-
18h00
"Yểm trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa"
Phiên hai của toạ đàm kéo dài hơn dự kiến bởi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định chủ đề của buổi hội thảo phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay. Covid-19 làm thay đổi chuỗi cung ứng nhưng cũng xuất hiện sự dịch chuyển. Bối cảnh hiện nay cũng cho thấy nhu cầu cần phải thay đổi cách thức tương tác giữa nhà nước và thị trường.
Về vai trò của kinh tế tư nhân, ông cho biết, nhiều quan điểm khác nhau đã được nêu rõ trong nghị quyết 09 về doanh nhân năm 2011, có thể khẳng định các định hướng của Đảng về kinh tế tư nhân đang mở đường cho các cơ chế, chính sách, giúp tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như thu hút nguồn lực phát ngoài quốc doanh.
Trong thời gian qua, kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng cho ngành kinh tế. Doanh nhân ngày càng được tôn trọng và tôn vinh. Khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển theo xu hướng mới, gắn liền hơn với công nghệ, đổi mới sáng tạo và đủ sức thực hiện những công trình lớn và phức tạp. Về quy hoạch môi trường kinh doanh, ông nêu quan điểm cần phải tiến hành ở phân vùng sau đó mới đến quy hoạch ở từng quốc gia.
Kết thúc buổi toạ đàm, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ niềm vui khi các doanh nghiệp trẻ khẳng định trí tuệ trong hành trình phát triển. Ông đồng thời cũng thấu hiểu nỗi lo khi quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ và chưa đủ sức mạnh cạnh tranh.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy khởi nghiệp, yểm trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn mạnh. Đại diện VCCI cho biết: "Không thể và không nên có chính sách dành cho doanh nghiệp lớn. Thay vào đó hướng tiếp cận cần đi từ góc độ theo ngành, theo chuỗi. Từ đó có thể hỗ trợ các doanh nghiệp lớn trở thành đầu đàn làm trung tâm của chuỗi và kéo doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển".
Theo ông, nếu phát triển theo hướng này, sự hỗ trợ sẽ bao trùm hơn nhiều cho doanh nghiệp, và không có phân biệt đối xử. "Đối tác công tư là vô cùng quan trọng trong việc phát triển các doanh nghiệp lớn", ông Vũ Lộc nói thêm. "Làm thể chế thì doanh nghiệp tư nhân cũng có quyền được tham gia, khi xây dựng các cơ sở nghiên cứu phát triển nhà nước họ cũng phải đồng hành. Nên liên kết công tư trong các ngành mũi nhọn, nền tảng. Chính sách công nghiệp cần liên quan đến các chính sách chuỗi. Nhà nước kiến tạo là phải có quy hoạch, chính sách phát triển mới có hiệu quả".
-
17h15
Doanh nghiệp tự tìm cơ trong nguy
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Chiến lược - Công ty CP Fado Việt Nam cho biết là doanh nghiệp non trẻ, nguồn lực thấp, nền tảng thuần Việt này chọn thị trường ngách là sàn thương mại xuyên biên giới.
Dẫn tiềm năng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam với tốc độ tăng trưởng 40% về doanh thu, mỗi năm, vị này cho biết đa phần các nền tảng thương mại điện tử lớn, nổi tiếng trong nước lại thuộc sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, cơ hội vẫn có nếu các đơn vị trong nước chọn thị trường tốt.
Chịu tác động của dịch Covid-19, Fado tự tìm đường đi, "thay đổi để thích nghi". Theo đó, đơn vị chuyển một số công việc về các tỉnh, như mảng digital marketing để giảm chi phí.
Các hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, ông Hùng cho biết, hầu hết qua kênh chuyển phát nhanh, thuộc các công ty nước ngoài. Doanh nghiệp nhỏ gặp khó về sản lượng nhỏ, tiếng nói bé, nên cạnh tranh về nguồn hàng đều phải xếp sau, chất lượng dịch vụ khó bằng.
"Hạ tầng logistics hỗ trợ doanh nghiệp gần như chưa có ưu đãi cho thương mại điện tử mà chủ yếu thông qua kho hải quan, thuộc sở hữu doanh nghiệp. Khác với các nước trên thế giới có khu freezone, có ưu đãi từ nhà nước, giảm áp lực về chi phí tăng sự cạnh tranh", ông Hùng cho biết.
Góp thêm kinh nghiệm phát triển trong bối cảnh khó khăn, ông Lương Hữu Lâm, Phó tổng giám đốc Giovanni Group chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh trong dịch. Ông cho biết cảm thấy may mắn khi có cơ sở sản xuất tại Việt Nam, nên thời gian qua công ty vẫn có thể duy trì sản xuất, thậm chí xuất khẩu khẩu trang sang châu Âu. Điều này cho thấy tầm quan trọng của chuỗi giá trị.
-
17h08
Vẫn còn nhiều thách thức cho doanh nghiệp
Đề cập đến khó khăn, thách thức của khu vực tư nhân, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam nhiều, nhưng thiếu các doanh nghiệp đầu tàu. Nếu phát triển, nhà nước cần phải quy hoạch để thu hút sự tham gia đồng đều của các doanh nghiệp, trong đó khối tư nhân và quốc doanh song song phát triển.
Ông cũng nêu bật vấn đề dẫn đến sự thiếu các doanh nghiệp "đại bàng" là do nhiều đơn vị chưa thể minh bạch, chia sẻ về hoạt động kinh doanh, khó có thể đồng hành, liên kết phát triển. Doanh nghiệp không thể nghĩ "riêng lẻ khoẻ ăn", tự cạnh tranh lẫn nhau, làm suy yếu lẫn nhau. Ngoài ra hệ sinh thái phát triển còn thiếu, các doanh nghiệp hầu như tự lực, tự cường và tự cạnh tranh nội địa.
Theo ông Đoàn, nhà nước cần phải có hoạch định mạch lạc để doanh nghiệp phát triển mạnh trong 5 đến 20 năm tới. Đặc biệt, Chính phủ có thể hạn định số lượng đơn vị tham gia vào một số ngành nghề để tránh lãng phí nguồn lực. Ông nhấn mạnh vai trò quy hoạch của chính phủ, ví dụ không nên để tỉnh nào cũng làm du lịch, công nghiệp, không nên phát triển tràn lan, chồng chéo.
-
16h56
Doanh nghiệp du lịch vượt khó trong dịch
Đại diện đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, bà Phan Đặng Trà My, Phó tổng giám đốc VCcorp kiêm CEO Wow Holiday cho biết, đơn vị này có nhiều sáng kiến thúc đẩy du lịch trong dịch, như dịch vụ cách ly tập trung tại khách sạn cho các doanh nghiệp có chuyên gia là người nước ngoài, hay cung cấp dịch vụ thể thao với các giải chạy marathon.
Nhiều doanh nghiệp cũng tổ chức các chuyến bay charter liên kết với FLC, Vinpearl... để cách ly tập trung. "Trong rủi ro có cơ hội, đơn vị nào nhanh chóng hơn sẽ chiếm lợi thế cạnh tranh", bà My cho biết.
Vị này đề xuất các hoạt động giúp doanh nghiệp vượt khó trong dịch. Từ thực tế các lao động trí thức Việt kiều gặp khó khi về nước vì không nằm trong nhóm đối tượng được ưu tiên, bà gợi ý cơ quan nhà nước nên cho các doanh nghiệp có năng lực đưa người Việt Nam về nước, hoặc những người có khả năng có thể chi trả để san sẻ với nhà nước.
Thời gian tới, bà cho rằng cần có thêm chính sách kích cầu du lịch. Thay vì các doanh nghiệp như Bamboo Airways, Vietnam Airlines... giảm giá kích cầu du lịch, Tổng cục Du lịch có thể dùng các gói kích cầu để hỗ trợ người dân, tạo động lực đi du lịch nhiều hơn.
