Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nói một chút kinh nghiệm của bản thân với những người đang ở cùng hoàn cảnh, hay với những người thân của họ biết để giúp họ sớm vượt qua được mặc cảm, khó khăn, không để bị trầm trọng thêm. Nhờ có những lời động viên mà tôi đã minh bạch hơn, nhìn nhận được sâu xa hơn vấn đề mình gặp phải cũng như cách khắc phục khả quan nhất có thể làm. Hiện tại tôi cảm thấy ổn và từ nay trở đi cũng thế.
Tôi đã xem phim "Vị vua nói lắp", phim mà một số độc giả giới thiệu, phim thật sự rất hay và ý nghĩa đối với tôi. Tập phim như viết về chính tôi vậy. Tôi biết khuyết điểm của mình và luôn nỗ lực, cố gắng để thay đổi; đôi khi cũng cảm thấy bất lực, buồn, chán nản. Nếu từng rơi vào hoàn cảnh như vậy, tôi nghĩ bạn nên xem tập phim đó một lần để có thêm rất nhiều động lực.
Nói về kinh nghiệm của bản thân, tôi có 3 điều muốn chia sẻ:
Điều một: Bản thân bị nói lắp từ khi còn nhỏ. Sau này lớn lên ý thức được tầm quan trọng của giọng nói cũng như việc giao tiếp, tôi nỗ lực rất nhiều để khắc phục tật này. Tôi từng nghĩ mình đã chiến thắng cho đến khi bắt đầu công việc mới đòi hỏi chuyên môn cao (thông - phiên dịch). Áp lực căng thẳng đã khiến tôi mất đi cảm giác tự nhiên trong giao tiếp, khiến tôi bị trầm trọng trở lại. Không có được cảm giác thoải mái chính là yếu tố đầu tiên khiến một người bị nói lắp. Vì vậy, điều đầu tiên là hãy làm sao khiến cơ thể mình luôn cảm thấy thoải mái. Để làm được điều này cần phải luyện tập hơi thở và cách suy nghĩ.
Luyện tập hơi thở: Tập hít thở sâu, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn. Tập hít thở sâu là tập thở bằng cơ hoành (hít vào bụng phồng lên, thở ra bụng xẹp xuống), điều này cũng tốt cho sức khỏe của bạn nữa.
Luyện tập cách suy nghĩ: Không có ai để ý đến chúng ta nhiều như ta vẫn thường nghĩ. Nói lắp cũng thế, sẽ không có ai để ý đến tật này của chúng ta nhiều đâu, họ còn có cuộc sống của riêng họ nữa, vì thế hãy cứ thoải mái để nói chuyện, sống cuộc sống của riêng mình.
Điều hai: Luyện đọc mỗi ngày. Trong luyện đọc, bạn sẽ luyện thêm vài kỹ năng nữa, vì thế rất bổ ích. Hãy đọc thành tiếng, đọc chậm để hình thành thói quen nói chậm, nói từ tốn. Những người nói lắp thường mắc một lỗi chung, đó chính là nói nhanh. Khi đọc chậm trở thành thói quen thì lúc giao tiếp, việc nói chậm sẽ trở thành phản xạ tự nhiên của bạn. Nói chậm sẽ không bị vấp và dần dần không còn bị nói lắp nữa.
Khi đọc cũng hãy áp dụng kỹ năng hít thở sâu như phần luyện tập ở điều đầu tiên. Lấy hơi nhẹ nhàng vào rồi đọc, hơi sẽ thoát ra từ miệng, đọc chậm và cảm nhận hơi đi ra hết. Hết hơi hãy ngắt một nhịp rồi lại từ tốn lấy hơi vào đọc tiếp. Bên cạnh đó, nên luyện luôn cách mở khoang miệng nữa. Để có một giọng nói tròn đầy, có độ chắc, có độ trầm bổng thì cách mở khoang miệng cũng rất quan trọng.
Tập mở khoang miệng to: Không phải là mở to khẩu hình miệng bên ngoài mà là điều chỉnh mở to khoang họng bên trong, cố gắng mở hàm dưới thôi còn hàm trên cố định. Làm như vậy một thời gian không những sẽ hết nói lắp mà lại luyện được giọng nói hay nữa. Ngoài ra việc luyện đọc mỗi ngày vô hình tạo cho bạn thói quen đọc sách, một mũi tên trúng nhiều đích, thật tuyệt phải không?
Điều ba: Hãy chia sẻ. Người bị mắc tật nói lắp hay tật nào cũng thế thôi, sẽ có những mặc cảm và nếu chúng ta cứ giữ nó trong lòng sẽ rất khó để thay đổi. Hãy trò chuyện về những khó khăn của bạn với một người bạn thân, một người trong gia đình, hay như cách tôi đã làm là viết bài gửi Tâm sự- VnExpress. Sau khi viết xong bài đó và được độc giả chia sẻ, tôi đỡ hơn rất nhiều dù chưa cần làm gì cả.
Cố gắng để thay đổi là điều tốt nhưng đôi khi sẽ gặp phải khó khăn, khi ấy nếu cảm thấy bế tắc hãy chia sẻ nó cho ai đó. Người hướng nội nếu mắc phải tật này sẽ khó khắc phục hơn là người hướng ngoại. Bởi người hướng nội luôn hướng mọi suy nghĩ tập trung vào bản thân, khiến mọi cảm nhận cũng vì thế trở nên nặng nề hơn. Tôi là người hướng nội nhưng đã làm được nên tin mọi người cũng có thể làm được.
Cuối cùng là góp ý nhỏ với những người thân của người bị mắc tật nói lắp. Hầu hết người bị nói lắp đều bị từ khi còn nhỏ, nếu sửa ngay từ bé thì sẽ khỏi dễ dàng và triệt để hơn. Vì thế, nếu phát hiện ra người thân bị, hãy nhẹ nhàng giúp đỡ họ bằng những kiến thức mình biết, thay vì lấy điều đó ra để làm trò cười, khiến họ tổn thương và trầm trọng hơn. Nếu sau này con tôi bị nói lắp, tôi sẽ kiên nhẫn trò chuyện cùng con, từ tốn nghe con nói, nói mớm và hướng dẫn con luyện đọc, làm bạn cùng con.
Trên đây là kinh nghiệm của tôi. Tôi đã tự mình vượt qua được nó và tự tin chia sẻ lại cho những người đang ở hoàn cảnh như vậy. Tôi đang sống và làm việc ở Nhật, nếu ai đó cần chia sẻ gì từ tôi, hãy để lại bình luận ở phía dưới, biết đâu có duyên sẽ gặp. Covid-19 ở Việt Nam đang có dấu hiệu bùng trở lại, mọi người hãy chú ý giữ gìn sức khỏe nhé. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe, thành công.
Minh
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc