Các thủy thủ Anh trên một chiếc Q-ship
Trong thế chiến I, để đối phó với tàu ngầm U-boat của Đức, hải quân Anh đã chế tạo lớp tàu Q-ship, chiến hạm được vũ trang hạng nặng nhưng có vẻ ngoài giống tàu hàng. Q-ship sẽ dụ tàu ngầm đối phương nổi lên bằng cách giả vờ sắp chìm hoặc bị hư hại, sau đó tung đòn tấn công từ hệ thống hỏa lực áp đảo trên tàu, theo War History.
Minh chứng thành công cho chiến thuật này là tàu HMS Stock Force do trung úy Harold Auten thuộc lực lượng dự bị hải quân Anh chỉ huy. Ngày 30/7/1918, một tàu ngầm Đức bắn ngư lôi trúng HMS Stock Force ở eo biển Manche, cách bờ biển Devon khoảng 40 km.
Quả ngư lôi đánh trúng phía trước tàu, khiến nhiều mảnh vỡ bay lên không trung, nhiều sĩ quan và thủy thủ bị thương, khẩu đội pháo phía trước cũng bị vô hiệu hóa. Phần mũi tàu bị hỏng bắt đầu chúi xuống biển. Trên boong, bác sĩ G.E Strahan cứu chữa những người bị thương giữa làn nước ngập đến hông.
Theo sử gia Barney Higgins, sự hoảng loạn này nằm trong chiến thuật nhử mồi của Q-ship. Một nhóm thủy thủ có nhiệm vụ giả vờ bỏ tàu để dụ chiếc U-boat đối phương nổi lên.
Sự hoảng loạn trên tàu HMS Stock Force diễn ra như thật dưới sự chỉ huy của một trung úy thợ máy, người bị thương trong đợt tấn công đầu tiên. Trên các xuồng nhỏ, người thợ máy và đồng đội thoát ly khỏi tàu mẹ bị hỏng. Khi họ chèo được 800 m, tàu ngầm Đức từ từ nổi lên mặt nước.
Trong khi đó, thuyền trưởng Harold Auten vẫn ở nguyên vị trí trên tàu cùng hai khẩu đội pháo không bị hư hỏng. Ở phần mũi tàu bị vỡ, một thành viên khẩu đội pháo bị kẹt dưới đống đổ nát. Nước vẫn dâng lên xung quanh, nhưng trung úy Auten và đồng đội hiểu rằng tiến hành cứu hộ sẽ làm hỏng kế hoạch nhử mồi đang rất thành công.
Người lính bị thương nằm im, dũng cảm chấp nhận số phận. Kíp tàu ngầm Đức rất cảnh giác trước cái bẫy này, nhưng khi thấy tàu Anh đang chìm, họ tin rằng nó chỉ là một tàu tiếp tế và là miếng mồi ngon cho chiếc U-boat uy lực. Khi quan sát xuồng nhỏ trở lại HMS Stock Force, thuyền trưởng tàu ngầm Đức ra lệnh áp sát tàu địch cho đến khi còn cách 274 m.
Trung úy Auten vẫn chưa ra lệnh khai hỏa. Ông chờ cho đến khi tàu ngầm Đức tiến vào tầm bắn hiệu quả của hai khẩu pháo rồi mới phát lệnh tấn công, 40 phút sau khi tàu bị trúng ngư lôi. Hai khẩu pháo trên HMS Stock Force nã liên tiếp ba phát đạn, biến tàu ngầm Đức từ kẻ săn mồi trở thành con mồi.
Phát bắn đầu tiên phá hủy một kính tiềm vọng trên chiếc U-boat, phát thứ hai trúng tháp chỉ huy khiến nó nổ tung, làm lính Đức bên trong văng lên cao, trong khi phát thứ ba xé rách phần thân tàu ngầm nổi trên mặt nước.
Nước biển ồ ạt tràn vào tàu ngầm Đức thông qua lỗ thủng. Chiếc tàu ngầm U-boat không thể bắn trả khi phần mũi bắt đầu ngóc lên khỏi mặt nước, còn phần đuôi từ từ chìm xuống. Các khẩu pháo trên HMS Stock Force tiếp tục dội mưa đạn vào tàu ngầm đối phương cho đến khi nó chìm hẳn.
HMS Stock Force trụ vững gần 4 giờ rồi mới chìm. Các thủy thủ tìm mọi cách để giữ cho tàu nổi đến khi nhóm cứu hộ gồm một tàu kéo và hai tàu phóng lôi đến nơi. Sau khi thủy thủ được sơ tán, chiếc tàu cũng chìm xuống đáy biển.
Pháo thủ bị mắc kẹt dưới đống đổ nát phía trước tàu cũng được cứu kịp thời khi gần chết đuối, sau đó được ca ngợi vì lòng dũng cảm. Với sự chỉ huy tỉnh táo, thuyền trưởng Harold Auten giành thắng lợi nhờ kết hợp chiến thuật nghi binh của lớp Q-ship với sự dũng cảm cá nhân và đồng đội.
Auten được trao tặng huân chương Victoria vì thành tích chiến đấu. Tuy nhiên, Q-ship là bí mật quân sự của Anh, điều đó khiến rất ít người biết tới trận đánh của ông và HMS Stock Force.
Danh tiếng của Auten chỉ được biết đến sau chiến tranh. Ông đã viết một cuốn sách về tàu Q-ship, thậm chí đóng phim câm về HMS Stock Force. Auten trở lại phục vụ hải quân Anh trong Thế chiến II và sống sót khi chiến tranh kết thúc, sau đó định cư ở Mỹ và qua đời năm 1964 ở tuổi 73.
Duy Sơn