Kết quả bầu cử giữa kỳ Mỹ đã phần nào được định đoạt, khi đảng Dân chủ bảo vệ được quyền kiểm soát Thượng viện. Dù cuộc đua ở Hạ viện chưa ngã ngũ, phe Cộng hòa nhiều khả năng sẽ giành thế đa số, nhưng với cách biệt rất mong manh.
Với kết quả này, "sóng đỏ khổng lồ" mà cựu tổng thống Donald Trump và nhiều người Cộng hòa kỳ vọng trước thềm bầu cử đã không xảy ra. Giới quan sát cho rằng một trong những lý do giúp Dân chủ dập tắt "sóng đỏ" của Cộng hòa là nhờ đặt cược vào chiến thuật "giúp đỡ" các ứng viên cực đoan hoặc những người có liên hệ chặt chẽ với ông Trump.
Washington Post hồi tháng 9 đưa tin các ủy ban hành động chính trị (PAC) và nhóm vận động của đảng Dân chủ đã chi hàng chục triệu USD tại ít nhất 7 bang để quảng bá cho các ứng viên Cộng hòa có quan điểm cực đoan về quyền phá thai và những người ủng hộ thuyết âm mưu về "gian lận bầu cử" trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Đảng Dân chủ và các đồng minh đã chi ít nhất 19 triệu USD quảng bá cho các ứng viên cực đoan của đảng Cộng hòa trong 12 cuộc đua ở vòng bầu cử sơ bộ, trong đó có hai ghế thượng nghị sĩ và 5 ghế hạ nghị sĩ.
Chiến thuật của đảng Dân chủ là thuyết phục cử tri Cộng hòa đề cử các ứng viên cực đoan nhất của họ trong vòng bầu cử sơ bộ. Phe Dân chủ hy vọng rằng khi bước vào bầu cử giữa kỳ, cử tri dao động sẽ không chấp nhận các ứng viên có quan điểm cực đoan này và sẽ quyết định bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ.
Chiến thuật của Dân chủ có ba mũi, gồm gắn hình ảnh ứng viên Cộng hòa cực đoan với phong trào MAGA (Làm nước Mỹ Vĩ đại Trở lại) của ông Trump, công kích các ứng viên ôn hòa hơn, đồng thời tung ra các quảng cáo nhằm xây dựng hình ảnh "rất bảo thủ" cho các ứng viên Cộng hòa cực đoan.
Đây không phải chiến thuật mới. Cựu thượng nghị sĩ Missouri Claire McCaskill từng sử dụng cách tiếp cận này rất hiệu quả trong cuộc đua năm 2012. Bà quảng bá hạ nghị sĩ Todd Akin của đảng Cộng hòa là "quá bảo thủ", xoáy sâu vào tuyên bố Akin từng đưa ra rằng tổng thống Barack Obama là "mối đe dọa đối với nền văn minh" của Mỹ.
Akin sau đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, nhưng nhanh chóng nhấn chìm chiến dịch tranh cử của mình với quan điểm chống phá thai cực đoan. Akin dần trở nên nhạt nhòa trên chính trường, trước khi qua đời năm ngoái.
Trong hơn nửa số cuộc đua tại vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, các nhóm Dân chủ đã đầu tư tài chính rất nhiều cho các ứng viên cực đoan mà họ hy vọng sẽ là đối thủ trong bầu cử giữa kỳ.
Ngoài tung tiền quảng bá hình ảnh cho đối thủ, phe Dân chủ cũng cố gắng tác động tới Trump để ông lên tiếng ủng hộ các ứng viên có quan điểm cực đoan, hoặc công kích những ứng viên ôn hòa bị cựu tổng thống cho là không đủ trung thành.
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã cho rằng đây sẽ là cuộc bầu cử rất khó khăn, nên chúng tôi phải cố gắng loại bỏ đối thủ của mình", Christie Roberts, giám đốc điều hành Ủy ban Chiến dịch Tranh cử Thượng viện đảng Dân chủ, nói.