-
16h45
Việt Nam cần xây dựng hạ tầng cho các doanh nghiệp mũi nhọn
Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch tập đoàn Bkav là một trong những các đại diện cho các doanh nghiệp tư nhân tham luận về chiến lược để xây dựng các doanh nghiệp lớn mạnh cho Việt Nam.
Vị này cho biết Bkav đã thực hiện các phân tích chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, để một doanh nghiệp phát triển, ý tưởng R&D và dịch vụ hậu mãi là yếu tố quan trọng nhất, sau đó đến thương hiệu, bán hàng, marketing, thiết kế, linh kiện, phân phối, gia công...
Tập đoàn này tìm hiểu tại Hàn Quốc, Trung Quốc và nhận ra rằng, những tập đoàn lớn của Hàn Quốc chiếm khoảng 50-60% GDP, nếu Việt Nam có thể xây dựng được những doanh nghiệp tương tự thì có thể dẫn dắt nền kinh tế phát triển mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp mũi nhọn là cánh chim đầu đàn để Việt Nam cất cánh.
Đại diện Bkav cũng đưa ra một số đề xuất để xây dựng doanh nghiệp mũi nhọn như: Chính phủ chọn các doanh nghiệp vượt trội, có sức khoẻ, sức mạnh cạnh tranh về công nghệ; cần tạo ra môi trường để các doanh nghiệp phát triển bùng nổ, trong đó vốn, nhân lực, thị trường, chính sách đặc biệt quan trọng. Khi đã có sản phẩm có tỷ lệ nội địa hoá cao, Chính phủ cần tạo bàn đạp để sản phẩm được phổ biến, phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trước khi vươn ra toàn cầu.
Với các doanh nghiệp khoa học công nghệ, việc đầu tư rất tốn kém, doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn. Tài sản trí tuệ rất khó định lượng, vì vậy cần có cơ chể để các công ty khởi nghiệp thuận lợi nhận dòng tiền. Ngoài ra nguồn lực công nghệ cao cũng rất cần thiết, do đó, cần tạo điều kiện để các sinh viên tiếp cận với công việc trước khi tốt nghiệp.
Đại diện Bkav nhấn mạnh: "Việt Nam cần phải xây dựng chính sách phát triển hạ tầng cho các doanh nghiệp mũi nhọn, tạo điều kiện cho đại bàng có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, nhạ tầng đặc biệt quan trọng để đại bàng làm tổ bao gồm: công nghệ, vốn, nhân lực, thị trường", ông Thằng nói.
-
16h35
Các tập đoàn lớn là "cánh chim đầu đàn" cho du lịch
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết Việt Nam hiện có 2.300 doanh nghiệp lữ hành, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, bên cạnh những "chim đầu đàn" như FLC, Vingroup, Sungroup... Theo bà, những tập đoàn lớn - " cánh chim đầu đàn" này đóng vai trò nâng cao chất lượng du lịch với các sản phẩm khách sạn 4-5 sao, tổ hợp vui chơi giải trí, động lực kéo theo các doanh nghiệp SMEs phát triển.
Bà Hương lấy ví dụ, các tập đoàn lớn có vai trò quan trọng với sự phát triển, nâng cao nhận thức về du lịch tại các địa phương. Ví dụ tại Sầm Sơn, trước kia du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ. Sau khi có FLC Sầm Sơn đã thay đổi, nâng cấp về hình ảnh, chất lượng dịch vụ, hạn chế các kiốt, quán hàng nhỏ lẻ làm xấu đi hình ảnh bãi biển tại đây.
Bà Hương cũng thông tin, Tổng cục du lịch mới đây đã bàn về chương trình mở cửa từng bước một với thị trường quốc tế. Cụ thể, chương trình này sẽ xét những tiêu chí lựa chọn thị trường nguồn, đảm bảo lượng khách đông, đi tour trọn gói, có cam kết về tiêm vaccine, cách ly.
