Ở Trung Đông từ lâu đã lan truyền câu đùa về cách người Arab Saudi né tránh các cuộc chiến của chính mình. "Arab Saudi sẽ chiến đấu đến người Pakistan cuối cùng", đề cập đến thực tế rằng rất nhiều tay súng Pakistan đang chiến đấu dưới lá cờ của Arab Saudi trong các xung đột ở khu vực.
Chính phủ Arab Saudi với nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ thường tuyển rất nhiều lao động nước ngoài để làm những công việc chân tay nặng nhọc mà người dân nước này coi là quá tầm thường. Tư duy đó cũng được Riyadh áp dụng với học thuyết quân sự của mình, theo bình luận viên Nesrine Malik của Guardian.
Theo Malik, nhiều người đến từ các quốc gia đói nghèo luôn sẵn sàng tới Arab Saudi, chiến đấu thay cho các binh sĩ nước này với mức giá phù hợp, và cuộc chiến ở Yemen là một trường hợp điển hình.
Arab Saudi phát động cuộc chiến chống phiến quân Houthi ở Yemen dưới danh nghĩa "liên quân Arab" do nước này dẫn đầu. Liên quân này ngoài các nước thành viên ở Vùng Vịnh còn có rất nhiều tay súng đến từ Ai Cập, Jordan, Morocco và gần đây là các chiến binh đến từ Sudan, những người có thể mang lại cho gia đình khoản bồi thường lớn nếu thiệt mạng trong chiến đấu.
Trong một cuộc phỏng vấn với NYTimes, một số binh sĩ Sudan từng chiến đấu cho liên quân Arab ở Yemen cho biết các sĩ quan chỉ huy người Arab Saudi cảm thấy bản thân quý giá đến mức không nhất thiết phải xuất hiện ở tiền tuyến, mà chỉ nấp trong hầm ở tuyến sau, dùng điện thoại vệ tinh ra lệnh cho các tay súng đánh thuê, đẩy họ tới gần chiến tuyến giáp mặt kẻ thù.
Khi tình hình chiến trường trở nên quá căng thẳng, các chỉ huy Arab Saudi thường chỉ đơn giản là gọi không kích. Tiêm kích của họ ném bom từ độ cao lớn do lo sợ hỏa lực phòng không đối phương, bất chấp nguy cơ gây thương vong lớn cho dân thường.
"Đó là cách người Arab Saudi chiến đấu: Tránh càng xa hòn tên mũi đạn càng tốt và dùng tiền để người khác chết thay mình", các tay súng đánh thuê trong liên quân Arab nói.
Với học thuyết quân sự này, Malik cho rằng sẽ thật "nực cười" khi cho rằng Arab Saudi sẽ trực tiếp khai chiến với Iran, kình địch của họ ở Trung Đông, sau vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu hôm 14/9. Dù cáo buộc Tehran "bảo trợ" cho vụ tấn công và Ngoại trưởng Adel al-Jubeir tuyên bố sẽ đáp trả nếu kết quả điều tra cho thấy Iran thực hiện vụ tấn công, Riyadh không đả động gì đến biện pháp quân sự nhằm đáp trả hành động này.
"Thật lạ khi có nhiều đồn đoán rằng chiến tranh sẽ nổ ra giữa Riyadh và Tehran. Arab Saudi không 'tham chiến', họ sẽ thuê các lực lượng ủy nhiệm làm điều đó thay mình, nhưng vẫn thể hiện rằng họ là lực lượng bảo vệ hòa bình khu vực", Malik viết.
Sau vụ hai nhà máy lọc dầu của Aramco bị tấn công, Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt kế hoạch triển khai thêm quân đến Arab Saudi để giúp nước này củng cố năng lực phòng thủ. Malik cho rằng Arab Saudi sẽ luôn hoan nghênh bất cứ sự trợ giúp quân sự nào của Mỹ, dù những khí tài của nước này đắt đỏ tới đâu.
Theo thống kê, Arab Saudi đã chi tới hơn 80 tỷ USD để mua vũ khí, khí tài Mỹ trong giai đoạn 1951-2006, và Mỹ tiếp tục cung cấp 88% lượng vũ khí cho Arab Saudi trong năm 2018.
Arab Saudi là nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới trong giai đoạn 2014-2018 và chiếm tới 12% đơn hàng mua sắm trang bị quân sự toàn cầu năm 2018. Quốc gia với lượng vũ khí khổng lồ như vậy lại tỏ ra rất dễ tổn thương trước các đòn tập kích bằng tên lửa hành trình giá rẻ và máy bay không người lái (UAV) vào các cơ sở lọc dầu chiến lược.
Malik cho rằng thực tế này cho thấy Arab Saudi chi số tiền khổng lồ mua vũ khí của Mỹ và các đồng minh phương Tây không đơn thuần là nhằm phục vụ mục đích phòng thủ.
"Mua thật nhiều vũ khí đắt tiền mà không cần thiết triển khai, sử dụng chúng, chính là một phần trong chiến lược của Riyadh. Các hợp đồng vũ khí nhiều tỷ USD giúp Arab Saudi duy trì quan hệ thương mại với các đồng minh phương Tây, đổi lại họ sẽ nhận được sự bảo vệ của các nước này trên trường quốc tế. Toàn bộ chính sách đối ngoại của Arab Saudi là dựa vào nguồn tiền khổng lồ để mua đồng minh và sự bảo vệ", bình luận viên này nhận xét.
Theo ông, điều đó khiến Arab Saudi tiếp tục xoáy sâu vào mối đe dọa từ Iran để đảm bảo rằng Mỹ, "vệ sĩ" của họ, sẽ luôn trong trạng thái "khóa mục tiêu và lên đạn" nhằm kiềm chế Tehran, trong khi Riyadh vẫn tiến hành các nỗ lực gây ảnh hưởng ở Trung Đông.
Không chỉ tham chiến ở Yemen, Arab Saudi còn đang dẫn đầu nỗ lực cô lập Qatar, ủng hộ các chính quyền thân quân sự ở Sudan và Ai Cập, trong khi tiếp tục bơm tiền cho các phong trào Hồi giáo dòng Sunni trên khắp thế giới. "Arab Saudi sẽ không gây chiến với Iran, nhưng Mỹ và những người khác có thể làm điều đó thay họ", Malik đánh giá.
Vũ Anh (Theo Guardian)