Giới quan sát cho rằng chiến thuật của Dân chủ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nếu tính toán sai, họ có thể góp sức đưa các ứng viên cực đoan của đảng Cộng hòa trở thành thống đốc hoặc nghị sĩ, thượng nghị sĩ. Khi thua cuộc, những ứng viên cực đoan mà họ quảng bá có thể gây tranh cãi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử, khiến nền dân chủ Mỹ bị đe dọa hơn nữa.
Nhưng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay, chiến thuật này dường như đã thu được kết quả. Hầu hết ứng viên Cộng hòa cực đoan được phe Dân chủ ủng hộ đã giành chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ để trở thành đại diện của đảng ra tranh cử, nhưng để thua khi đối đầu với đối thủ Dân chủ.
Hồi tháng 6, Ủy ban Chiến dịch Quốc gia đảng Dân chủ quảng bá cho John Gibbs, người cạnh tranh ghế nghị sĩ Michigan với Peter Meijer, một trong 10 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu luận tội Trump sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol. Ủy ban đã đầu tư quảng cáo cho thấy Gibbs ủng hộ "giáo dục lòng yêu nước" và sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự bảo thủ của Trump.
"Chương trình nghị sự Gibbs - Trump rất bảo thủ với Tây Michigan", quảng cáo cho hay.
Gibbs đã giành chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, nhưng thua trước ứng viên Dân chủ Hillary Scholten với cách biệt khoảng 13 điểm phần trăm.
Hiệp hội Thống đốc Dân chủ cũng chi hàng trăm nghìn USD ở Maryland để thúc đẩy hình ảnh của ứng viên thống đốc phe Cộng hòa Dan Cox, người từng tham gia tổ chức cuộc tuần hành của đám đông bạo loạn Đồi Capitol và gọi phó tổng thống Mike Pence khi đó là "kẻ phản bội". Cox đã thua ứng viên Dân chủ Wes Moore khoảng 23 điểm phần trăm.
Chiến thuật tương tự cũng được áp dụng trong cuộc đua ở Illinois. Tỷ phú kiêm Thống đốc Illinois J.B. Pritzker tự bỏ ra 9,5 triệu USD, cộng với 25 triệu USD từ Hiệp hội Thống đốc Dân chủ, để thúc đẩy hình ảnh của Darren Bailey, ứng viên được Trump hậu thuẫn, giúp ông này thắng trong mùa bầu cử sơ bộ.
Pritzker sau đó thắng Bailey trong bầu cử giữa kỳ với cách biệt 11 điểm phần trăm để đảm bảo nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Tại New Hampshire, các nhóm liên kết với đảng Dân chủ đã quảng bá hình ảnh ứng viên thượng nghị sĩ Cộng hòa Dan Bolduc và ứng viên hạ viện Robert Burns. Cả hai đều giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ, nhưng thua trong bầu cử giữa kỳ.
Tuy nhiên, không phải lúc nào đảng Dân chủ cũng thành công với chiến thuật này. Tại khu vực bầu cử 22 của California, một nhóm hành động chính trị của đảng Dân chủ đã tung ra các quảng cáo nhằm làm suy yếu hạ nghị sĩ ôn hòa David Valadao của đảng Cộng hòa, người đã bỏ phiếu luận tội Trump sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol.
Các quảng cáo gọi đối thủ Cộng hòa Chris Mathys của ông, người từng chỉ trích Valadao vì lá phiếu đó, là "người bảo thủ thực sự" và "100% ủng hộ Trump". Tuy nhiên, Valadao đã giành chiến thắng bầu cử sơ bộ và hiện dẫn trước đối thủ Dân chủ Salas khoảng 5%.
Chiến lược của đảng Dân chủ "tiềm ẩn rủi ro lớn, nhưng phần thưởng cũng cao", theo Jim Kessler, phó chủ tịch điều hành chính sách tại Thir Way, tổ chức tư vấn trung tả ở Washington.
Kessler cho rằng dù không phải lúc nào đảng Dân chủ cũng thành công trong nỗ lực thuyết phục cử tri Cộng hòa chấp nhận các ứng viên cực đoan, họ dường như đã thắng lớn trong bầu cử giữa kỳ với chiến thuật này.
Thanh Tâm (Theo Vox, LA Times)