Thứ hai là điểm đến phải thuận tiện với hàng không. Các khu du lịch nghỉ dưỡng phải có phạm vi độc lập, cung cấp nhiều dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách, khu nghỉ dưỡng như FLC là ví dụ. Dù mở cửa nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn.
"Mong rằng các doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng ngành du lịch vượt qua khó khăn trước Covid-19", bà Hương bày tỏ.
-
16h30
Thái độ của địa phương ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của doanh nghiệp
Tiếp nối phiên một, bà Bùi Kim Thuỳ đã đặt câu hỏi tới bà Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC về yếu tố quan trọng khi tập đoàn này lựa chọn đầu tư tại địa phương.
Lãnh đạo FLC cho biết, có 3 yếu tố tối quan trọng khi FLC cân nhắc, quyết định đầu tư. Thứ nhất, cần quan tâm là quy hoạch xây dựng của địa phương để biết được địa phương đang cần đầu tư vào lĩnh vực nào. Công tác quy hoạch phủ càng rộng, lợi thế càng cao.
Thứ hai là đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đây là lợi thế thu hút nhà đầu tư. Điển hình như dự án của FLC ở Bình Định, trước đó còn là một vùng đất hoang sơ. Việc đầu tư con đường lớn dẫn đến dự án, doanh nghiệp coi là lợi thế rất tiềm năng. Mỗi địa phương có cách chuẩn bị đón các doanh nghiệp, nhưng nếu nơi nào quan tâm đầu tư hạ tầng kết nối thì đó là lợi thế lớn.
Thứ ba là nhân lực tại chỗ, tức là nguồn lao động của địa phương. Doanh nghiệp luôn quan tâm đến vấn đề tuyển dụng lao động, nhất là du lịch dịch vụ. Nếu không có lao động thì rất khó để triển khai hoạt động kinh doanh. Thuận lợi hơn, nguồn nhân lực chính là thị trường cho doanh nghiệp phát triển tại địa phương đó.
Theo lãnh đạo FLC, ngoài các yếu tố cần, còn có yếu tố tiên quyết. Đầu tiên là thái độ ứng xử, tương tác giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp. Doanh nghiệp nếu nhận được sự chào đón chân thành của chính quyền thì sẽ cảm thấy có thiện cảm và yên tâm khi đầu tư. Có một thực tế khi các địa phương thu hút đầu tư FDI, họ cam kết giải phóng mặt bằng, sẵn sàng chịu phạt nếu không hoàn thành kịp tiến độ vì nhà đầu tư nước ngoài đưa ra yêu cầu rất cao. Tuy nhiên với doanh nghiệp trong nước thậm chí quy mô lớn hơn công ty nước ngoài thì lại sự không có sự cam kết đó.
Môi trường chính trị, sự đoàn kết thống nhất trong chủ trương, chỉ đạo của các địa phương cũng được FLC coi trọng. Doanh nghiệp khi đầu tư vào một địa phương nào thì luôn mong muốn đầu tư lâu dài. "Doanh nghiệp quan tâm cả quá trình đầu tư sẽ được địa phương ứng xử ra sao. Điều đó lại phụ thuộc vào môi trường chính trị, sự xuyên suốt trong chỉ đạo của mỗi tỉnh", bà Dung nói.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương có điểm hoàn thiện bổ sung để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, ví dụ như cải cách thủ tục hành chính, sự vào cuộc của các cấp quản lý. Như nhiều doanh nghiệp nhận định, Quảng Ninh là địa phương hội tụ 3 yếu tố cần kể trên cũng như yếu tố tiên quyết môi trường đầu tư. Vì vậy không ít nhà đầu tư mong muốn đầu tư lâu dài vào đây.
