Donald Trump sáng 11/10 chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul D. Ryan cùng nhiều quan chức đảng Cộng hòa bằng một loạt bình luận trên Twitter. "Thật khó để làm tốt khi mà Paul Ryan cùng những người khác không ủng hộ một chút nào", ông viết. Tỷ phú Mỹ còn gọi ông Paul Ryan là nhà lãnh đạo "yếu đuối và vô tích sự".
"Những người Cộng hòa không trung thành khó đối phó hơn cả Hillary gian dối. Họ công kích bạn từ mọi hướng. Họ không biết cách để chiến thắng. Tôi sẽ dạy họ!", ông nhấn mạnh.
Sự thay đổi thái độ của nhà tài phiệt New York bắt nguồn từ vụ bê bối rò rỉ đoạn video ghi hình từ năm 2005 quay cảnh Trump khoe khoang chuyện sờ soạng phụ nữ. Trước sự việc, ông Ryan hôm 10/10 tổ chức một cuộc hội nghị điện đàm, tuyên bố sẽ không bảo vệ hay ủng hộ tỷ phú Trump. Thay vào đó, ông muốn dành những tuần cuối để tập trung vào nỗ lực đảm bảo phe Cộng hòa vẫn chiếm đa số ở Hạ viện. Ông đồng thời kêu gọi những thành viên trong đảng tự quyết định liệu có nên ủng hộ Trump nữa hay không.
Chiến lược mới
Wall Street Journal dẫn lời một người ủng hộ ông Trump có địa vị trong đảng Cộng hòa cho hay nhà tài phiệt New York đã chủ động từ bỏ phương pháp tiếp cận truyền thống là tìm cách thu hút phiếu bầu từ những cử tri nằm ngoài nhóm ủng hộ cốt lõi để chuyển sang chiến lược mới: củng cố niềm tin của những người ủng hộ trung thành đi đôi với khuếch đại tối đa đòn tấn công nhằm vào đối thủ Hillary Clinton, từ đó làm suy giảm số cử tri đi bầu thuộc đảng Dân chủ.
Theo những người am hiểu chiến dịch tranh cử của Trump, việc ông chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng là một phần trong chiến lược trên. "Thật tuyệt khi mọi xiềng xích đã được rũ bỏ. Nay tôi có thể chiến đấu cho người dân Mỹ bằng cách của riêng mình", ông viết.
Chuyên gia nhận định Trump thực tế đang cố gắng dùng sự chia rẽ giữa ông với các lãnh đạo đảng như một đòn bẩy để tranh thủ ủng hộ bên trong nhóm cốt lõi, bao gồm rất nhiều cử tri cảm thấy thất vọng với giới tinh hoa đảng Cộng hòa.
Theo Washington Post, Trump hoàn toàn có cơ sở khi nghĩ đến kế hoạch này bởi ông đang nắm trong tay một đội quân hùng hậu những người ủng hộ trung thành, sẵn sàng trừng phạt bất kỳ ai họ cảm thấy đang muốn bỏ rơi họ. Một trong số đó là chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus, người có mối quan hệ khăng khít với Trump cũng như các chiến lược gia, cố vấn thân cận của nhà tài phiệt New York.
Mica Mosbacher, nhà tài trợ của ông Trump, cho biết bà đã được mời tới một buổi gây quỹ cho ông Paul Ryan nhưng quyết định sẽ không tham dự và từ chối đóng góp bởi bà không hài lòng trước cách mà Ryan cư xử với Trump.
"Tôi không cảm thấy Ryan là một thành viên của đội", bà nói. Mosbacher tuyên bố sẽ không hỗ trợ tài chính cho bất kỳ thành viên đảng Cộng hòa nào quay lưng với ông Trump.
Diana Orrock, thành viên Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa từ Nevada, cũng cho hay bà sẽ không bỏ phiếu cho những người rút lại ủng hộ đối với ông Trump.
"Tôi nghĩ họ đang thực sự khiến những người ủng hộ ông Trump giận dữ", Orrock nhận xét.
Cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, một đồng minh của Trump, thì cho rằng nhà tài phiệt New York nên "sử dụng sức mạnh to lớn của mạng xã hội" để triển khai một chiến dịch gây áp lực lên những người Cộng hòa đang lung lay.
"Đã đến lúc ông ấy cần gửi đi những thông điệp có chủ đích tới mỗi bang, mỗi quận và để cử tri Cộng hòa hỏi các ứng viên của họ: 'Liệu các ông bà có muốn giúp chúng tôi đánh bại Hillary Clinton không?'", Gingrich nhấn mạnh và thêm rằng nhà tài phiệt New York cũng nên làm rõ một thực tế là từ chối giúp đỡ Trump đồng nghĩa với dọn đường cho Clinton vào Nhà Trắng.
Katrina Pierson, người đại diện cho ông Trump, hôm 10/10 khoe rằng điện thoại của cô không ngừng đổ chuông "vì vô số tin nhắn" từ những người nói họ sẽ bầu cho ông Trump nhưng không bầu cho các ứng viên Cộng hòa khác.
Rủi ro
Bên cạnh đó, về phần công kích đối thủ, Trump lâu nay đã làm rất tốt. Giới quan sát dự đoán, trong 4 tuần vận động tranh cử cuối cùng, Trump sẽ tiếp tục tung ra những đòn tấn công mạnh mẽ nhằm vào các rắc rối cũng như câu chuyện đời tư của Hillary Clinton, như việc bà dùng email cá nhân cho việc công khi còn làm ngoại trưởng Mỹ hay bê bối ngoại tình của chồng bà, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton. Tất cả nhằm mục tiêu khiến những người ủng hộ Clinton không đi bỏ phiếu vào ngày tổng tuyển cử.
Tuy nhiên, liệu chiến lược mà ông Trump theo đuổi có thể thay đổi cục diện cuộc đua hay không vẫn còn là một ẩn số. Giới phân tích đánh giá nó tiềm ẩn những rủi ro nhất định bởi hiện nhóm người ủng hộ trung thành của Trump chưa chiếm đa số trong cuộc bầu cử và cách duy nhất để nhà tài phiệt New York chiến thắng là gia tăng số lượng cử tri ủng hộ, không phải làm suy giảm phiếu bầu của đối thủ.
Theo chiến lược gia phe Cộng hòa Kevin Madden, "xa lánh đảng của chính mình hay những cử tri phân vân không thể giúp Trump tăng phiếu bầu" trái lại "còn tiềm ẩn nguy cơ phản tác dụng".
Ryan Williams, người từng giữ vai trò cố vấn trong hai chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Mitt Romney, cũng hoài nghi về chiến lược tấn công người Cộng hòa mà Trump theo đuổi. "Ông ấy nên chuyển hướng tập trung sang Hillary Clinton", Williams nói.
Song các cố vấn của Trump cho biết họ vẫn tự tin ông có thể chiến thắng, đồng thời đưa ra dẫn chứng rằng ba tuần trước kỳ tranh luận tổng thống đầu tiên, ông Trump đã san bằng điểm số, thậm chí vượt qua bà Clinton trong một số cuộc thăm dò mức độ ủng hộ.
"Tôi có thể khập khiễng bước đến đích", ông Trump hôm 10/10 nói trong buổi vận động tranh cử ở Wilkes-Barre, bang Pennsylvania. "Nhưng tôi sẽ cán đích".
Xem thêm: Bên trong pháo đài cô độc của Trump sau bê bối rò rỉ video
Hắt hủi Trump, phe Cộng hòa nguy cơ trả giá
Vũ Hoàng