Tháng 11/2012, Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh, đánh dấu quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo 10 năm một lần. Cũng trong kỳ đại hội này, Thượng tướng Từ Tài Hậu, ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, về hưu theo quy định.
Tuy nhiên, không lâu sau, tháng 2/2013, tướng Từ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang và phải nhập viện điều trị. Nơi Từ dưỡng bệnh là khu phía tây của bệnh viện quân y 301, chuyên điều trị cho lãnh đạo cấp cao.
Một năm sau, ngày 15/3/2014, Từ được triệu đến văn phòng Quân ủy Trung ương nhận quyết định điều tra tham nhũng. Khi quay lại bệnh viện, Từ không còn được quyền ở khu phía tây nữa, mà được chuyển sang khu giường bệnh thường tại cánh phía đông. Cùng ngày, vợ và con gái Từ cũng bị bắt giữ.
Nửa tháng sau, Cốc Tuấn Sơn, nguyên phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, bị Viện Kiểm sát Quân sự khởi tố với tội danh tham nhũng và lạm dụng chức quyền mưu lợi cá nhân.
Từ Cốc Tuấn Sơn đến Từ Tài Hậu
Theo Phoenix Weekly, thông tin về việc Từ Tài Hậu có liên quan đến một số vụ án tham nhũng đã lan truyền khắp quân đội, đặc biệt sau khi Cốc Tuấn Sơn lọt vào tầm ngắm của Tổng cục Hậu cần và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân đội hồi đầu năm 2012.
Xem thêm: Đường tiến thân của viên tướng tham ô bậc nhất Trung Quốc
Cốc Tuấn Sơn là tâm phúc của Từ Tài Hậu tại Tổng cục Hậu cần. "Ngay từ hồi chưa trở thành lãnh đạo tổng cục, Cốc đã dám cãi lại chủ nhiệm. Vậy mà ông ấy vẫn lên được chức phó chủ nhiệm, rồi nhận quân hàm trung tướng", một cán bộ cấp cao của Tổng cục Hậu cần cho biết. "Đấy là bởi có chỗ dựa lớn ở trên".
Người này cũng cho hay, cuối năm 2010, Thượng tướng Lưu Nguyên được điều về làm chính ủy Tổng cục Hậu cần. Cốc Tuấn Sơn cũng từng định tiếp cận, làm thân, nhưng không thành. "Khi ấy, bản chất của Cốc mới lộ ra, nhiều lần cãi lại chính ủy, thậm chí còn công khai đe dọa rằng mình có chỗ dựa cực kỳ vững chắc", người này nói.
Tướng Lưu là con trai của cố chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, là bạn từ thủa nhỏ với Chủ tịch Tập Cận Bình. Việc tướng này điều chuyển từ Viện Khoa học Quân sự sang Tổng cục Hậu cần được cho là nhằm mục đích đôn đốc điều tra vấn đề tham nhũng tại cơ quan này.
Tuy nhiên, việc điều tra Cốc gặp rất nhiều cản trở do sự can thiệp của Từ Tài Hậu. Khi đó, Từ là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương phụ trách công tác chính trị toàn quân, bao gồm cả cơ quan kiểm tra kỷ luật quân đội.
Theo lời khai sau này của Cốc Tuấn Sơn, Cốc từng hối lộ Từ 40 triệu nhân dân tệ (hơn 6 triệu USD) để cấp trên giúp mình chạy tội. Nhưng trước tình thế nhạy cảm khi đó, Từ không dám trực tiếp nhận khoản tiền trên, mà giao cho một người thân tín giữ hộ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Ifeng, Thiếu tướng Dương Xuân Trường cho biết Cốc Tuấn Sơn khi đó thậm chí còn tuyên bố mình chẳng những sẽ không vấn đề gì, mà còn sẽ lên quân hàm thượng tướng, vào quân ủy, trở thành chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Tướng Dương từng có thời kỳ làm việc dưới quyền Từ Tài Hậu tại Tổng cục Chính trị.
Mặc dù vậy, Tổng cục Hậu cần dưới sự chỉ đạo của Thượng tướng Lưu Nguyên vẫn kiên quyết điều tra vấn đề tham nhũng của Cốc. Cuối năm 2011, Đảng ủy Tổng cục Hậu cần trực tiếp báo cáo với chủ tịch và phó chủ tịch Quân ủy khi đó là ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình, đồng thời đề nghị điều tra Cốc.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng hai lần yêu cầu cơ quan kiểm tra kỷ luật của quân đội cách chức viên tướng này. Nhưng các nỗ lực trên đều bị trì hoãn, và việc điều tra chỉ được triển khai cho đến khi Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương được chỉ đạo trực tiếp tham gia vào đầu năm 2012.