Với ý kiến chính sách riêng cho doanh nghiệp lớn, bà Dung cho rằng không cần thiết song cần chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn trong những ngành được xác định là mũi nhọn của nền kinh tế. Ví dụ trong lĩnh vực du lịch. Song các doanh nghiệp muốn đầu tư ngành này chưa có các cơ chế ưu tiên thu hút và hấp dẫn, trong khi đây là lĩnh vực hoàn vốn khá lâu.
-
16h16
Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ, người dân trong khó khăn
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội chia sẻ, đại dịch Covid-19 là minh chứng cho thấy sự đồng hành, chia sẻ của các doanh nghiệp cùng với Chính phủ và người dân.
Vị này đề xuất sáng kiến cho ngành hàng không du lịch trong thời gian tới, ban thành tiêu chí người dân ở vùng an toàn, đi bằng phương tiện an toàn, đến các điểm du lịch an toàn, như các khu nghỉ dưỡng FLC là ví dụ.
Về vấn đề chính sách, theo ông Tiến, nhiều luật thông thoáng nhưng sang đến nghị định thông tư thì lại có các cách hiểu khác nhau. Ông đề xuất cần phân biệt một cách rõ ràng lĩnh vực của doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân. "Cần làm rõ cái nào Nhà nước nên giữ, hay tư nhân không làm được thì Nhà nước sẽ làm", vị này nói
Ông Tiến cũng bày tỏ mong muốn có thêm nhiều cuộc gặp với doanh nghiệp để những người làm luật, làm chính sách có thể lắng nghe, có thêm tiếng nói mạnh mẽ hơn về cộng đồng doanh nghiệp.
-
15h50
Chồng chéo luật gây khó cho đầu tư
Nối tiếp phiên thảo luận, Điều phối viên Bùi Kim Thuỳ xoáy vào vấn đề chồng chéo luật. Vị này dẫn ra Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh do VCCI thực hiện, có trên 40 điểm nghẽn. Đó là ở cấp độ nghị định, nếu về thông tư còn nhiều.
Lãnh đạo VCCI cho biết, vấn đề chồng chéo pháp luật gây khó khăn cho nhà đầu tư, tạo ra áp lực và sự không an toàn cho doanh nghiệp. VCCI đang đề nghị thành lập tổ công tác phát hiện chồng chéo pháp luật, với 11 tổ rà soát trong 11 lĩnh vực để sửa các văn bản chồng lấn.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng nêu tỉnh Quảng Ninh như một tấm gương có sự khác biệt rõ rệt với thủ tục hành chính nhanh, các công trình đối tác công tư lớn, khiến các nhà đầu tư hài lòng khi đến đây. Ông gọi đây là "cái nôi của nhiều ý tưởng, mô hình cải cách của địa phương".
Vị này dẫn chứng Quảng Ninh có mô hình xúc tiến đầu tư đầu tiên tại Việt Nam. Đây là nơi các nhà đầu tư tới giải quyết thay vì đến các sở, ban ngành. Tỉnh cũng là một trong địa phương đầu tiên có trung tâm hành chính công. Hệ thống chính trị đón tiếp, giải quyết một cửa người dân, doanh nghiệp, bám sát thanh tra, giám sát. Tương tác của Quảng Ninh và người dân qua mạng xã hội cũng rất cởi mở.
"Nhiều nhà đầu tư lớn từng làm việc với các tỉnh, vùng kinh tế tế lớn phía Nam vẫn so sánh Quảng Ninh là "một trời một vực" bởi thủ tục nhanh chóng. Các tập đoàn lớn như FLC, Vingroup... đến đây đều được người đứng đầu tỉnh mời gọi chân thành. Chính thái độ thân tình đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư", ông Lộc dẫn chứng.
Theo chuyên gia, điều này xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, tầm nhìn phát triển.
