Lời kêu gọi của Thủ tướng Anh thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lâu đời, thường sản xuất những thứ như cánh máy bay hay xe đua F1, với một số công ty thiết bị y tế nhỏ. Họ hợp thành nhóm Dự án Máy thở Anh để chinh phục mục tiêu gần như bất khả thi.
Tuy nhiên, tính đến tháng 7, nhóm sản xuất đã giao 13.437 máy thở cho Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS), hơn gấp đôi so với số lượng trong kho dự trữ được nhà nước hỗ trợ. Tốc độ tiến hành dự án được đánh giá là phi thường, đặc biệt với tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Anh.
Tại các cơ sở đặt hàng nhỏ ở vùng nông thôn, nơi dây chuyền lắp ráp từng chỉ sản xuất được 10-20 máy thở một tuần, công suất nhanh chóng nâng lên hơn 400 chiếc một ngày, nhờ sự giúp đỡ từ những "gã khổng lồ" như Ford, Airbus, McLaren, Rolls-Royce, GKN Aerospace. Công việc được thực hiện 24/7 với hơn 3.500 kỹ thuật viên tuyến đầu tại 7 nhà máy.
"Tôi từng hoàn thành vài điều khá tốt trong sự nghiệp của mình, nhưng chưa bao giờ làm bất cứ thứ gì với tốc độ và cường độ như dự án này", Graham Hoare, giám đốc điều hành Ford ở Anh, cho biết. "Nhiệm vụ cứu mạng người, cùng nhận thức rằng chúng ta có thể làm nên khác biệt, là động lực thực sự mạnh mẽ".
Bất chấp số lượng sản phẩm đáng kể, hiệu quả trên thực tế của dự án đầy cảm hứng này lại bị đánh giá kém xa so với mong đợi, do thời điểm cung ứng muộn màng và sáng kiến chế tạo mẫu máy thở mới gây tranh cãi.
Thủ tướng Johnson từng ca ngợi Dự án Máy thở Anh là "bằng chứng cho thấy người Anh có thể làm được nhiều như thế nào khi đối mặt với khó khăn, đồng thời tập hợp những bộ óc giỏi nhất trong sản xuất, đổi mới và thiết kế".
Hàng nghìn nhà phát minh đã đáp lại lời kêu gọi của chính phủ. Hàng trăm người đã gửi mẫu thiết kế sơ bộ. Nhưng cuối cùng, chỉ một số ít mẫu máy thở mới đáp ứng các yêu cầu về hoạt động. Không có sản phẩm nào được cơ quan quản lý Anh cho phép bán ra thị trường. Những đơn đặt hàng trước của chính phủ bị hủy và không chiếc máy nào đến được tay NHS.
Giáo sư Andrew Farmery tại Đại học Oxford, người đồng sáng chế một trong những "máy thở triển khai nhanh" giá rẻ, đánh giá chính phủ Anh đã sai lầm khi phát động chương trình như một cuộc thi dành cho tất cả mọi người. Theo ông, giới chức nên tập hợp các nhóm với trình độ đã được chứng minh để thực hiện sáng kiến.
Theo một số người giấu tên từng tham gia thử thách sáng chế máy thở, những người vụng về, không có kinh nghiệm chế tạo thiết bị y tế sử dụng trong trường hợp nghiêm trọng, cũng gửi mẫu thiết kế. Farmery cho rằng chính phủ Anh đã "dễ dãi một chút" trong việc này.
Nhóm của Farmery đã tạo ra một thiết bị khẩn cấp giá rẻ, có thể phát triển thêm, được đặt tên là OxVent. Chiếc máy thở này chỉ còn giữ lại chức năng cơ bản nhất, với thiết kế đơn giản bao gồm bộ phận bơm và ống truyền khí làm từ những nguyên vật liệu có sẵn ở Anh.
Một chiếc máy OxVent được làm ra với chi phí chưa tới 1.200 USD, trong khi một máy thở tiêu chuẩn dùng để điều trị tích cực (ICU) có giá tới 20.000 USD. Câu hỏi được đặt ra là liệu các nhân viên y tế có yên tâm sử dụng OxVent, hoặc gia đình người nhiễm có muốn thân nhân của họ dùng nó hay không?
