Hải quân Na Uy hôm qua cho biết các dây neo thép nối từ thân tàu hộ vệ tên lửa HNoMS Helge Ingstad lên bờ biển bị đứt, khiến con tàu nghiêng nhiều hơn và nước tràn vào khoang bên trong. Chiến hạm này sau đó chìm hẳn và đang trong trạng thái ổn định ở vùng biển nông gần cảng Sture, nơi nó bị tàu chở dầu Sola TS đâm cuối tuần trước, Maritime Executive đưa tin.
"Chỉ huy lực lượng cứu hộ nhận định việc gắn lại dây thép neo giữ tàu là quá nguy hiểm. Việc con tàu bị chìm sẽ gây nhiều khó khăn cho chiến dịch trục vớt", Haavard Mathiesen, người đứng đầu cơ quan cứu hộ thuộc Bộ Quốc phòng Na Uy, cho biết.
Toàn bộ phần thân của tàu Helge Ingstad hiện ngập hẳn dưới nước, chỉ còn đỉnh đài radar cảnh giới trồi lên khỏi mặt nước. Bên trong thân tàu vẫn còn đầy đủ vũ khí và nhiên liệu cho trực thăng NH-90.
Tàu hộ vệ Na Uy bị tàu dầu Sola TS đâm lúc 4h sáng 8/11, khi đang trở về cảng sau cuộc tập trận Trident Juncture 18 của NATO. Các tàu kéo sau đó đã nỗ lực đẩy chiến hạm bị thương vào gần bờ, cho nó mắc cạn ở một khu vịnh hẹp nhằm giúp con tàu không bị chìm ở vùng biển sâu hơn.
Dữ liệu từ các hệ thống theo dõi hàng hải cho thấy trước khi xảy ra va chạm, tàu hộ vệ Helge Ingstad di chuyển về hướng nam với tốc độ hơn 31 km/h để tới quân cảng Haakonsver, trong khi tàu dầu Sola TS vừa rời cảng dầu khí Sture và đi lên phía bắc với tốc độ khoảng 11 km/h.
Các nguồn tin giấu tên khẳng định tàu chở dầu Sola TS và Trung tâm kiểm soát lưu thông phương tiện (VTS) Fedje đã nhiều lần phát cảnh báo qua sóng vô tuyến tới Helge Ingstad trước khi xảy ra va chạm, nhưng chiến hạm này không có hành động vòng tránh.
Tàu chiến Na Uy di chuyển trong đêm tối nhưng không bật đèn hiệu và hệ thống nhận dạng tự động (AIS), vốn là biện pháp tránh va chạm được dùng phổ biến nhất trong lĩnh vực hàng hải. Tàu Helge Ingstad còn có thiết kế tàng hình, khiến radar hàng hải trên tàu dầu rất khó phát hiện nó.
HNoMS Helge Ingstad là tàu hộ vệ tên lửa thuộc lớp Fridtjof Nansen, được biên chế hồi tháng 9/2009. Đây là một trong 5 chiến hạm chủ lực và lớn nhất của hải quân Na Uy. Tàu dài 134 mét, có lượng giãn nước 5.290 tấn, tốc độ tối đa 50 km/h và tầm hoạt động 8.300 km.