Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết tàu chỉ huy Donbas của hải quân Ukraine rời cảng Mariupol sáng 9/12 và hướng tới eo biển Kerch, nằm giữa bán đảo Crimea và lãnh thổ còn lại của Nga.
Một tàu biên phòng Nga thuộc FSB sau đó thông báo với thủy thủ đoàn tàu Donbas rằng họ phải xin phép trước khi đi qua eo biển Kerch, khu vực Nga tuyên bố là lãnh hải. Thủy thủ đoàn Ukraine tuyên bố họ không có ý định tuân thủ yêu cầu này.
Căng thẳng giữa hai bên leo thang khi tàu biên phòng Nga cáo buộc chiến hạm Donbas "phớt lờ yêu cầu thay đổi hướng đi" khi gần eo biển Kerch. Tuy nhiên, tình hình hạ nhiệt khi tàu Donbas quay đầu tại vị trí cách eo biển Kerch khoảng 18 hải lý và trở về căn cứ ở Ukraine, FSB cho biết.
Quân đội Ukraine sau đó cho biết chiến hạm Donbas đang "hoạt động trong lãnh hải Ukraine" và không đi vào các khu vực nhạy cảm. Lực lượng này xác nhận tàu Donbass đang quay lại căn cứ nằm ven biển Azov.
Ukraine chưa nêu lý do điều tàu chỉ huy Donbass đến gần bán đảo Crimea do Nga kiểm soát. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang liên quan đến các hoạt động quân sự của hai bên ở khu vực biên giới.
Ukraine cùng Mỹ và các đồng minh nhiều tuần qua cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân dọc biên giới và lên kế hoạch tấn công Ukraine. Nga bác bỏ cáo buộc, tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự của họ ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi cáo buộc Nga âm mưu tấn công Ukraine là "cơn cuồng loạn được khuấy động trên truyền thông phương Tây và Ukraine", đồng thời tuyên bố điều này "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Trong cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington có thể tung ra các đòn trừng phạt kinh tế nhắm vào Moskva nếu Nga có hành động quân sự với Kiev. Trong khi đó, Putin yêu cầu Mỹ đưa ra cam kết mang tính ràng buộc pháp lý về việc NATO không mở rộng sang phía đông hay bố trí tên lửa trên lãnh thổ Ukraine.
Chiến hạm Donbas có lượng giãn nước 5.520 tấn và dài 122 m, ban đầu là tàu sửa chữa chiến hạm được hải quân Liên Xô biên chế tháng 9/1970. Sau khi Liên Xô tan rã, hải quân Ukraine tiếp nhận con tàu và cải hoán thành tàu chỉ huy. Con tàu bị Nga giữ năm 2014 khi nước này sắp nhập bán đảo Crimea, song sau đó trả lại cho Ukraine.
Nguyễn Tiến (Theo RT, RIA Novosti)