"Quân đội Nga đang áp dụng chiến thuật tấn công tập trung theo nhóm, còn gọi là bầy đàn máy bay không người lái (UAV), để phá hủy các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của Ukraine như S-300PS và S-300V. Mỗi đòn đánh có thể huy động 10-12 đạn tuần kích Lancet", nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga tiết lộ hôm nay.
Nguồn tin nói rằng chiến thuật này giúp tăng tối đa sát thương, bảo đảm hiệu quả phá hủy những tổ hợp S-300, vốn bao gồm nhiều xe chở đạn kiêm bệ phóng, radar và xe hậu cần kỹ thuật.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Quân đội Nga hồi năm 2019 cho biết đang phát triển UAV cỡ nhỏ chuyên tấn công đối phương theo đội hình lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc. Các chỉ huy Nga cho rằng chỉ cần lượng nhỏ UAV vượt qua hệ thống phòng không đối phương để đánh trúng mục tiêu là chiến thuật này đã thành công.
"UAV vận hành theo kiểu bầy đàn khiến hệ thống phòng không đối phương không đủ thời gian đánh chặn mọi mục tiêu. Hiệu quả tác chiến của một UAV vượt qua lưới phòng thủ có thể bù đắp chi phí cho cả bầy UAV còn lại", quan chức Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/4 thông báo phá hủy 4 xe chở đạn kiêm bệ phóng của tổ hợp S-300 và một tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard của quân đội Ukraine gần thành phố Kherson. Truyền thông Nga sau đó công bố video cho thấy các bệ phóng S-300 bị UAV Lancet tập kích khi đỗ trên bãi đất trống hoặc đang di chuyển.
UAV tự sát còn được gọi là "đạn tuần kích", do chúng có khả năng quần thảo trên bầu trời trong khu vực được chỉ định và chỉ lao xuống tấn công khi xác định cụ thể mục tiêu.
Dòng Lancet được Nga ra mắt năm 2019, có khả năng hoạt động độc lập, không cần sự hỗ trợ từ các hệ thống điều khiển mặt đất hoặc mặt biển. Sau khi phát hiện mục tiêu, Lancet có thể lao tới để tiêu diệt bằng khối thuốc nổ mang theo trong thân. Cảm biến trên Lancet sẽ ghi lại quá trình lao tới mục tiêu và truyền hình ảnh trực tiếp về đài chỉ huy để đánh giá hiệu quả của đòn tấn công.
Biến thể Lancet nguyên gốc có tầm hoạt động 40 km và mang đầu đạn nặng 3 kg, trong khi mẫu Lancet nâng cấp có tầm bay vượt trội và trang bị đầu nổ 5 kg mạnh hơn.
Một số tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ gần đây đánh giá phòng không Ukraine ngày càng bị bào mòn sau hơn một năm chiến sự và không thể ngăn Nga chiếm hoàn toàn ưu thế trên không. Kho dự trữ đạn tên lửa S-300 và Buk-M1 của Ukraine nguy cơ cạn kiệt trong tương lai gần, tổ hợp NASAMS do Mỹ cung cấp có thể lâm vào tình trạng tương tự.
Giới chuyên gia phương Tây đánh giá cạn tên lửa phòng không là kịch bản thảm họa đối với Ukraine, khiến lưới phòng không nước này xuất hiện nhiều lỗ hổng. Điều đó cho phép máy bay Nga tiếp cận nhiều mục tiêu hơn và khai hỏa vũ khí tầm ngắn, thay vì sử dụng tên lửa tầm xa có chi phí cao và nguồn cung hạn chế.
Vũ Anh (Theo TASS, Reuters)