Tháng 1/2012, Cốc Tuấn Sơn bị cách chức và tiến hành điều tra nội bộ. Nhưng, người của Từ Tài Hậu đã tiếp quản Cốc trước khi quyết định điều tra được đưa xuống. Cho đến mùa thu năm 2012, cơ quan kiểm sát của quân đội vẫn chỉ dừng lại ở khâu chuẩn bị cáo trạng, với cáo buộc Cốc chỉ tham nhũng hơn một triệu USD.
Sau Đại hội 18, với việc Từ Tài Hậu về hưu, tân Tổng bí thư Tập Cận Bình đã chỉ đạo kiên quyết điều tra và mở rộng phạm vi vụ án Cốc Tuấn Sơn. Khi đó, Cốc mới bắt đầu nhận tội và khai ra Từ.
"Cốc khi ấy nhận ra rằng chẳng ai có thể bảo vệ mình được nữa, nên mới khai thật, bao gồm cả những lần hối lộ Từ Tài Hậu", một cán bộ giấu tên liên quan đến tổ điều tra cho biết.
Vỡ mộng "hạ cánh an toàn"
Tháng 3/2013, Từ Tài Hậu vắng mặt trong phiên họp Quốc hội thường niên, khiến dư luận trong và ngoài nước Trung Quốc xôn xao về số phận viên tướng quyền thế một thời này.
Tuy nhiên, ngay sau đó, truyền thông quân đội đưa tin việc Từ viết lời bạt cho cuốn hồi ký của Thượng tướng Vương Hỷ Bân, nhằm mục đích dẹp tan dư luận. Tại tiệc mừng quốc khánh hồi cuối tháng 9/2013, Từ một lần nữa xuất hiện trước công chúng, khiến giới quan sát cho rằng viên tướng này cuối cùng đã "hạ cánh an toàn".
Tuy nhiên, theo lời kể của một số nhân viên bệnh viện 301, những ngày cuối năm 2013, tâm trạng của Từ Tài Hậu rất bất an, bởi dư luận đang dậy sóng về việc điều tra mình. Trước Tết, Từ quyết định lấy lý do du lịch nghỉ dưỡng, đi thăm Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, nhằm mục đích thăm dò thông tin và tìm kiếm sự ủng hộ.
Một số nguồn tin cho hay, chuyến đi Tam Á lần đó không thành công, Từ Tài Hậu không gặp được người cần gặp. Nhưng khi quay về Bắc Kinh, Từ vẫn tung tin rằng mình được đảm bảo là sẽ không gặp vấn đề gì. "Bản thân Từ dường như cũng tin rằng mình đã an toàn, vì trước đó trong quân đội chưa từng có quan chức cấp phó chủ tịch Quân ủy Trung ương nào bị điều tra tham nhũng", Thiếu tướng Dương Xuân Trường cho biết.
Ngày 15/3/2014, Quân ủy Trung ương bất ngờ thông báo với Từ Tài Hậu quyết định điều tra tham nhũng. Ngay trong ngày hôm đó, căn biệt thự rộng 2000 mét vuông của gia đình Từ tại trung tâm Bắc Kinh bị khám xét.
Tại đây, các nhân viên điều tra phát hiện kho để tiền tại tầng hầm nhà Từ, với hơn một tấn tiền mặt, gồm nhân dân tệ, USD và Euro. Ngoài ra còn có vô số đá quý và hàng trăm kg ngọc bích đắt tiền, cũng như các đồ cổ quý hiếm.
Hơn 10 xe tải quân sự được điều động để vận chuyển số tài sản trên. Gần nửa tháng sau, ban chuyên án thống kê và liệt ra một danh sách các tài sản tham nhũng thu giữ được, rồi đưa ra đối chất với Từ Tài Hậu để buộc ông này nhận tội.
Đầu tháng 4/2014, Quân ủy Trung ương Trung Quốc thông báo tình hình điều tra Từ Tài Hậu đến cấp tư lệnh đại quân khu. Cuối tháng 5/2014, thông báo đến cấp sư đoàn trong toàn quân.
Ngày 30/6/2014, chính phủ Trung Quốc chính thức công bố việc điều tra Từ Tài Hậu, với các cáo buộc "lợi dụng chức quyền, giúp những người khác thăng chức và nhận hối lộ trực tiếp hoặc thông qua gia đình, lợi dụng vị trí của mình để gây ảnh hưởng đến người khác nhằm trục lợi".
Tháng 10/2014, Viện Kiểm sát Quân sự tuyên bố hoàn tất quá trình điều tra vấn đề tham nhũng của Từ Tài Hậu và bắt đầu chuẩn bị hồ sơ khởi tố. Nhưng đến 15/3, Từ qua đời do ung thư bàng quang giai đoạn cuối. Giới chức quyết định không khởi tố Từ, nhưng tài sản tham ô và các cá nhân liên quan vẫn sẽ bị điều tra và xử lý theo pháp luật.
Đức Dương