Đó là nhận định của Alvin Foo - CEO hãng quảng cáo Reprise Digital tại Thượng Hải. Foo cho biết điều này không hề dễ dàng với một công ty quảng cáo cần sự sáng tạo, hầu hết xây dựng ý tưởng trong các cuộc họp trực tiếp. Làm việc tại nhà có nghĩa là sẽ cần trao đổi nhiều qua các cuộc trò chuyện video và gọi điện thoại.
Tiên phong cho mô hình này là các trung tâm tài chính như Hong Kong và Thượng Hải. Đây là những thành phố có hàng trăm nghìn nhân viên văn phòng trong lĩnh vực tài chính, logistics, bảo hiểm, luật và nhiều công việc khác.
Trên Bloomberg, một nhân viên ngân hàng Hong Kong cho biết anh sẽ kéo dài kỳ nghỉ ở nước ngoài, vì có thể làm việc từ bất cứ đâu với máy tính xách tay và điện thoại. Một số nói rằng họ sẽ dùng thời gian vốn để gặp gỡ và ăn uống với khách hàng vào việc khác. Số khác lại quyết định chuyển hướng hoạt động sang Đông Nam Á.
"Không ai muốn gặp mặt cả. Lịch trình của tôi khá trống. Một người còn gửi email cho tôi hỏi rằng: Chúng ta gặp nhau vào tháng hai được không?", Jeffrey Broer - một cố vấn đầu tư mạo hiểm ở Hong Kong nói.
Một số nhà quản lý lo lắng nhân viên không đến văn phòng sẽ làm giảm năng suất. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2015 từ Đại học Stanford ở California cho thấy năng suất của nhân viên tổng đài thuộc công ty du lịch Ctrip (Trung Quốc) tăng 13% khi họ làm việc tại nhà do môi trường làm việc thoải mái hơn và thời gian nghỉ ít hơn. Dịch viêm phổi hiện tại sẽ là cơ hội kiểm nghiệm lý thuyết này trên quy mô lớn.
Dù vậy, với các công ty kinh doanh trong lĩnh vực chia sẻ văn phòng, đây lại là một mối đe dọa lớn. Mô hình này đang nhân rộng khắp các thành phố lớn của Trung Quốc trong những năm gần đây, khi giá thuê văn phòng tăng vọt và các công ty khởi nghiệp công nghệ bùng nổ.
"Đây sẽ là khoảng thời gian rất khó khăn", Dave Tai - Phó giám đốc Beeplus, một công ty cho thuê không gian làm việc với 300 nhân viên, cho hay. Dịch bệnh đã khiến công ty ông hoãn mở thêm cơ sở mới ở Bắc Kinh.
Khi không có khách hàng, doanh nghiệp này có thể sẽ chết. "Cốt lõi của không gian làm việc là cộng đồng, mọi người đến với nhau. Thật khó thay thế sự tương tác đó bằng kết nối trực tuyến", ông nói.
Với các doanh nghiệp dựa nhiều vào máy móc, các hãng logistics và cửa hàng bán lẻ, việc kinh doanh cũng sẽ bị gián đoạn và khó trông chờ vào làm việc từ xa. Nhà sản xuất ốp điện thoại Casetify từng dự tính năm 2020 là năm kinh doanh tốt nhất từ trước tới nay với mục tiêu tăng gấp đôi doanh số. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến các nhà máy ở Trung Quốc ngừng hoạt động và buộc Casetify cho hầu hết nhân viên làm việc tại nhà.
Thậm chí, ngay cả đối với những người có thể kinh doanh bằng internet và điện thoại, dịch bệnh cũng khiến họ không có nhiều việc để làm. Các ngân hàng cho biết IPO và nhiều thương vụ đang bị trì hoãn. Theo Bloomberg, giá trị các giao dịch trong 30 ngày đầu năm 2020 chỉ bằng nửa năm trước.
"Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Chúng tôi cho rằng virus corona có thể giáng đòn nặng nề hơn nữa vào nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới, giống như SARS năm 2003", nhà phân tích Ting Lu của công ty tài chính Nomura cho biết.
Với việc các nhà máy đóng cửa và nhiều nhân viên văn phòng làm việc ở nhà, nhiều doanh nghiệp trong ngành dịch vụ của Trung Quốc cũng phải đối mặt với khó khăn. Lĩnh vực này hiện có quy mô lớn hơn nhiều so với thời kỳ dịch SARS, khi đóng góp 53% GDP Trung Quốc. Không có khách hàng, nhiều doanh nghiệp gần như tê liệt.
Một số đã chuyển sang tận dụng Internet để giữ khách hàng trung thành, hy vọng vượt qua dịch bệnh. Fenix Chen chỉ định đóng cửa phòng tập Hy Funny ở Thượng Hải trong ba ngày Tết. Sau đó, ông hoãn ngày mở cửa đến 10/2, theo khuyến nghị của thành phố.
"Hầu hết mọi người Thượng Hải ở nhà, tránh những nơi công cộng. Sự sợ hãi dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi", ông nói.
Vì vậy, Chen đang khuyến khích khách hàng tập thể dục tại nhà và đăng các video hướng dẫn lên mạng. "Việc họ tiếp tục thói quen này cũng quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi sau khi dịch qua đi", ông lý giải.
Ánh Dương (theo Bloomberg)