Các đề xuất kinh tế của mà ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nêu ra có một số ý tưởng khiến các nhà băng quyền lực của Mỹ lo ngại, như cho phép giao dịch ngân hàng diễn ra ở bưu điện, hay để Cục Dự trữ Liên bang đảm bảo cho mọi người Mỹ đều có tài khoản ngân hàng.
Nhưng trong các cuộc trao đổi riêng qua điện thoại với nhiều lãnh đạo Phố Wall, chiến dịch tranh cử của Biden trấn an họ rằng những đề xuất đó không phải là trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông.
"Về cơ bản, họ nói rằng các đề xuất đó chỉ nhằm lấy lòng những người như Warren và đừng quá bận tâm", một chủ ngân hàng đầu tư giấu tên kể lại cuộc gọi từ chiến dịch tranh cử của Biden, đề cập đến thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, thành viên Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, người cũng từng chạy đua để giành đề cử tổng thống của đảng Dân chủ. Người này nói thêm rằng nhiều chủ ngân hàng cũng nhận được thông điệp tương tự.
Theo bình luận viên Annie Linskey của Washington Post, việc né tránh sự ràng buộc với những chính sách chi tiết là điểm nổi bật trong chiến dịch của Biden. Họ tập trung vào cam kết "khôi phục linh hồn của đất nước" thay vì thúc đẩy bất cứ biện pháp cụ thể nào.
Linkskey còn chỉ ra rằng mặc dù nêu rất nhiều đề xuất, Biden thường có cách tiếp cận "dĩ hòa vi quý" nhằm làm hài lòng tất cả. Đôi khi ông đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ trước công chúng, nhưng trong hậu trường, các trợ lý lại đang nỗ lực xoa dịu những người chỉ trích.
Chiến lược này được cho là hình ảnh phản chiếu sự nghiệp chính trị kéo dài nhiều thập kỷ của Biden. Cựu phó tổng thống Mỹ tự coi mình là người hòa giải hơn là nhà tư tưởng, yếu tố giúp ông đoàn kết các cánh tự do và ôn hòa trong đảng Dân chủ để cùng hướng tới mục tiêu chung là đánh bại Tổng thống Donald Trump.
Biden lâu nay được đánh giá nhạy bén với những lần "gió xoay chiều" trong nội bộ đảng Dân chủ. Khi các thành viên Dân chủ có xu hướng thiên hữu, như ủng hộ những biện pháp cứng rắn với tội phạm và phản đối chính phủ tài trợ cho việc phá thai, Biden đã đứng về phía họ. Tuy nhiên, khi xu hướng thiên tả gần đây chiếm ưu thế bằng việc bác bỏ các quan điểm trên và thúc đẩy bình đẳng chủng tộc, giới tính, Biden cũng chấp nhận những ưu tiên này.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump quả quyết sẽ chấm dứt tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Năm 2008, Barack Obama khi tranh cử cũng nhiệt tình cam kết cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ người dân. Trong khi đó, lời hứa trọng tâm của Biden chỉ đơn giản là khôi phục trật tự cơ bản.
Bình luận viên Linkskey nhận xét Biden đang "chìa tay" với tất cả các bên. Ông nói rằng sẽ học tập chính sách chi tiêu mạnh tay của cố tổng thống Franklin Roosevelt, nhưng các trợ lý của ông lại cho biết cựu phó tổng thống vẫn rất lo lắng về thâm hụt liên bang. Biden cũng ủng hộ mạnh mẽ phong trào "Mạng sống người da màu quan trọng", nhưng lại từ chối một số yêu cầu được đề cao nhất của họ.
Những người ủng hộ Biden đánh giá sự linh hoạt của ông là một đặc điểm tốt. "Ông ấy không sợ phải thay đổi quan điểm nếu điều đó hợp lý. Biden tiếp cận các vấn đề một cách rất cởi mở, sẵn sàng lắng nghe những góc nhìn khác biệt để cải thiện", Lee Saunders, chủ tịch AFSCME, một trong những công đoàn lớn nhất Mỹ, nêu ý kiến.
Sự hòa giải được cho là một phần kết quả sau hơn ba thập kỷ làm thượng nghị sĩ của Biden. Hầu hết dự luật tại Thượng viện Mỹ cần ít nhất 60 phiếu để được thông qua, buộc hai đảng phải thỏa hiệp với nhau. Trong suốt sự nghiệp của mình, Biden từng nhiều lần thuyết phục thành công các thành viên đảng Cộng hòa để khai thông thế bế tắc.