Làm rõ hơn băn khoăn của diễn giả về chồng chéo luật, ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội cho biết, cơ quan soạn thảo luật là Chính phủ, chủ trì bởi một bộ ngành, Chính phủ thống nhất rồi trình Quốc hội. Quá trình này tuy khiến nhiều luật định có sự thay đổi nhưng về cơ bản bản dự thảo ban đầu đưa ra nếu tốt có thể giữ đến 80-90%, kém thì thay đổi 50-60%. Ông nhấn mạnh, Việt Nam định hướng xây dựng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì vậy các luật và quy định thường nhấn mạnh đến vai trò quản lý của các bộ ngành trung ương.
Vị nhận cũng thừa nhận, một dự án đất đai thường vướng ít nhất 5 luật và giữa các luật lại khác nhau, gốc tích vấn đề chính là từ việc đặt nặng hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước.
"Quốc hội đã nhận thức và trao đổi với Chính phủ để tạo ra một môi trường thông thoáng. Riêng Luật Đất đai, Quốc hội và các Uỷ ban họp rất nhiều và luôn cố gắng để hoàn thành trách nhiệm với cử tri", ông nói.
-
15h45
"Kinh tế tư nhân phát triển diệu kỳ"
Mở đầu phiên một của toạ đàm với chủ đề "Sức bật kinh tế tư nhân", người điều phối - chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thuỳ đã đặt câu hỏi tới Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về thành tựu quan trọng nhất mà kinh tế kinh tế tư nhân đóng góp cho kinh tế Việt Nam sau 35 năm đổi mới và 33 năm kể từ khi có doanh nghiệp tư nhân đầu tiên.
Ông Lê Đăng Doanh cho biết, khu vực kinh tế tư nhân đã trải qua quá trình khó khăn để thể hiện được vai trò của mình. "Chúng tôi luôn lập luận rằng trong chiến tranh, người dân đã tự ra lấp hố bom, tự hành động, vì vậy cần phải phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện để phát huy tính năng động, sáng tạo của người dân", ông nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, kinh tế tư nhân của Việt Nam đã phát triển kỳ diệu, các vùng sâu vùng xa, đã có những sản vật riêng, phát triển du lịch... Kinh tế tư nhân đã giúp Việt Nam phát triển một cách năng động và đồng đều.
Khối tư nhân cũng góp phần nâng cao sự bình đẳng nam nữ ở Việt Nam khi giám đốc các doanh nghiệp tư nhân là nữ hiện chiếm 28%, một tỷ lệ cao trong khu vực Đông Nam Á.
Covid-19 diễn ra, nhiều tập đoàn tư nhân đi đầu trong chuyển đổi số. "Chúng ta đang chậm so với thế giới và Trung Quốc về kinh tế số, điều này gây nên nhiều trở ngại khi muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thời gian tới, tôi hi vọng các hiệp hội và phòng thương mại sẽ quan tâm và thúc đẩy chuyển đổi một cách toàn diện mạnh mẽ về kinh tế số", ông nói.
Ngoài GDP, theo vị chuyên gia, nhiều doanh nghiệp tư nhân đóng góp quan trọng cho sự cải cách thể chế. Ông ví dụ Luật Doanh nghiệp thay đổi đã cho phép mỗi công dân đều có quyền đăng ký kinh doanh, không cần thông qua các cơ quan cấp tỉnh, đây là bước tiến vượt bậc để phát huy quyền tự do kinh doanh của người dân.
Trong bối cảnh Việt Nam mới tham gia RCEP - Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện khu vực, khi hàng hoá của Trung QUốc vào Việt Nam với thuế xuất bằng 0, các doanh nghiệp tư nhân sẽ đối mặt với áp lực và thách thức lớn. Vì vậy, khu vực kinh tế tư nhân phải có phương án để đối phó với RCEP, nhanh chóng số hoá, cải cách thể chế, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phát triển. Bên canh đó, các doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thuận lợi về vốn, đất đai, Chính phủ nên phân cấp cho địa phương để hợp tác và thúc đẩy với doanh nghiệp.