa thuyết phục lãnh đạo Hungary hợp tác.
Giới ngoại giao cùng quan chức EU cho rằng sau những lời vừa thuyết phục vừa đe dọa mà các lãnh đạo Ba Lan, Đức, Pháp và Italy đưa ra, ông Orban buộc phải chấp nhận thông qua gói viện trợ cho Ukraine, tránh đẩy Budapest vào khủng hoảng chính trị thật sự với Brussels.
"Hungary cần châu Âu. Ông Orban cần suy nghĩ kỹ về thực tế Hungary đang hưởng lợi thế nào khi được quyền đứng trong cộng đồng châu Âu", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nhắn nhủ người đồng cấp Hungary.
Thanh Danh (Theo Politico, Al Jazeera, WSJ, Atlantic Council)