Trong một bản ghi nhớ hồi tháng 4 do Financial Times thu thập được, nhóm cố vấn y tế và kỹ thuật cho cơ quan quản lý thiết bị y tế Anh cảnh báo rằng những chiếc máy thở cơ bản như vậy sẽ dẫn tới "cần nhiều máy thở hơn, nhiều oxy và thuốc hơn, nhiều nhân viên y tế hơn, và gần như chắc chắn tình hình bệnh nhân tồi tệ hơn".
Thêm vào đó, hệ thống y tế Anh cuối cùng không sụp đổ, do số ca nhiễm mới giảm dần nhờ việc người dân tuân thủ lệnh phong tỏa từ cuối tháng 3. Dù một số bệnh viện khá chật vật khi số người nhập viện và chết tăng vọt trong tháng 4, Anh chưa bao giờ hết giường ICU hoặc nguồn cung máy thở hiện có. Các bác sĩ cũng thử nghiệm phương pháp điều trị khác, giúp hạn chế việc sử dụng máy thở cơ học.
Kết quả là NHS không cần tới số thiết bị mà Dự án Máy thở Anh làm ra, dù chúng được chứng minh sẽ cứu sống người dân nếu làn sóng lây nhiễm thứ hai lan rộng khắp nước Anh vào mùa thu hoặc mùa đông.
Richard Horton, biên tập viên tạp chí y khoa Anh Lancet, đặt ra câu hỏi tại sao tới tận tháng 3 chính phủ mới nhận thức được nhu cầu máy thở khẩn cấp, khi đại dịch bùng phát nghiêm trọng tại Vũ Hán, Trung Quốc, từ hai tháng trước đó, với những bệnh nhân chết dần trong các phòng ICU.
Một cuộc điều tra của quốc hội Anh còn chỉ ra rằng chính phủ hồi tháng 3 dường như không thực sự nắm rõ số lượng máy thở mà NHS đang sở hữu. Giới chức từng nói rằng họ cần 30.000 máy thở, nhưng con số này giảm xuống còn 18.000 vào tháng 4.
Vài tháng sau khi Covid-19 tại Anh đạt đỉnh hồi tháng 4, số thiết bị do Dự án Máy thở Anh sản xuất mới được vận chuyển đi. Trong số 11.683 máy thở sản xuất bởi Penlon, nhà cung cấp chính của Anh, chỉ có một chiếc được bệnh nhân sử dụng để hoàn thành thủ tục phê duyệt.
Dù tồn tại một loạt bất cập, nhiều người vẫn coi "chiến dịch" sản xuất máy thở của Anh là một chiến thắng. Giáo sư Tim Minshall tại Đại học Cambridge đánh giá Dự án Máy thở đã mang lại nhiều ý nghĩa hồi tháng 3, giữa bối cảnh hoảng loạn khi Covid-19 ập đến Anh sau khi càn quét khắp Italy và Tây Ban Nha. Chính phủ Anh lúc đó đã cảnh báo về tình huống nhiều người có thể chết vì thiếu máy thở.
Vì vậy, họ theo đuổi cách tiếp cận gồm ba điểm là mua máy thở từ nước ngoài nhiều nhất có thể, mở rộng quy mô sản xuất tại Anh và phát minh ra thứ gì đó đơn giản, mới và nhanh chóng để sử dụng tại gia. Minshall cho rằng đây là một chiến lược hợp lý.
Cuối cùng, máy thở trở nên khan hiếm trên thị trường nước ngoài và không có thiết bị mới nào được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, Anh giờ đây sở hữu thêm 13.437 máy thở để sẵn sàng ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ hai.
"Là một nhà cung cấp thiết bị y tế, tôi hy vọng sản phẩm của mình được sử dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi không mong điều đó xảy ra", Guru Krishnamoorthy, giám đốc điều hành của Penlon, cho biết.
"Dù sao thì chúng tôi cũng đã tạo ra một bộ máy công nghiệp tuyệt vời. Tôi không nghĩ có chiến dịch nào khác thành công trong việc tạo ra nhiều máy thở nhanh chóng như ở Anh", ông nói thêm.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)