Chiến dịch của Biden cũng lập luận rằng ông đang thực hiện những gì một ứng viên tổng thống nên làm, đó là thúc đẩy những ý tưởng khái quát mà không quá sa đà vào chi tiết.
"Rõ ràng Biden là một người xây dựng liên minh và muốn tập hợp cơ sở ủng hộ rộng rãi đối với các chương trình, để chúng có thể tồn tại lâu dài", Jake Sullivan, trợ lý chính sách hàng đầu của Biden, cho biết, lưu ý thêm rằng điều này không có nghĩa là Biden không có những nguyên tắc mạnh mẽ. "Ông ấy chắc chắn ý thức rất rõ ràng về mục tiêu của mình".
Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng sự bất nhất về quan điểm của Biden có thể châm ngòi những mâu thuẫn nội bộ nếu ông đắc cử, trong một loạt vấn đề từ chủng tộc, biến đổi khí hậu đến thương mại. Các ông chủ tại Phố Wall cũng ngần ngại với một tổng thống được dự đoán sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực bên ngoài.
"Biden là một nhà lập pháp. Ông ấy sẽ cố gắng xây dựng, hoặc thử nghiệm, tính lưỡng đảng để cân nhắc xem liệu có thể tái thiết lập điều đó tại quốc hội hay không", Leon Panetta, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ từng cùng làm việc với Biden dưới thời Obama, đánh giá. "Rất nhiều tổng thống bước vào văn phòng với đủ loại ý tưởng về những điều vĩ đại mà họ hy vọng đạt được, nhưng rồi vấp phải hiện thực".
Sự mâu thuẫn trong chiến lược linh hoạt của Biden được thể hiện hồi tuần trước, khi ông phát biểu tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Biden bác bỏ cáo buộc của Trump rằng ông sẽ cấm khai thác dầu đá phiến, lĩnh vực mang lại nhiều việc làm cho Pennsylvania. Tuy nhiên, bản thân Biden từng bày tỏ mong muốn cắt giảm hoạt động này khi nó bị các nhà bảo vệ môi trường lên án.
Hiện nay, nhiều người phe cánh tả vẫn hài lòng với Biden bởi ông đang hướng đến mục tiêu chung với họ. Tuy nhiên, bộ phận khác, bao gồm một số nhà hoạt động trong phong trào "Mạng người da màu quan trọng", đang thúc giục Biden đưa ra những cam kết cụ thể hơn, bởi lo ngại họ sẽ bị phớt lờ sau khi ông đắc cử. Họ cũng dự đoán sẽ vẫn phải đấu tranh để Biden giữ lời hứa.
Biden từng nhiều lần thể hiện những mưu mẹo trong đàm phán chính trị. Vài năm sau khi ông được bầu vào thượng viện hồi năm 1973, đảng Dân chủ bắt đầu trở nên thiên hữu, bởi nhiều người đánh giá các quan điểm tự do vào những năm 1960 đang mâu thuẫn với cách nhìn nhận của bộ phận cử tri đông đảo và quan trọng.
Để thích nghi với sự thay đổi đó, Biden bày tỏ ủng hộ các biện pháp cứng rắn với tội phạm và chống lại thâm hụt ngân sách, dù vẫn mang quan điểm tự do trong những lĩnh vực khác. Bình luận viên Linskey đánh giá xu hướng trung lập từ sớm đó chưa bao giờ biến mất trong cách tiếp cận của Biden.
Trong quá trình vận động tranh cử, Biden từng tỏ ý muốn tung ra các khoản chi tiêu lớn. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy bối cảnh đã thay đổi do Covid-19 và những biến động xã hội, chiến dịch của Biden đã nhanh chóng rút lại biện pháp này. Thay vào đó, phát ngôn viên chiến dịch Andrew Bates cố gắng giải thích cho công chúng sự khác biệt giữa việc chi tiêu ngắn hạn để khắc phục hậu quả đại dịch và các khoản chi dài hạn giúp định hình lại vai trò của chính phủ.
Bất chấp những lo ngại, một số đảng viên Dân chủ vẫn kỳ vọng rằng nếu Biden đặt chân vào Nhà Trắng, các mâu thuẫn nội bộ đảng Dân chủ sẽ lắng xuống, điều từng diễn ra với đảng Cộng hòa khi Trump thắng cử năm 2016.
"Tôi cho rằng sẽ không có nhiều sự chia rẽ nội bộ như một số người lớn tiếng hơn ở bên cánh tả có thể đang nghĩ", Matt Bennett, đồng sáng lập nhóm cố vấn theo xu hướng trung tả Third Way, nhận xét.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)