Tàu sân bay USS Gerald R. Ford rời quân cảng Norfolk ở bang Virginia của Mỹ hôm 4/10 để bắt đầu đợt triển khai làm nhiệm vụ trên Đại Tây Dương, chậm hơn hai ngày so với dự kiến do thời tiết xấu sau bão Ian. Đây là chuyến làm nhiệm vụ đầu tiên của tàu sân bay USS Gerald R. Ford kể từ khi được đưa vào biên chế hồi năm 2017.
Trong đợt triển khai tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ mang theo Không đoàn trên hạm số 8 và được các tàu tuần dương, tàu khu trục hộ tống.
"Chuyến triển khai là cơ hội để phô diễn những ưu thế mà tàu sân bay Ford và Không đoàn số 8 có thể mang tới cho lực lượng không quân hải quân cũng như các đồng minh, đối tác của Mỹ", chuẩn đô đốc Gregory Huffman, tư lệnh Nhóm tác chiến tàu sân bay số 12 của hải quân Mỹ, cho biết.
Hải quân Mỹ trước đó cho biết tàu sân bay USS Gerald R. Ford dự kiến vượt Đại Tây Dương và tham gia nhiều đợt diễn tập cùng các lực lượng của Mỹ và đồng minh.
Chuẩn đô đốc John Meier, chỉ huy Lực lượng Không quân hải quân Đại Tây Dương (AIRLANT) của Mỹ, hồi tháng 4 nói rằng nhiệm vụ đầu tiên của USS Gerald R. Ford tương đối khác thường. Nó sẽ được triển khai để kiểm tra tính năng vận hành trong điều kiện thực tế và làm quen với hoạt động tác chiến do hải quân Mỹ điều động, không trực thuộc quyền quản lý của các bộ tư lệnh khu vực như những đợt triển khai tàu sân bay thông thường.
Tàu sân bay Gerald R. Ford được khởi đóng năm 2009, hạ thủy 4 năm sau đó và bàn giao cho hải quân Mỹ tháng 5/2017. Giá của USS Gerald R. Ford khi được bàn giao là 12,6 tỷ USD, vượt ngân sách dự kiến ban đầu 2,4 tỷ USD, trở thành chiến hạm đắt nhất trong lịch sử hải quân Mỹ.
Tàu sân bay này trang bị nhiều công nghệ mới, nhưng chúng cũng gặp nhiều vấn đề liên quan tới độ tin cậy. Con tàu từng chết máy trong chuyến thử nghiệm hồi tháng 1/2018, cũng như gặp hàng loạt trục trặc liên quan đến radar, máy phóng điện từ (EMALS) và thang nâng cải tiến.
Hải quân Mỹ thông báo thủy thủ đoàn đạt chứng nhận sẵn sàng làm nhiệm vụ vào tháng 11/2021, tàu đạt khả năng vận hành sơ bộ sau đó một tháng.
Vũ Anh (Theo Drive)