Ngày 6/4/1917, lo ngại Đức giành chiến thắng trong Thế chiến I tại châu Âu, Mỹ tuyên chiến với Đức và triển khai lực lượng tham chiến cùng phe Hiệp ước chống lại phe Liên minh.
Ở thời điểm Mỹ tung phi công vào cuộc chiến, những đối thủ của họ trong phe Liên minh gồm Đức, Áo - Hung và Italy đã có nhiều năm kinh nghiệm không chiến. Ngoài ra, các máy bay của phe Hiệp ước, đặc biệt là mẫu Nieuport 28 được Mỹ mua từ Pháp, có khả năng tác chiến kém xa phi cơ Đức.
Dù bán Nieuport 28 cho Mỹ, không quân Pháp lại từ chối biên chế mẫu máy bay hai tầng cánh này vì hàng loạt hạn chế. Động cơ của nó chạy bằng dầu thầu dầu, khí xả phun thẳng vào mặt phi công khiến họ khó quan sát xung quanh và dễ mệt mỏi.
Nieuport 28 có thể lượn vòng hẹp trong mặt phẳng ngang, nhưng phi công không thể bổ nhào rồi đột ngột vọt lên, vốn là phương pháp né tránh hỏa lực phổ biến trong chiến đấu thời kỳ đó.
Các động tác chiến đấu cơ bản cũng có thể khiến máy bay vỡ nát. Vì vậy, các phi công Mỹ phải tìm kiếm những phương pháp điều khiển mới để bảo toàn mạng sống và khí tài, trong đó có chiến thuật "giả chết" dựa vào những động tác cơ động liều lĩnh nhưng hiệu quả.
Kỹ thuật giả chết không quá phức tạp. Trong các trận đánh bình thường, phi công có thể phạm sai lầm, khiến máy bay bị thất tốc và rơi vào trạng thái rơi xoắn ốc. Khi đó, đối phương thường ngừng tấn công vì tin rằng phi cơ địch gần như chắc chắn sẽ lao xuống đất.
Tuy nhiên, một phi công thử nghiệm người Anh Frederick A. Lindemann đã tìm ra cách cứu máy bay khỏi tình huống này. Lindemann đã hai lần làm được điều đó trong năm 1916-1917. Nhiều phi công được truyền thụ cách khắc phục sự cố này và đã áp dụng khi bị đối phương áp đảo, trong đó họ giảm tốc độ và leo cao để chủ động khiến máy bay thất tốc.
Khi máy bay bắt đầu mất độ cao, phi công sẽ gạt mạnh cần lái sang một bên, khiến một cánh có đủ lực nâng, còn cánh kia mất hoàn toàn lực nâng, dẫn tới trạng thái rơi xoắn ốc. Phi công Đức chứng kiến cảnh này sẽ ngừng tấn công và tìm mục tiêu mới, cho phép phi công Mỹ thoát ly và cứu được máy bay.
Kỹ thuật này có hiệu quả trong chiến đấu, nhưng đòi hỏi phi công phải điều khiển nhuần nhuyễn máy bay và có tinh thần thép, phớt lờ hoàn toàn việc họ đang lao thẳng xuống đất.
Đầu tiên, họ cần cân bằng lực nâng trên hai bên cánh, sau đó dùng cánh đuôi đứng để ngăn tình trạng xoáy ốc trước khi có thể kéo cần lái để cải bằng và lấy lại độ cao. Nếu phi công hấp tấp kéo cải bằng khi máy bay đang xoay tròn, nó sẽ hoàn toàn mất kiểm soát và rơi xuống đất. Trên thực tế, một số phi công còn phải tiếp tục chúi mũi máy bay, khiến nó gần như bổ nhào với góc 90 độ để có thể khôi phục điều khiển.
Trong toàn bộ quá trình này, phi công gần như phải hành động thuần thục mà không cần suy nghĩ. Nó cũng như luôn tiềm ẩn nguy cơ phi công tính toán sai về thời điểm lấy lại độ cao, khiến họ không bao giờ có thể khôi phục trạng thái điều khiển máy bay.
Hầu hết phi công Mỹ đều được đồng nghiệp Anh kèm cặp hướng dẫn kỹ thuật này, nhưng họ không có nhiều cơ hội thực hành do giờ bay hạn chế và phải làm nhiệm vụ dưới mặt đất.
Đại úy Eddie Rickenbacker, sĩ quan phụ trách bảo dưỡng và cải tạo sân bay của Mỹ tại Issoudon, Pháp, đã tự học kỹ thuật "giả chết" trong thời gian rảnh giữa các ban bay.
Rickenbacker suýt mất mạng trong lần thử đầu tiên, sau đó liên tục thực hành thao tác cho đến khi thành thục. Ông sau này trở thành phi công đẳng cấp hàng đầu của Mỹ trong Thế chiến I với 26 lần hạ đối phương, bất chấp bị mờ một mắt và quá tuổi khi bắt đầu học lái phi cơ.
Duy Sơn (Theo WATM)